Khi Hoàn Nhan Lượng rầm rộ kéo quân xuống phía nam, nhân dân ở miền bắc và Trung nguyên nhân lúc hậu phương Kim bỏ trống, đều nổi dậy khắp nơi. Ở phủ Tế Nam có 1 nông dân là Cảnh Kinh, tụ tập mấy chục người 2 huyện thành là Lai Vũ và Thái An (đều thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay). Hàng ngũ nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Cảnh Kinh nhanh chóng tăng lên tới 2 vạn người, trở thành đội quân khởi nghĩa lớn nhất trong toàn quốc. Đi theo cuộc khởi nghĩa của Cảnh Kinh đại đa số là dân nghèo bị triều Kim bóc lột tàn khốc, nhưng cũng có 1 tri thức yêu nước là Tân Khí Tật.
Tân Khí Tật là 1 văn học gia kiệt xuất thời Nam Tống. Ông quê ở Tế Nam. Khi sinh ra, thì quê hương đã nằm trong tay lực lượng xâm lược Kim. Ông nội của Tân Khí Tật là Tân Tán tuy có giữ 1 chức quan địa phương dưới triều Kim trong mấy năm, nhưng tấm lòng luôn hướng về triều Tống. Tân Tán luôn kể lại cháu nghe về lịch sử diệt vong bi thảm của Bắc Tống và dẫn Tân Khí Tật trèo lên núi cao, ngắm nhìn non sông tươi đẹp của tổ quốc, gây những ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng chàng trai Tân Khí Tật. Khi trưởng thành, vì có văn tài xuất chúng, Tân Khí Tật được quan chức triều Kim ở Tế Nam cử lên Yên Kinh tham gia kì thi tiến sĩ. Trước khi lên đường, Tân Tán dặn dò cháu là dọc đường đi, cần chú ý quan sát địa thế và thăm dò tình hình nội bộ triều Kim. Tân Khí Tật tới Yên Kinh, không đỗ tiến sĩ, nhưng đã thực hiện tốt lời dặn của ông nội. Ba năm sau, ông lại lên Yên Kinh dự thi, nên càng tìm hiểu rõ tình hình nội bộ triều Kim. Tân Tán mất đi, không chờ được tới ngày triều Tống thu phục Trung nguyên. Tân Khí Tật quyết tâm thừa kế di chí của ông nội. Năm sau, Hoàn Nhan Lượng phát động cuộc chiến tranh xâm chiếm phương nam, chàng trai 22 tuổi Tân Khí Tật thấy cơ hội đã đến, liền tổ chức đội ngũ khởi nghĩa hơn 2000 người, đi theo Cảnh Kinh.
Trong hàng ngũ nghĩa quân Cảnh Kinh, người có văn tài như Tân Khí Tật rất hiếm. Thấy ông tới, Cảnh Kinh hết sức vui mừng, cử ngay ông giữ công việc văn thư và quản lý quả ấn của nghĩa quân. Tân Khí Tật cho Cảnh Kinh biết là vùng phụ cận Tế Nam có 1 cánh quân khởi nghĩa, thủ lĩnh là 1 hòa thượng hiểu biết binh pháp tên là Nghĩa Đoan mà ông quen biết. Cảnh Kinh nghe nói rất phấn khởi, liền cử Tân Khí Tật đến liên lạc. Mấy hôm sau, Nghĩa Đoan dẫn lực lượng của mình đến gia nhập nghĩa quân của Cảnh Kinh. Nghĩa Đoan đến nơi, dựa vào tình hình quen biết với Tân Khí Tật, nên thường xuyên gần gũi với ông, Tân Khí Tật cũng không nghi ngờ gì. Ngờ đâu, Nghĩa Đoan mang lòng bất lương, một buổi tối nhân Tân Khí Tật không đề phòng, hắn liền lấy trộm quả ấn của nghĩa quân rồi trốn sang với quân Kim. Cảnh Kinh thấy Tân Khí Tật dẫn gian tế vào hàng ngũ, thì nổi giận, sai đem ông ra chém. Tân Khí Tật khẩn khoản nói: "Nghĩa Đoan lấy trộm ấn trốn đi, tôi đương nhiên phải chịu trách nhiệm. Xin ngài cho tôi một thời gian là ba ngày để tôi theo bắt hắn về. Nếu không bắt được, tôi xin tình nguyện chịu hình phạt".
Được Cảnh Kinh đồng ý, Tân Khí Tật phóng ngựa về phía trại Kim. Sau 1 đoạn đường, quả nhiên đuổi kịp Nghĩa Đoan. Tên phản bội run rẩy xin tha mạng. Tân Khí Tật đùng đùng nổi giận rút gươm chém phăng đầu hắn rồi đem đầu cùng quả ấn về trình Cảnh Kinh. Cảnh Kinh không trách phạt ông, mà ngược lại càng coi trọng ông hơn trước. Sau đại chiến Thái Thạch, quân Kim rút lên phía bắc. Kim Thế Tông 1 mặt giảng hòa với Tống, 1 mặt sử dụng biện pháp vừa chiêu dụ vừa trấn áp các cánh quân ở miền bắc để dập tắt lực lượng kháng chiến. Nghĩa quân Cảnh Kinh bị uy hiếp nặng nề. Tân Khí Tật bàn với Cảnh Kinh: "Để chống Kim, chúng ta nhất định phải bắt liên lạc với triều đình, để nam bắc cùng phối hợp với nhau. Nếu vạn nhất chúng ta không trụ lại được ở đây thì có thể đưa binh mã rút xuống phía nam".
