A ĐẨU ĐỚN HÈN
Sau khi Đặng Ngải diệt Thục, Hậu chủ Lưu Thiền còn lưu lại Thành Đô. Tới khi Chung Hội và Khương Duy làm binh biến thất bại, Tư Mã Chiêu thấy để Hậu chủ ở Thành Đô sẽ dễ sinh nhiều bất trắc, liền phái Giả Sung vào Thành Đô dẫn Lưu Thiền về Lạc Dương. Lưu Thiền vốn là kẻ u mê bất tài. Khi Gia Cát Lượng còn sống, mọi công việc quốc gia đại sự đều giao cho Gia Cát Lượng giải quyết, Lưu Thiền không bao giờ đưa ra được chủ trương gì. Sau khi Gia Cát Lượng mất, tuy vẫn có các đại thần như Tưởng Uyển, Phi Vi, Khương Duy phò tá nhưng Lưu Thiền không còn kính trọng họ như đối với Gia Cát Lượng nữa. Sau khi Tưởng Uyển, Phí Vi mất, hoạn quan Hoàng Hạo đắc thế lộng hành, triều chính Thục Hán càng ngày càng thối nát. Tới khi Thục Hán diệt vong, Khương Duy bị giết, các đại thần người thì chết, người thì bỏ đi. Đi theo Hậu chủ về Lạc Dương chỉ có 2 viên quan cấp thấp là Khích Chính là Lưu Thông. Lưu Thiền hết sức ngốc nghếch, mỗi khi tiếp xúc, xưng hô đều phải nhờ Khích Chính chỉ dẫn. Lúc thường, Lưu Thiền không coi Khích Chính ra gì, đến nay mới thấy Khích Chính là người tận tụy trung thành.
Lưu Thiền đến Lạc Dương, Tư Mã Chiêu lấy danh nghĩa Ngụy Nguyên Đế, phong Lưu Thiền làm An Lạc công. Ngoài ra, còn phong con cháu Lưu Thiền và những đại thần cũ của Thục Hán, tất cả gồm hơn 50 người làm tước hầu, Làm như vậy, Tư Mã Chiêu chỉ nhằm lung lạc nhân tâm, để ổn định tình hình trong vùng đất mới chiếm được. Nhưng Lưu Thiền lại coi đó là ân huệ to lớn. Một hôm, Tư Mã Chiêu mở tiệc lớn, mời Lưu Thiền và các đại thần của Thục Hán cũ tham dự. Trong yến tiệc, Tư Mã Chiêu cố ý cho đoàn ca nữa biểu diễn các điệu ca múa của Thục. Các đại thần ngồi xem, nghĩ tới nhục mất nước, ai cũng xúc động rơi nước mắt. Chỉ có Lưu Thiền là há miệng nghe chăm chú say sưa như khi còn ngồi trong cung điện cũ của mình vậy. Tư Mã Chiêu quan sát thái độ của Lưu Thiền, sau bữa tiệc liền nói với Giả Sung: "Lưu Thiền hèn đớn tới mức này, thì dù Gia Cát Lượng còn sống, e cũng không thể giữ nổi Thục Hán, nói gì đến Khương Duy".
Mấy ngày sau, Tư Mã Chiêu lại gặp Lưu Thuyền hỏi: "An Lạc công có nhớ mong đất Thục không?".
Lưu Thiền hồn nhiên trả lời: "Ở đây rất vui. Thiền này chẳng nhớ gì đất Thục cả".
Khích Chính đứng bên, nghe Lưu Thiền nói năng không ra sao, khi về chúa phủ liền nói: "Chúa công không nên trả lời Tấn vương (tức Tư Mã Chiêu) như thế".
Lưu Thiền ngây ngô hỏi: "Thế theo ý ngươi thì phải trả lời thế nào?".
Khích Chính nói: "Lần sau, nếu Tấn vương có hỏi như thế nữa, chúa công cần phải sụt sùi rơi lệ mà nói: phần mộ tổ tiên của Thiền này đều ở đất Thục, trong lòng luôn luôn tưởng nhớ khôn nguôi. Nói như vậy, may ra Tấn vương có thể tha chúng ta về đất Thục".
Lưu Thiền gật đầu nói: "Ngươi nói rất đúng. Ta sẽ ghi nhớ để lần sau nói như vậy".
Lần sau, quả nhiên Tư Mã Chiêu lại hỏi: "Triều đình đối đãi tốt như thế, ông còn nhớ đất Thục không?".
Lưu Thiền nhớ tới lời Khích Chính dặn, liền cố gắng đáp lại đúng từng câu từng chữ, 1 mặt cố làm ra dáng bi thương, nhưng không sao rặn ra được nước mắt, đành nhắm tịt mắt lại. Tư Mã Chiêu thấy bộ dạng đó, đã đoán biết được, liền cười lớn hỏi: "Câu nói này sao có vẻ giống lời lẽ Khích Chính thế?".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Fiction HistoriqueMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...