Khi vừa nối ngôi, Tống Hiếu Tông quyết tâm thay đổi chính sách cầu hòa nhục nhã, rất muốn làm nên sự nghiệp lớn là khôi phục Trung nguyên. Năm 1163, ông cử 1 lão tướng rất có danh vọng là Trương Tuấn làm khu mật sứ. Trương Tuấn quyết định đưa quân bắc phạt, và xin triều đình hạ chiếu, hiệu triệu nhân dân Trung nguyên vùng lên chống địch, phối hợp với quân triều đình để khôi phục đất đai đã mất. Trong khu mật viện lúc đó có viên quan tu là Lục Du, rất có văn tài. Trương Tuấn liền sai Lục Du khởi thảo tờ chiếu đó. Lục Du là nhà thơ yêu nước nổi tiếng thời Tống. Ông là người vùng Sơn Âm, Chiết Giang, sinh ra vào lúc Bắc Tống diệt vong. Khi quân Kim tiến xuống Giang Nam tàn sát, cướp bóc, cậu bé Lục Du đã nếm đủ điều đau khổ vì quốc nạn, và đã mắt thấy tai nghe rất nhiều câu chuyện chồng Kim hào hùng và bi tráng. Trong tâm não thơ trẻ của ông đã hình thành tình yêu sâu sắc với tổ quốc và dân tộc.
Lớn lên, Lục Du chuyên cần học tập trở thành 1 tài năng văn học xuất sắc. Năm 29 tuổi, ông tham gia khoa thi ở vùng Lưỡng Triết, được lấy đỗ đầu. Khóa thi đó có cháu củaTần Cối là Tần Huân cùng dự. Trước khi thi, Tần Cối đã nói riêng với quan chấm thi, yêu cầu lấy cháu hắn đỗ đầu. Nhưng quan chấm thi không làm theo ý hắn, vẫn theo phép công, chọn Lục Du. Việc đó là Tần Cối rất tức giận. Năm sau, Lục Du lên kinh đô Lâm An thi. Quan chủ khảo thấy văn Lục Du xuất sắc, đã toan lại để ông đỗ đầu. Tần Cối phát hiện, liền ngang ngược hạ lệnh cho quan chủ khảo hủy bỏ tư cách thí sinh của Lục Du và còn truy cứu trách nhiệm của quan chấm thi vùng Lưỡng Triết. Từ đó về sau, Tần Cối cố ý vùi dập Lục Du, không cho ông làm quan trong triều. Chỉ tới sau khi Tần Cối mất đi, ông mới được tới Lâm An làm quan biên tu trong khu mật viện. Lục Du nhiệt tình ủng hộ cuộc bắc phạt. Nhưng Trương Tuấn là thống soái quân đội lại thiếu tài năng quân sự và 2 viên tướng dưới quyền lại bất hòa với nhau, luôn hục hặc va chạm. Quân Tống vừa ra quân, đã bị thua 1 trận ở Phù Ly (nay ở phía bắc huyện Túc, An Huy), toàn tuyến nao núng phải lùi lại. Cuộc bắc phạt không thành. Những đại thần xưa nay một mực chủ hòa liền ra sức công kích Trương Tuấn, và còn nói là cách dùng binh của Trương Tuấn là do Lục Du đưa ra. Do đó, Trương Tuấn bị gạt khỏi triều đình và Lục Du bị bãi chức về quê ở Sơn Âm.