Cảnh Kinh đồng ý với Tân Khí Tật, liền cử Tổng đề lĩnh nghĩa quân là Giả Thụy đi Kiến Khang triều kiến Tống Cao Tông. Giả Thụy là 1 võ tướng không biết chữ, không hiểu lễ nghi trong triều, nên xin Cảnh Kinh cho Tân Khí Tật cùng đi. Cảnh Kinh đồng ý. Năm 1162, Giả Thụy, Tân Khí Tật cùng hơn 10 tùy tòng tới Kiến Khang. Tống Cao Tông thấy nghĩa quân Sơn Đông đến góp sức thì rất phấn khởi, lập tức tiếp họ tại hành cung. Tân Khí Tật tháp tùng Giả Thụy vào triều kiến, dõng dạc đọc sớ tấu do ông khởi thảo cho nghĩa quân, báo cáo trước triều đình về tình hình nghĩa quân chống Kim ở miền bắc. Tống Cao Tông liền phong cho Cảnh Kinh làm Thiên bình quân Tiết độ sứ, phong quan chức cho Giả Thụy, Tân Khí Tật và sai họ trở về báo cáo với Cảnh Kinh. Giả Thụy và Tân Khí Tật hoàn thành nhiệm vụ, phấn khởi từ giã Kiến Khang trởlên miền bắc. Nào ngờ, khi tới Hải Châu (nay là Liên Vân Cảng, Giang Tô) thì nghe được tin dữ: sau khi họ rời khỏi nghĩa quân 1 thời gian, Cảnh Kinh đã bị giết hại. kẻ giết hại Cảnh Kinh là Trương An Quốc, 1 tướng trong nghĩa quân. Trương An Quốc vì ham giàu sang, đã câu kết với 1 bộ tướng của Cảnh Kinh, nhân lúc ông không phòng bị, xông vào trong trướng giết hại ông.
Sau khi Trương An Quốc ra hàng triều Kim, hắn được cử làm quan cai trị Tế Châu (nay là Cự Dã, Sơn Đông). Nghĩa quân mất thủ lĩnh, lại không cam tâm đầu hàng quân Kim nên đã giải tán, bỏ đi. Nghe tin đó, Tân Khí Tật vừa đau lòng vừa căm uất, quyết tâm diệt từ kẻ phản bội, báo thù cho Cảnh Kinh. Ông đem bàn việc đó với tướng giữ trấn Hải Châu, nhiều tướng sĩ yêu cầu được cùng đi với ông để trừ gian. Tân Khí Tật liền dẫn 50 dũng sĩ, cùng phóng ngựa đi Tế Châu. Đoàn của Tân Khí Tật đi tới dinh quan ở Tế Châu, tên phản bội Trương An Quốc đang chiêu đãi khách, nghe tin ông đến, có phần hoang mang. Nhưng vì chưa rõ ý định của ông nên hắn bảo lính canh cho đoàn của ông vào. tân Khí Tật và các dũng sĩ ùa vào sảnh đường, thấy Trương An Quốc và 1 số kẻ phản bội khác đang tiệc tùng vui vẻ thì bừng bừng nổi giận. Họ không nói không rằng, xông lên bắt trói Trương An Quốc, lôi ra khỏi nha môn. Tới khi quân lính ở Tế Châu chạy tới, thì Trương An Quốc đã bị trói trên lưng ngựa. Thấy thần sắc uy nghiêm của Tân Khí Tật, số quân lính này không dám động thủ. Tân Khí Tật tuyên bố: "Đại quân triều đình sẽ tới đây ngay bây giờ. Những ai tình nguyện chống Kim, hãy tham gia vào hàng ngũ chúng ta".
Đa số quân lính ở Tế Châu vốn trước kia từng theo Cảnh Kinh, nay Tân Khí Tật hiệu triệu, có hơn 1 vạn người tình nguyện đi theo. Tân Khí Tật lập tức dẫn đầu nghĩa quân, áp giải tên phản bội, hành quân xuống miền nam. Tới Kiến Khang, triều đình Nam Tống xét rõ tội trạng của Trương An Quốc, lập tức cho chém đầu thị chúng. Tân Khí Tật được triều Tống cử đi làm quan ở Giang Âm. Ông không nề hà chức vụ thấp, nhiều lần đề xuất chủ trương chống Kim lên triều Tống, nhưng đáng tiếc là đều không được chấp nhận. Sau đó, tuy đã làm quan ở mấy địa phương, lại đã từng lập ra đội "phi hổ quân", nhưng ông vẫn không thực hiện được nguyện vọng bắc phạt Trung nguyên. Năm 42 tuổi, ông lại bị bọn gian thần bức bách, buộc phải về hưu. Suốt cuộc đời, Tân Khí Tật đã viết nhiều bài từ đầy khí phách hào hùng và nồng nàn yêu nước. Từ của ông chiếm địa vị cao trong lịch sử văn học Trung Quốc. Chính trong năm Tân Khí Tật xuống miền nam, Tống Cao Tông thoái vị, cháu là Triệu Thận lên nối ngôi hoàng đế. Đó là Tống Hiếu Tông.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...