ĐẠI CHIẾN SÁC XUY

749 6 0
                                    

Sau khi lập nên Hậu Kim, Nỗ Nhĩ Cáp Xích để ra 2 năm tiến hành chỉnh đốn nội bộ, phát triển sản xuất, mở rộng binh lực. Năm 1618, Nỗ Nhĩ Cáp Xích triệu tập thủ lĩnh và tướng lĩnh 8 kỳ tới làm lễ thệ sư, tuyên bố có 7 mối thù với triều Minh, gọi là "thất đại hận". Mối thù thứ nhất là triều Minh đã vô cớ gây sự, giết mất ông và cha Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Để trả mối thù ấy, cần khởi binh chinh phạt triều Minh. Hôm sau, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đích thân dẫn 2 vạn người ngựa tiến đánh Phủ Thuận. trước hết, ông viết thư cho tướng Minh giữ Phủ Thuận, gọi hàng. Tướng Lý Vĩnh Phương thấy thế quân Kim quá mạnh, liệu sức không chống đỡ nổi, phải đầu hàng. Quân Kim bắt được người ngựa và gia súc tới 30 vạn. Tuần phủ Liêu Đông của triều Minh cử quân tới cứu Phủ Thuận, bị quân Kim đánh chặn tan tác giữa đường. Nỗ Nhĩ Cáp Xích ra lệnh phá hủy thành Phủ Thuận, đem toàn bộ chiến lợi phẩm về Hách Đồ A Lạp. Tin tức truyền tới Bắc Kinh, Minh Thần Tông cả giận, cử Dương Cảo làm kinh lược Liêu Đông để thảo phạt quân Kim. Dương Cảo vội vã điều binh khiển tướng, tập trung được 10 vạn người ngựa. Năm 1619, Dương Cảo chia quân làm 4 cánh do 4 quan tổng binh dẫn đầu nhằm Hách Đồ A Lạp tiến phát. Cánh giữa bên trái do tổng binh Sơn Hải Quan là Đỗ Tùng chỉ huy, cánh giữa bên phải do tổng binh Liêu Đông là Lý Như Bá chỉ huy, cánh bắc do tổng binh Khai Nguyên là Mã Lâm chỉ huy, cánh nam do tổng binh Lưu Dương là Lưu Đĩnh chỉ huy. Để hư trương thanh thế, triều Minh phao lên là đại quân gồm 47 vạn. Dương Cảo đóng đại bản doanh tại Thẩm Dương để chỉ huy toàn cục.

Lúc đó, binh lực quân Kim, cộng cả 8 kỳ lại cũng chỉ có hơn 6 vạn. Một số tướng lĩnh Kim nhận được tin đại quân Minh tiến đánh, hơi tỏ vẻ lo ngại, liền tìm đến Nỗ Nhĩ Cáp Xích xin ông nghĩ cách đối phó. Nỗ Nhĩ Cáp Xích bình tĩnh nói: "Đừng sợ! Mặc chúng tới từ mấy hướng, ta cứ đón đánh một hướng đã!".

Qua trinh sát, Nỗ Nhĩ Cáp Xích biết quân Minh ở cánh giữa phía trái là quân chủ lực do Đỗ Tùng chỉ huy, từ Phủ Thuận đang tiến tới, liền tập trung binh lực đối phó trước. Đỗ Tùng là 1 danh tướng đã trải qua bách chiến. Sau khi xuất phát từ Phủ Thuận, gặp trời xuống tuyết lớn, nhưng ông ta muốn lập công đầu nên mặc cho khí hậu khắc nghiệt, vẫn đôn đốc tướng sĩ hành quân. Trước hết, ông ta đánh chiếm Sác Xuy (nay ở phía đông Phủ Thuận, Liêu Ninh), sau đó chia quân làm đôi, một nửa ở lại giữ Sác Xuy, tự mình dẫn số tinh binh còn lại tiến đánh thành Giới Phiên của Kim (nay ở tây bắc Tân Tân). Thấy Đỗ Tùng phân tán binh lực, Nỗ Nhĩ Cáp Xích mừng thầm, liền tập trung binh lực của 8 kỳ, đánh chiếm lại Sác Xuy, cắt đứt đường lui của Đỗ Tùng. Sau đó, ông cho hành quân gấp tới cứu Giới Phiên. Quân Minh đang đánh Giới Phiên, thấy bị bọc phía sau, lòng quân đều nao núng. Quân Kim đang giữ Giới Phiên, từ trên núi đánh ép xuống, khiến quân Đỗ Tùng tan tác. Nỗ Nhĩ Cáp Xích dẫn đại quân tới, vây quân Minh trùng trùng lớp lớp. Đỗ Tùng tả xung hữu đột mong phá vây, bị 1 mũi tên bắn trúng đầu, ngã lộn xuống chết dưới chân ngựa. Quân Minh bị giết phơi thây khắp núi, máu chảy thành sông. Thế là cánh quân thứ nhất bị tiêu diệt toàn bộ. Cánh quân phía bắc của Mã Lâm xuất phát từ Khai Nguyên (nay thuộc Liêu Ninh) vừa tới cách Sác Xuy 40 dặm, thì nhận được tin Đỗ Tùng đã thảm bại, liền cuống cuồng đổi thế công thành thế thủ, dựa vào núi, dựng doanh trại, đào 3 vòng hào để phòng thủ. Nỗ Nhĩ Cáp Xích dẫn quân 8 kỳ hành quân liên tục từ Giới Phiên tới, đánh phá tan tành doanh trại Minh. Mã Lâm liều chết mở đường tháo chạy trở về Khai Nguyên. Thế là cánh quân thứ 2 cũng thất bại.

