TÀO QUỆ ĐÁNH LUI QUÂN TỀ
Sau khi Tề Hoàn Công lên ngôi, nhờ sự giúp đỡ của Quản Trọng, Tề đã giành được địa vị bá chủ, nhưng trong cuộc chiến tranh với nước Lỗ, lại gặp thất bại không nhỏ. Năm thứ hai sau khi lên ngôi, tức là năm 684 trước Công nguyên, Tề Hoàn Công mang quân đánh Lỗ. Lỗ Trang Công thấy nước Tề ỷ thế ức hiếp mình, không nhịn được, quyết liều một trận tử chiến với Tề.
Tề tấn công Lỗ cũng khiến nhân dân Lỗ căm phẫn. Một người nước Lỗ là Tào Quệ (còn đọc là Tào Uế) đến gặp Lỗ Trang Công, xin tham gia cuộc chống Tề. Có người khuyên Tào Quệ: "Việc quốc gia đại sự, đã có các đại thần lo toan, việc gì ông phải nhúng tay vào".
Tào Quệ nói: "Các quan đều có tầm nhìn thiển cận, chưa hẳn đã có kế gì hay, thấy nước nhà nguy cấp, sao không quan tâm cho được". Nói xong, liền tới vương cung xin gặp Lỗ Trang Công. Lỗ Trang Công đang lo lắng vì không có mưu sĩ, nghe nói có Tào Quệ xin vào yết kiến, liền mời vào.
Tào Quệ gặp Lỗ Trang Công đề đạt nguyện vọng của mình rồi hỏi: "Xin chúa công cho biết, dựa vào cái gì để chống lại quân Tề?"
Lỗ Trang Công nói: "Ngày thường, có thức ăn ngon, có quần áo đẹp, ta không hưởng riêng mình, bao giờ cũng chia cho mọi người cùng hưởng. Dựa vào điều đó, ta nghĩ rằng mọi người sẽ ủng hộ ta".
Tào Quệ lắc đầu nói: "Những ân huệ nhỏ nhặt đó, số người được hưởng không nhiều. Trăm họ không thể vì thế mà ủng hộ chúa công".
Lỗ Trang Công nói: "Khi tế tự , bao giờ ta cũng rất thành kính".
Tào Quệ cười nói: "Sự thành kính đó cũng không đáng kể gì. Qủy thần không thể giúp được chúa công".
Lỗ Trang Công ngẫm nghĩ một lát rồi nói: "Khi dân chúng có kiện cáo, ta tuy không thể tra xét rõ mọi việc, nhưng đã cố gắng phân xử cho hợp tình hợp lí".
Tào Quệ gật đầu nói: "Đó là việc được lòng người. Tôi thấy dựa vào lòng người thì có thể đánh lại nước Tề".
Tào Quệ xin được cùng theo Lỗ Trang Công ra trận. Thấy Tào Quệ là người có ý kiến xác đáng, Lỗ Trang Công đồng ý để ông cùng đi. Hai người cùng ngồi trên một xe trận, dẫn người ngựa ra chiến trường.
Quân hai nước Tề, Lỗ bày trận ở Trường Thược (cũng gọi là Trường Chước, nay ở đông bắc Lai Vu, tỉnh Sơn Đông). Nước Tề cậy thế nhiều quân, vừa bắt đầu đã thúc trống trận ầm ĩ, mở cuộc tấn công. Lỗ Trang Công định hạ lệnh phản kích, thì Tào Quệ vội ngăn lại, nói: "Thong thả đã, chưa đến lúc".
Khi quân Tề thúc hồi trống trận thứ hai, Tào Quệ vẫn bảo Lỗ Trang Công án binh bất động. Quân Lỗ thấy quân Tề hung hăng nhe nanh múa vuốt, ai cũng muốn xông ra đánh, nhưng chưa có lệnh chủ soái, nên đành nén giận chờ đợi.
Tướng Tề thấy quân Lỗ vẫn không động tĩnh, liền hạ lệnh thúc hồi trống thứ ba. Quân Tề cho rằng quân Lỗ nhút nhát, liền khinh địch xông lên.
Lúc đó, Tào Quệ mới nói với Lỗ Trang Công: "Bây giờ có thể hạ lệnh phản công được rồi".
Bên hàng ngũ quân Lỗ vang lên tiếng trống tiến công, tinh thần binh sĩ lên cao, xông lên như mãnh hổ. Quân Tề bị bất ngờ, chống đỡ không nổi, bị tan vỡ.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...