Triều Bắc Ngụy từ sau khi Thái Vũ Đế chết đi, nền chính trị trở nên hủ bại. Quí tộc Tiên Ty và các đại thương nhân áp bức, bóc lột nhân dân, làm nổ ra liên tục các cuộc phản kháng của các dân tộc ở miền bắc Trung Quốc. Năm 471, Ngụy Hiếu Văn Đế lên ngôi, quyết tâm tiến hành những biện pháp cải cách. Ngụy Hiếu Văn Đế qui định rõ bổng lộc của quan chức các cấp, trừng trị nghiêm khắc tham quan ô lại, thực hiện chế độ quân điền (chia đều ruộng đất cho nông dân), cấp đất hoang nông dân. Mỗi đàn ông thanh niên được cấp 40 mẫu, phụ nữ mỗi người được 20 mẫu để trồng lương thực. Ngoài ra còn chia đất trồng dâu. Nông dân có nghĩa vụ nộp tô và lao dịch cho nhà nước. Khi người nông dân chết, trừ ruộng dâu, phải trả ruộng cho nhà nước. Nhờ vậy, ruộng đất được khai khẩn ngày một nhiều, sản xuất ngày càng phát triển, đời sống nông dân tương đối ổn định, no đủ, thu nhập của triều đình cũng tăng lên.
Ngụy Hiếu Văn Đế là người có tài chính trị. Ông cho rằng muốn củng cố nền thống trị thì nhất định phải tiếp thu văn hóa Hán, cải cách những phong tục lạc hậu. Để thực hiện điều đó, ông quyết tâm dời đô từ Bình Thành (nay ở đông bắc Đại Đồng, Sơn Tây) đến Lạc Dương. Sợ các đại thần phản đối chủ trương dời đô, trước hết ông đề ra mục tiêu là tiến công đại qui mô vào Nam Tề. Trong một buổi thiết triều, ông nêu ra ý định đó. Các đại thần đua nhau phản đối, người phản đối mạnh mẽ nhất là Nhâm Thành vương Thác Bạt Trừng. Hiếu Văn Đế nổi giận nói: "Đất nước là đất nước của trẫm. Ngươi dám cản trở trẫm dùng binh hay sao?".
Thác Bạt Trừng cãi lại: "Tuy đất nước là của bệ hạ. Nhưng là một đại thần, thấy rõ việc dùng binh là tai họa, lẽ nào lại không nói?".
Hiếu Văn Đế nghĩ ngợi 1 lát, rồi tuyên bố bãi triều. Về cung, ông cho gọi riêng Thác Bạt Trừng vào, nói: "Nói thực với khanh, vừa rồi ta làm ra vẻ nổi giận là để dọa mọi người thôi. Ý định thật của ta là cảm thấy Bình Thành chỉ là đất dụng võ, không thích hợp với việc cải cách chính trị. Nay ta muốn thay đổi phong tục thì không thể không dời đô. Lần này, ta nói là đem quân đánh Nam Tề, sự thực là muốn mượn cớ đó, dẫn bá quan văn võ dời đô xuống Trung nguyên. Khanh thấy thế nào?".
Thác Bạt Trừng chợt hiểu, lập tức đồng ý với chủ trương của Hiếu Vũ Đế. Năm 493, Hiếu Vũ Đế thân dẫn 30 vạn quân bộ và quân kỵ từ Bình Thành tiến xuống Lạc Dương. Vừa lúc đó, mưa thu ròng rã suốt 1 tháng, đường xa lầy lội, hành quân rất khó khăn. Nhưng Hiếu Văn Đế vẫn mang khôi giáp, cưỡi ngựa, hạ lệnh tiếp tục tiến quân. Các đại thần vốn không muốn đem quân đánh Tề, nhận thấy trời mưa đều can ngăn Hiếu Văn Đế. Hiếu Văn Đế trả lời nghiêm chỉnh: "Chúng ta ra quân lần này, đã huy động quân và dân phu. Nếu nửa chừng bỏ dở, chẳng phải là trò cười cho đời sau hay sao? Nếu không đánh Tề thì cũng dời quốc đô xuống gần đó, các khanh thấy thế nào?".
Các đại thần nhìn ngó lẫn nhau, không nói được gì. Hiếu Văn Đế nói: "Không nên do dự. Ai đồng ý dời đô thì đứng sang phía tả, ai không đồng ý thì đứng sang phía hữu".
Một đại thần là quí tộc nói: "Nếu bệ hạ đồng ý đình chỉ nam phạt, thì chúng thần đồng ý dời đô xuống Lạc Dương". Nhiều quan chức văn võ tuy không tán thành dời đô, nhưng nghe nói có thể đình chỉ nam phạt, nên cũng đành tỏ thái độ ủng hộ việc dời đô.
Hiếu Văn Đế sắp xếp xong công việc ở Lạc Dương lại cùng với Nhâm Thành vương Thác Bạt Trừng trở về Bình Thành, thuyết phục các vương công quí tộc về cái lợi của việc dời đô và họp riêng với các lão thần, thảo luận việc dời đô. Không ít quí tộc ở Bình Thành phản đối việc dời đô. Mọi lý do họ nêu ra đều bị Hiếu Văn Đế phản bác. Cuối cùng, không còn lý lẽ gì, những người phản đối liền nói: "Dời đô là việc đại sự. Rút cuộc đó là lành hay dữ, còn cần phải bói toán xem đã".
Hiếu Văn Đế nói: "Bói toán là để giải quyết những việc còn phân vân chưa quyết định được. Còn việc dời đô thì đã thấy rõ ràng là tốt rồi, cần gì phải bói nữa. Muốn cai trị thiên hạ, cần coi bốn biển là nhà. Nay đi xuống nam, ngày mai lên bắc, có lý nào cứ cố định một chỗ. Thêm nữa, tổ tiên chúng ta cũng đã từng dời đô tới mấy lần. Tại sao chúng ta lại không thể dời đô?".
Các đại thần quí tộc không còn lý lẽ gì ngăn cản được nữa, đành chấp hành lệnh dời đô. Sau khi dời đô đến Lạc Dương, Hiếu Vă Đế tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách phong tục. Một lần trong khi bàn việc triều chính cùng các đại thần, ông hỏi: "Các khanh thấy nên thay đổi phong tục hay cứ giữ nguyên các phong tục cũ?".
Hàm Dương vương Thác Bạt Hỷ nói: "Đương nhiên là nên thay đổi phong tục".
Sau đó, Hiếu Văn Đế ban bố mấy điều qui định: Từ nay trong toàn quốc đổi dùng tiếng Hán. Những người từ 30 tuổi trở lên có khó khăn, cho tạm hoãn; người dưới 30 tuổi làm quan trong triều, nhất loạt phải nói tiếng Hán; ai vi phạm sẽ giáng chức hoặc triệt chức. Qui định từ quan đến dân đều thay đổi y phục theo lối Hán. Khuyến khích người Tiên Ty thông hôn với giới sĩ tộc Hán. Đổi họ của người Tiên Ty sang họ Hán. Hoàng thất Bắc Ngụy vốn mang họ Thác Bạt, nay đổi sang họ Nguyên. Ngụy Hiếu Văn Đế vốn tên là Thác Bạt Hoằng, nay đổi sang gọi là Nguyên Hoằng.
Nhờ sự cải cách mạnh dạn của Ngụy Hiếu Văn Đế, Bắc Ngụy đã có sự phát triển lớn về chính trị và kinh tế, xúc tiến sự hợp dung giữa tộc Tiên Ty và tộc Hán.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...