Dương Cảo đang ngồi tại Thẩm Dương chờ tin thắng trận, nào ngờ liền trong 2 ngày đều được tin thảm bại. Tới lúc đó, ông ta mới biết lực lượng Nỗ Nhĩ Cáp Xích là ghê gớm, vội phái ngựa trạm đi phi báo cho 2 cánh quân còn lại ngừng tiến quân. Lý Như Bá, tổng binh Liêu Đông chỉ huy cánh giữa bên phải, vốn là kẻ nhát gan, hành động chậm chạp, vừa nhận được lệnh Dương Cảo, liền cho lui quân. Có lần, 20 quân Kim đi tuần tiễu phía xa, thấy quân Minh rút, liền thét to dọa dẫm. Quân Lý Như Bá ngỡ phía sau có nhiều quân Kim đuổi theo, liền chen nhau chạy dẫm đạp lên nhau, tự làm bị thương 1 số lớn. Còn lại cánh quân phía nam của Lưu Đĩnh đã dẫn quân vào sâu trận địa quân Kim, không hề biết tin các cánh quân khác thua trận. Lưu Đĩnh là mãnh tướng nổi tiếng của quân Minh, sở trường sử dụng 1 thanh đại đao nặng 120 cân (=60kg), múa nhanh như chớp, có biệt danh là "Lưu đại đao". Quân Lưu Dĩnh có kỷ luật nghiêm minh, trang bị tốt. Sau khi vào sâu đất Kim, cánh quân này liên tục chiếm được mấy doanh trại. Biết Lưu Đĩnh là tướng kiêu dũng, Nỗ Nhĩ Cáp Xích không sử dụng sức mạnh, mà dùng mẹo lừa. Ông dùng 1 hàng binh Minh đóng vai hạ bộ của Đỗ Tùng, mang thư đến cho Lưu Đĩnh, báo tin Đỗ Tùng đã tới chân thành Hách Đồ A Lạp, chỉ đợi Lưu Đĩnh tới là hợp sức đánh thành. Lưu Đĩnh vì không nhận được lệnh của Dương Cảo, tưởng thật, sợ 1 mình Đỗ Tùng lập được công, liền hạ lệnh hỏa tốc tiến quân. Con đường này chật hẹp, không, không thể đi hàng đôi, chỉ có thể đi từng người một. Lưu Đĩnh vừa đi 1 đoạn, bỗng thấy bốn bề nổi lên tiếng hô "giết", phục binh Kim đầy núi đầy khe đang xông tới chém giết. Lưu Đĩnh đang hoảng hốt, lại thấy 1 toán quân mặc khôi giáp Minh, mang cờ Minh, giả làm quân của Đỗ Tùng đến cứu. Lưu Đĩnh không nghi ngờ, dẫn quân tiến vào giữa đám quân Minh giả đó. Quân Kim phối hợp trong ngoài từ mọi phía đánh tới khiến hàng ngũ quân Minh rối loạn. Lưu Đĩnh tuy dũng cảm, võ nghệ cao cường, đánh giết được 1 số quân Kim, nhưng cuối cùng không thể chống nổi quân Kim đông đảo, 2 cánh tay đều bị thương ngã nhào xuống chết tại trận.

Cuộc chiến tranh đó chỉ diễn ra trong 5 ngày, 10 vạn quân dưới quyền Dương Cảo bị tiêu diệt quá nửa, 300 quan văn võ bị giết. Đó là "Trận Sác Xuy" nổi tiếng trong lịch sử. Sau trận Sác Xuy, thực lực triều Minh suy giảm nhiều, quân Kim tiếp ép từng bước. Hai năm sau, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lại dẫn đại quân 8 kỳ, liên tiếp đánh chiếm 2 cứ điểm quan trọng vùng Liêu Đông là Thẩm Dương và Lưu Dương. Tháng 3 năm 1625, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dời đô tới Thẩm Dương, đổi tên Thẩm Dương thành Thịnh Kinh. Từ đó về sau, Hậu Kim trở thành mối uy hiếp với triều Minh.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