Quân Kim tiến xuống phía nam, đánh suốt tới tận bờ biển Minh Châu. Dọc đường liên tục vấp phải sự tập kích của nghĩa quân do dân chúng tự động tổ chức lại. Tướng Ki Ngột Truật biết quân Tống còn nhiều lực lượng ven Trường Giang nên không dám ở lâu, sau khi cướp bóc vơ vét, liền lui quân về bắc. Năm 1130, Ngột Truật dẫn 10 vạn quân Kim lui về đến gần Trấn Giang thì gặp đại tướng Tống là Hàn Thế Trung đem quân chặn lại. Hàn Thế Trung là 1 tướng lĩnh thuộc phái chủ trương kháng chiến. Ông rất căm phẫn trước hành động xâm lược của Kim nên quyết tâm đánh mạnh nhân cơ hội quân Kim phải rút.
Ngột Truật tới bờ sông, dò biết Hàn Thế Trung ngăn không cho qua sông, liền cử sứ giả đến trại Tống đưa chiến thư, thách đánh. Hàn Thế Trung chấp nhận ngay, còn hẹn rõ ngày quyết chiến. Lúc đó, quân Kim có 10 vạn, nhưng quân Tống dưới quyền Hàn Thế Trung cộng lại chỉ có 8000, lực lượng 2 bên chênh lệnh rất nhiều. Hàn Thế Trung biết rõ rằng, muốn đánh thắng trận này phải dựa vào sĩ khí. Ông bàn với vợ là Lương Hồng Ngọc, 1 nữ tướng rất có kiến thức, lại giỏi võ nghệ. Bà ủng hộ kế hoạch của chồng và cùng tham gia chiến đấu. Hàn Thế Trung lại bàn với các bộ tướng và nói: "Địa thế ở đây, hiểm yếu nhất phải kể tới Long Vương miếu trên Kim Sơn (ở tây bắc Trấn Giang). Ta dự đoán quân Kim nhất định sẽ cử người lên đó trinh sát!". Vì vậy, ông cử 1 tướng dẫn 200 bihn sĩ lên Long Vương miếu mai phục.
Quả như dự đoán của Hàn Thế Trung, 1 ngày sau có 5 tên lính Kim cưỡi ngựa lên Kim Sơn, tới trước Long Vương miếu đứng quan sát quân Tống. Quân Tống đang mai phục, đợi cho quân Kim tới gần, liền thúc trống xông ra chém giết. Năm tên lính Kim thấy có mai phục, liền quay ngựa chạy, quân Tống đuổi theo, bắt được 2 tên lính Kim, còn 3 tên khác nằm rạp trên mình ngựa chạy miết. 1 tên trong số đó mặc chiến bào đỏ, thắt đai lưng ngọc, trong lúc vội vã, ngã khỏi ngựa rồi lại cố nhảy lên trốn chạy. Quân Tống tra hỏi tù binh mới biết đó chính là Ngột Truật, chủ soái quân Kim. Giờ quyết chiến đã đến, 2 bên dàn trận bên bờ sông tiến hành 1 cuộc quyết chiến. Hàn Thế Trung mặc áo giáp, phu nhân Lương Hồng Ngọc mặc nhung trang, đứng trên chiến thuyền dưới sông, khua vang trống trận. Tướng sĩ Tống thấy chủ soái phu nhân ra trận trợ chiến, tinh thần ai cũng bội phần hăng hái, ào ạt xông lên giết giặc. Quân Kim tuy đông nhưng kỷ luật lỏng lẻo, lại hành quân đường xa mệt nhọc, không chống lại nổi đội tinh binh của Hàn Thế Trung. Qua trận chiến đấu kịch liệt, quân Kim tử thương nhiều không kể xiết, ngay cả con rễ của Ngột Truật là Long Hổ đại vương cũng bị bắt sống. Ngột Truật vội phái sứ giả tới trại Tống, xin hoàn lại mọi của cải cướp được ở Giang Nam, đổi lấy việc quân Tống để họ an toàn qua sông. Hàn Thế Trung không chịu, Ngột Truật lại xin tặng Hàn Thế Trung con tuấn mã của mình, nhưng vẫn bị cự tuyệt.