Bị quân Kim uy hiếp, quyết tâm chống Kim của Tống Hiếu Tông bị lung lay. Tới năm sau, Tống phải ký với Kim 1 hòa ước nhục nhã nữa. Từ đó về sau, Tống không còn dám nói tới việc bắc phạt. Khoảng 10 năm sau, Vương Viên, 1 viên tướng phụ trách quân sự vùng Tứ Xuyên, Thiểm Tây, nghe danh Lục Du, liền mời ông tới Hán Trung làm việc dưới quyền mình. Hán Trung tiếp giáp với tiền tuyến chống Kim. Lục Du thấy tới Hán Trung có thể có cơ hội tham gia việc chống Kim, liền vui vẻ tới nhận chức. Đến nơi, ông nhiều lần cưỡi ngựa tới Đại Tản Quan, xem xét vùng do quân Kim chiếm đóng. Sống tại nha môn của Vương Viên, ông thường trực tiếp tiếp xúc với nhân dân vùng bị chiếm, không quản nguy hiểm, tới cung cấp tin tức quân sự cho quân Tống. Tình hình đó khiến ông tràn đầy hy vọng vào tiền đồ cuộc kháng chiến chống Kim. Sau khi khảo sát tường tận, ông nêu 1 kế hoạch với Vương Viên, là muốn khôi phục Trung nguyên thì trước hết phải khôi phục Trường An, đề nghị Vương Viên tích lũy lương thảo, huấn luyện quân ở Hán Trung, làm tốt mọi việc chuẩn bị để gặp thời cơ thì mở cuộc tiến công. Nhưng triều đình Nam Tống lúc đó không hề có ý định bắc phạt, các tướng lĩnh vùng Xuyên – Thiểm đa số đều kiêu căng, thối nát. Vương Viên không có cách nào thuyết phục được triều đình và chỉ huy cấp dưới thì nói gì đến việc thực hiện kế hoạch của Lục Du. Hy vọng của ông cũng tiêu tan.
Không lâu sau, Vương Viên bị điều đi, Lục Du cũng bị đưa về Thành Đô làm quan tham nghị cho An phủ sứ Phạm Thành Đại. Phạm Thành Đại là bạn cũ của Lục Du, nên tuy không cùng cấp, 2 người không câu nệ nhiều đến lễ tiết. Ý nguyện chống Kim của Lục Du không được thực hiện, nên trong lòng buồn giận, thường uống rượu làm thơ, thổ lộ tình cảm yêu nước của mình. Một số quan chức khác không ưa tính cách đó của ông. Thường chỉ trích ông coi thường lễ tiết, tác phong phóng túng. Lục Du nghe hết những lời đó, bực mình, lấy luôn biệt hiệu "Phóng ông" (ông già phóng túng). Người đời sau, vì vậy gọi ông là Lục Phóng Ông. Lại hai, ba chục năm nữa, vương triều Nam Tống thay đổi 2 hoàng đế khác, lần lượt là Tống Quang Tông Triệu Đôn và Tống Ninh Tông Triệu Khuếch, nhưng trước sau không hề có quyết tâm khôi phục lãnh thổ. Lục Du sống mãi cuộc đời nhàn cư, chỉ có cách gửi gắm nhiệt tình yêu nước vào thi ca. Năm 1206, Hàn Thược Trụ làm tể tướng, phát động 1 cuộc bắc phạt quy mô lớn. Điều này khiến Lục Du vô cùng phấn khởi, nhưng cuộc bắc phạt không được chuẩn bị đầy đủ, lại thêm trong triều có nhiều phe phái chống đối nhau, nên lần bắc phạt cuối cùng này lại thất bại. Tống Ninh Tông và 1 số đại thần thuộc phái chủ hàng liền giết Hàn Thược Trụ, nộp thủ cấp cho triều Kim, lại ký 1 hòa ước khuất nhục. Nguyện vọng mãnh liệt suốt đời của Lục Du là khôi phục lãnh thổ, thống nhất tổ quốc không thực hiện được. Ông chỉ còn cách dùng thi ca để nói lên nhiệt tình yêu nước và nỗi buồn đau trước số phận dân tộc. Suốt cuộc đời sáng tác, ông để lại hơn 9000 bài thơ. Trong số nhà thơ các đời, khối lượng sáng tác của ông là phong phú nhất. Năm 1210, nhà thơ yêu nước 86 tuổi ốm nặng. Tới lúc lâm chung, ông vẫn không quên việc khôi phục Trung nguyên. Ông gọi con cháu tới bên giường, đọc cho nghe bài thơ cuối cùng xúc động tâm can – bài "Thị Nhi" (dặn con).
"Tử khứ nguyên tri vạn sự không,
Đãn bi bất kiến Cửu châu đồng.
Vương sư bắc định Trung nguyên nhật
Gia tế vô vong cáo nãi ông".
Tạm dịch:
"Chết đi là hết còn đâu,
Đau lòng chẳng thấy chín châu một nhà.
Khi nào khôi phục sơn hà,
Các con nhớ khấn cho ta biết cùng".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficción históricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...