NGƯỜI ĐÁ MỘT MẮT

693 4 0
                                    

Triều Nguyên, kể từ khi Thánh Tông trở đi, còn truyền được 9 hoàng đế nữa. Nội bộ hoàng thất đấu tranh giành giật nhau rất kịch liệt, nền chính trị càng ngày càng thối nát, nhân dân cực khổ trăm bề. Sau khi hoàng đế cuối cùng là Thỏa Quán Thiếp Mục Nhĩ (tức Nguyên Thuận Đế, còn gọi là Nguyên Huệ Tông) lên ngôi, lại càng hoang dâm tàn bạo khiến cho kho tàng trống rỗng, vật giá lên cao, nhân dân chịu không nổi, rất nhiều địa phương nổ ra khởi nghĩa nông dân. Vùng Hà Bắc có 1 nông dân tên là Hàn Sơn Đồng. Tổ phụ của ông từng là 1 ông đồ dạy học, đã lợi dụng hình thức truyền giáo để bí mật tổ chức nông dân chống lại triều Nguyên, bị quan địa phương phát hiện, bắt đi sung quân ở Vĩnh Niên (nay ở đông bắc Hàm Đan, Hà Bắc). Khi Hàn Sơn Đồng trưởng thành, liền tiếp tục tổ chức Bạch Liên hội (1 hội đoàn bí mật của Bạch Liên giáo - tôn giáo lấy bông sen trắng làm biểu tượng), tụ tập rất nhiều nông dân nghèo khổ, cùng thắp hương cầu Phật. Hàn Sơn Đồng nói với họ: nay thiên hạ đại loạn, Phật Tổ sắp cử Phật Di Lặc xuống trần cứu vớt trăm họ. Truyền thuyết ấy nhanh chóng lan khắp miền Hà Nam và Giang Hoài. Dân chúng đều mong ngóng tới ngày Phật Di Lặc xuống trần.

Vừa đúng lúc đó, đê Bạch Mao của Hoàng Hà bị vỡ, trời lại liên tiếp đổ mưa suốt hơn 20 ngày, nước dâng mênh mông, dân 2 bên gặp thủy tai nghiêm trọng. Có người kiến nghị với triều đình là nên lấp chỗ đê vỡ lại, rồi khơi 1 dòng nước ở Hoàng Lăng Cương (nay ở tây nam huyện Tào, Sơn Đông) cho nước thoát đi. Năm 1351, triều Nguyên điều động 15 vạn dân công ở Biện Lương (nay là Khai Phong, Hà Nam) và Đại Danh cùng với 2 vạn binh sĩ, tới Hoàng Lăng Cương đào sông. Công trình đào sông bắt đầu, dân công bị thúc ép lao động suốt ngày đêm dưới mưa rào, nắng gắt. Thế mà, kinh phí do triều đình cấp phát lại bị quan lại bớt xén, dân công ăn không đủ no, tiếng oán thán vang dậy khắp nơi. Hàn Sơn Đồng quyết định nắm cơ hội đó để phát động quần chúng. Ông cử mấy trăm hội viên đi làm dân công, truyền bá trên công trường 1 câu ca dao: 

"Thạch nhân nhất chích nhãn

Khiêu động Hoàng Hà thiên hạ phản"

Dân công không hiểu rõ câu ca dao đó có ý nghĩa gì, nhưng thấy trong đó có 3 chữ "thiên hạ phản" thì cảm thấy sắp được đổi đời. Đoàn dân công đào tới Hoàng Lăng Cương, bỗng phát hiện thấy 1 hình người bằng đá. Mọi người đều hiếu kỳ, moi lên xem xét, thấy trên mặt người đá đó chỉ có 1 con mắt, đều đứng ngây ra. Sự việc nhanh chóng được đồn đại khắp trong mười mấy vạn dân công. Ai nấy đều nghĩ: lời trong câu ca dao thế là ứng nghiệm rồi!. "Người đá có 1 mắt, thúc giục dân Hoàng Hà đứng lên làm phản", thật là ý trời rồi. Bây giờ người đá đã đào thấy, ngày đứng lên làm phản đã tới. Tất nhiên, hình người đá 1 mắt đó là do Hàn Sơn Đồng lén chôn xuống chỗ đó từ trước.

Ý thức quần chúng đã được khơi dậy. Một người bạn của Hàn Sơn Đồng là Lưu Phúc Thông nói với ông: nay triều Nguyên áp bức dân chúng ta là quá tàn tệ, mọi người còn tưởng nhớ triều Tống. Nếu ta giương ngọn cờ triều Tống thì sẽ có nhiều người ủng hộ. Hàn Sơn Đồng tán thành chủ trương đó, liền tuyên bố với mọi người là Hàn Sơn Đồng vốn không phải họ Hàn, mà là họ Triệu, cháu đời thứ 8 của Tống Huy Tông, còn Lưu Phúc Thông cũng là dòng dõi đại tướng Lưu Thế Quang thời Nam Tống. Họ dựng câu chuyện 1 cách có đầu có đuôi, khiến ai cũng tin là sự thực. Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông liền chọn ngày tụ tập 1 số người ngựa, giết 1 con ngựa trắng, 1 con trâu đen để tế cáo trời đất. Mọi người tôn Hàn Sơn Đồng làm lãnh tụ, lấy tên hiệu là "Minh Vương", và định ngày khởi nghĩa ở Dĩnh Thượng, Dĩnh Châu (nay là Dĩnh Thượng, Cao Dương, An Huy), lấy khăn đỏ quấn đầu để làm dấu hiệu. Trong lúc đang quệt máu ăn thế thì có kẻ làm lộ tin tức, quan địa phương liền phái lính tới bắt Hàn Sơn Đồng, giải lệnh nha rồi giết đi. Vợ Hàn Sơn Đồng mang theo con trai là Hàn Lâm Nhi chạy thoát được khỏi sự truy bắt, tới ẩn náu ở Vũ An (nay thuộc tỉnh Hà Bắc). Lưu Phúc Thông chạy thoát được cuộc bao vây, triệu tập các nông dân đã hẹn ước, đánh chiếm 1 số cứ điểm ở Dĩnh Châu. Dân công đang đào sông ở Hoàng Lăng Cương được tin, tới tấp tham gia đội ngũ của Lưu Phúc Thông. Vì trên đầu quân khởi nghĩa đều quân khăn đỏ nên nhân dân gọi họ là Hồng quân, lịch sử gọi họ là Hồng Cân quân (quân khăn đỏ). Không tới 10 ngày, Hồng Cân quân phát triển tới hơn 10 vạn.