Ngột Truật không vượt được sông, đành dẫn quân dùng thuyền nhỏ lui tới Hoàng Thiên Đãng (nay ở đông bắc thành phố Nam Kinh). Ngờ đâu Hoàng Thiên Đãng là 1 nhánh sông cụt, không có đường ra. Chính trong lúc tiến thoái lưỡng nan, thì có kẻ hiến kế nói: "Tại đây trước kia vốn có một con sông có thể đi tới Kiến Khang, nhưng lâu ngày bị bồi lấp. Nếu sai binh sĩ khơi lại sông thì có thể thoát khỏi sự truy kích của quân Tống!".
Ngột Truật lập tức ra lệnh cho quân Kim khơi lại dòng sông. Quân Kim đông đúc, đào suốt 1 đêm, khai thông được đoạn sông dài 50 dặm. Ngột Truật vội hạ lệnh cho quân Kim rút về Kiến Khang. Không ngờ mới nửa đường lại gặp tướng Tống là Nhạc Phi dẫn quân đánh chặn. Ngột Truật đành lui quân trở về Hoàng Thiên Đãng. Quân Kim bị quân Tống vây ở Hoàng Thiên Đãng trong 48 ngày, tình cảnh hết sức khốn khổ. Lúc đó, quân Kim từ Giang Bắc cũng phái quân đến tiếp ứng. Ngột Truật muốn dùng thuyền nhỏ vượt sông, Hàn Thế Trung đã chuẩn bị sẵn, cho bố trí câu liêm và xích sắt trên thuyền lớn, đợi khi thuyền quân Kim vượt sông, liền phóng câu liêm giữ lại rồi kéo xích sắt, làm cho thuyền nhỏ bị lật, quân Kim cùng với thuyền đều chìm dưới đáy sông. Ngột Truật vô cùng nôn nóng, xin Hàn Thế Trung ra trước trận nói chuyện, van nài ông để cho quân Kim vượt sông. Hàn Thế Trung nói: "Muốn qua cũng không khó, chỉ cần các ngươi trao trả mọi đất đai đã chiếm thì ta sẽ cho qua sông".
Ngột Truật trở về trại Kim, bàn với các tướng về cách đối phó. Truật buồn rầu nói: "Quân Tống dùng thuyền thành thạo như chúng ta cưỡi ngựa, đi lại nhanh như bay. Chúng ta làm sao mà vượt sông được?".
Một bộ tướng nói: "Tình hình hiện nay rất gấp rút, nên treo thưởng thật cao để tìm người hiến kế thì mới có hy vọng".
Ngột Truật hạ lệnh yết bảng treo thưởng, quả nhiên có 1 Hán gian tới hiến kế, nói: "Thuyền lớn của quân Tống phải dựa vào buồm mới đi được. Nếu ta chọn ngày không có gió để vượt sông thì thuyền lớn của Tống không đuổi được". Hắn còn dạy Ngột Truật cách dùng hòa công để đánh bại quân Tống.
Mấy ngày sau, trời thanh gió lặng, mặt sông êm ả. Quân Kim lặng lẽ lên thuyền nhỏ, chia từng toán lần lượt vượt sông. Hàn Thế Trung toan dùng thuyền lớn đuổi theo chặn lại. Nhưng vì không có gió, thuyền lớn chèo đi rất chậm, không đuổi kịp thuyền nhỏ. Chính trong lúc đó, quân Kim lại bắn tên lửa sang như mưa, làm buồm trên thuyền Tống bốc cháy, lan ra toàn thuyền. Quân Tống trên thuyền lao nhao rơi xuống nước. Hàn Thế Trung đành bỏ thuyền lớn, chuyển sang thuyền nhỏ, lui quân về Trấn Giang. Ngột Truật thoát khỏi Hàn Thế Trung, đưa quân về Kiến Khang, ra sức cướp bóc rồi chuẩn bị rút về bắc. Đến Tĩnh An Trấn (nay ở tây bắc Giang Ninh, Giang Tô), lại bị quân Nhạc Phi tập kích, bị đánh tơi bời, phải ôm đầu tháo chạy. Nhạc Phi đuổi được quân Kim, thu phục lại Kiến Khang.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...