ĐẠI CHIẾN CÔN DƯƠNG
Sau khi Canh Thủy Đế Lưu Huyền lên ngôi, liền phái Vương Phượng, Vương Thường, Lưu Tú đem quân đánh Côn Dương (nay là huyện Diệp, Hà Nam). Họ nhanh chóng chiếm được Côn Dương, sau đó lại chiếm được Yên Thành (nay là huyện Yên Thành, Hà Nam) và Định Lăng (nay ở tây bắc huyện Yên Thành, Hà Nam) ở gần đó.
Vương Mãng nghe tin quân khởi nghĩa đã lập Lưu Huyền lên làm hoàng đế đã rất lo lắng, nay nghe tin mất liền mấy tòa thành lại càng sợ hãi, vội phái hai đại tướng Vương Tầm, Vương Ấp dẫn 43 vạn quân xuất phát từ Lạc Dương tiến thẳng tới Côn Dương. Để hư trương thanh thế, quân Vương Mãng không biết kiếm từ đâu được một người rất to lớn, tên là Cự Vô Bá. Cự Vô Bá có thân hình đặc biệt cao, lại to khỏe như một con bò mộng. Anh ta còn có tài huấn luyện thú dữ như hổ, báo, tê giác, voi. Vương Mãng phong anh ta làm hiệu úy, sai anh ta dẫn đám mãnh thú ra trận trợ uy.
Hán quân giữ Côn Dương chỉ có tám, chín ngàn người. Có tướng lĩnh đứng trên thành quan sát, thấy quân Vương Mãng đông như thế, sợ không đối phó nổi, chủ trương bỏ Côn Dương, lui về cứ điểm cũ. Lưu Tú nói với mọi người: "Hiện nay binh mã và lương thảo của chúng ta đều thiếu thốn, chỉ dựa vào sự đồng tâm hiệp lực để đánh địch. Nếu mọi người rời rã để Côn Dương thất thủ thì các cánh Hán quân khác cũng bị tiêu diệt, sự nghiệp của chúng ta sẽ thất bại".
Mọi người thấy Lưu Tú nói có lý nhưng lại thấy lực lượng quân Vương Mãng quá mạnh, tử thủ Côn Dương cũng không phải là biện pháp hay. Sau khi bàn bạc, liền để Vương Phượng, Vương Thường giữ Côn Dương, Lưu Tú đem một số binh mã phá vây, chạy về Định Lăng và Yên Thành để điều cứu binh tới. Đêm đó, Lưu Tú đem theo 12 dũng sĩ cưỡi ngựa tốt, lợi dụng đêm tối xông ra khỏi cửa nam thành Côn Dương. Quân Vương Mãng không phòng bị, để họ thoát khỏi vòng vây. Thành Côn Dương tuy không lớn nhưng rất kiên cố. Quân Vương Mãng tưởng rằng có nhiều binh lính và vũ khí, sẽ dễ dàng hạ thành. Họ chế tạo các lâu xa cao 10 trượng (= 33m), từ trên đó bắn tên vào thành như mưa. Người trong thành ra giếng lấy nước đều phải mang mộc che tên. Quân Vương Mãng còn dùng xe chở gỗ húc cửa thành và đào đường hầm toan xuyên dưới chân thành. Nhưng Hán quân dùng mọi biện pháp hữu hiệu để chống lại, nên thành vẫn được giữ vững.
Lưu Tú đến Định Lăng, toan điều toàn bộ binh mã ở Định Lăng và Yên Thành đi cứu Côn Dương. Nhưng một số tướng lĩnh Hán quân tham tiếc của cải, không chịu rời hai tòa thành trên. Lưu Tú khuyên họ: "Ta nên tập trung mọi lực lượng ở đây đến cứu Côn Dương để đánh bại địch, hoàn thành sự nghiệp lớn. Nếu cứ tử thủ ở đây, địch đánh xong Côn Dương, sẽ đánh tới đây, chúng ta không giữ được, thì ngay tính mạng cũng không còn, chứ đừng nói tới của cải nữa".
Các tướng lĩnh được thuyết phục, liền đem toàn bộ binh mã theo Lưu Tú đến Côn Dương. Lưu Tú thân tự dẫn hơn 1000 bộ binh và kỵ binh, tổ chức thành đội quân tiên phong tiến tới Côn Dương bày thành thế trận cách Côn Dương khoảng 4, 5 dặm. Vương Tầm, Vương Ấp thấy số lượng quân Hán ít ỏi, chỉ phái mấy ngàn binh sĩ đối phó. Nhân lúc quân địch chưa dàn xong trận thế, Lưu Tú tranh thủ tiến công trước, thân dẫn bộ đội tiên phong xông lên, giết được mấy chục lính địch. Đại đội binh mã cứu viện vừa tới kịp, thấy đội quân tiên phong của Lưu Tú đang chiến đấu dũng mãnh, cũng hăng hái nhất tề xông vào chiến đấu. Vương Tầm, Vương Ấp buộc phải lui quân. Hán quân thừa thắng tràn sang, càng đánh càng mạnh, một người có sức địch lại mười kẻ địch.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficção HistóricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...