Triều Nguyên thấy quân của Lưu Phúc Thông thanh thế lừng lấy thì hết sức hoảng sợ, vội điều động 6000 quân Sắc mục và mấy đội quân Hán tới trấn áp Hồng Cân quân. Quân Sắc mục vốn là 1 đội quân tinh nhuệ của triều Nguyên, nhưng tới lúc đó đã hết sức thối nát, tướng lĩnh chỉ quen rượu chè hưởng lạc, binh lính thì thường xuyên cướp bóc của dân. Vừa tiếp xúc với Hồng Cân quân, chưa kịp giao phong thì chủ tướng đã vung roi quất ngựa tháo chạy, mồm còn hô lớn "Chạy thôi! Chạy thôi!". Binh lính thấy vậy, cũng tan chạy khắp nơi. Qua 1 tháng, Hồng Cân quân của Lưu Phúc Thông đã liên tục đánh chiếm 1 số thành trì. Nông dân miền Giang Hoài từ lâu đã chịu ảnh hưởng của Bạch Liên giáo, nghe nói Lưu Phúc Thông khởi nghĩa, liền nô nức hưởng ứng như các toán quân của Từ Thọ Huy ở Kỳ Thủy (nay là Hy Thủy, Hổ Bắc), Quách Tử Hưng ở Hào Châu (nay là Phương Dương, An Huy) đều giương cờ Hồng Cân để nổi lên. Ngoài ra, còn các toán nghĩa quân khác không giương cờ Hồng Cân quân như Trương Sĩ Thành ở miền bắc Giang Tô. Năm 1354, Nguyên Thuận Đế phái thừa tướng Thoát Thoát tập trung người ngựa của chư vương và các tỉnh, huy động cả binh lực ở Tây Vực và Tây Phiên, nói phao lên là có 100 vạn, vây đánh quân khởi nghĩa Trương Sĩ Thành đang chiếm Cao Bưu. thành Cao Bưu bị vây chặt, quân khởi nghĩa đang gặp nguy cấp thì vương triều Nguyên phát sinh nội loạn. Nguyên Thuận Đế hạ lệnh cách chức Thoát Thoát. Quân Nguyên không còn thống soái nên không đánh mà rối loạn, tan tác toàn bộ. Sau khi quân Nguyên tan vỡ, quân khởi nghĩa của Lưu Phúc Thông ở miền bắc nhân cơ hội mở cuộc tiến công, đánh tan quân Nguyên ở đó. Tháng 2 năm sau, Lưu Phúc Thông đón con trai Hàn Sơn Đồng là Hàn Lâm Nhi về Hào Châu (nay là huyện Hào, An Huy), chính thức tôn làm hoàng đế, hiệu là Tiểu Minh Vương, lấy quốc hiệu là Tống.

Sau khi Hàn Lâm Nhi, Lưu Phúc Thông xây dựng chính quyền ở Hào Châu, liền chia quân làm 3 cánh tiến hành bắc phạt. Cánh quân phía tây do Lý Vũ, Thôi Đức dẫn đầu, đánh chiếm Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ, Tứ Xuyên; cánh quân phía đông do Mao Quí dẫn đầu từ Sơn Đông, Hà Bác tiến thẳng tới uy hiếp kinh thành Đại Đô, cánh quân giữa do Quan Tiên Sinh, Phá Đầu Phiên dẫn đầu, từ Sơn Tây đánh tới Liêu Đông, phối hợp với cánh quân phía đông đánh Đại Đô. Ba cánh quân bắc phạt tiến rất nhanh. Cánh phía đông của Mao Quí đánh tới chân thành Đại Đô, Lưu Phúc Thông đích thân dẫn đại quân đánh chiếm Biện Lương, đón Tiểu Minh Vương Hàn Lâm Nhi về, lấy nơi đây làm đô thành. Thanh thế Hồng Cân quân rất mạnh, khiến vương triều Nguyên vô cùng sợ hãi, phải tụ tập lực lượng vũ trang của địa chủ đem đi trấn áp. Ba cánh quân bắc phạt lần lượt thất bại, Biện Lương cũng bị quân Nguyên chiếm lại. Triều Nguyên lại dùng quan cao bổng hậu để chiêu hàng Trương Sĩ Thành. Lưu Phúc Thông bảo hộ Tiểu Minh Vương chạy về An Phong (nay là huyện Thọ, An Huy), lại bị Trương Sĩ Thành tập kích. Năm 1363, Lưu Phúc Thông hy sinh trong chiến đấu. Quân khởi nghĩa ở miền bắc qua 12 năm chiến đấu, cuối cùng đã thất bại.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