Sau khi Địch Nhân Kiệt mất, Ngụy Nguyên Trung được làm tể tướng. Lúc đó, Võ Tắc Thiên tin dùng 2 viên quan là Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi. Hai người đó có quyền thế rất lớn, các quan văn võ trong triều đều kiêng dè 2 họ Trương. Nhưng tể tướng Ngụy Nguyên Trung rất coi thường chúng. Ngụy Nguyên Trung nổi tiếng là người cứng cỏi, khi Chu Hưng, Lại Tuấn Thần còn đắc thế, ông đã mấy lần bị vu cáo và bị lưu đày, 1 lần suýt bị xử tử. Nhưng trước sau ông không bao giờ chịu khuất phục. Sau này, khi ông làm thứ sử Lạc Châu, 1 tên đày tớ của Dịch Chi cậy thế ức hiếp dân, gây sự ngoài phố Lạc Dương. Quan cai trị Lạc Dương thấy kẻ gây rối là người trong Trương phủ nên không dám làm gì. Việc đó đến tai Ngụy Nguyên Trung, ông liền cho bắt tên đày tớ đó, đánh cho 1 trận chết tươi. Sau khi Ngụy Nguyên Trung làm tể tướng, Võ Tắc Thiên muốn phong em của Trương Dịch Chi là Trương Xương Kỳ làm trưởng sử. Một số đại thần hùa theo ý của Võ Tắc Thiên, đều khen Trương Xương Kỳ là người có tài. Nhưng Ngụy Nguyên Trung lại nói: "Trương Xương Kỳ còn non trẻ, hiểu biết ít, không làm nổi chức lớn đó". Chuyện ấy đành phải gác lại.
Vì những việc đó, Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi ôm mối hận với Ngụy Nguyên Trung, muốn tìm mọi cách để trừ bỏ, bèn tố cáo với thái hậu là ông có nói sau lưng là thái hậu già rồi, nên tìm cách dựa vào thái tử thì chắc chắn hơn. Võ Tắc Thiên nghe thấy nói thế thì nổi giận, lập tức hạ lệnh bắt giam ngay Ngụy Nguyên Trung, chuẩn bị trực tiếp thẩm vấn và yêu cầu 2 họ Trương vạch tội tại chỗ. Trương Xương Tông sợ không nói lại được Ngụy Nguyên Trung, liền lén tìm 1 quan chức cấp dưới của Ngụy Nguyên Trung tên là Trương Duyệt, đề nghị làm chứng giả, hẹn sẽ thăng quan cho ông ta. Hôm sau, Võ Tắc Thiên ra triều, triệu tập thái tử và tể tướng, để Trương Xương Tông và Ngụy Nguyên Trung trực tiếp đối chất. Ngụy Nguyên Trung nhất định không chịu nhận là có chuyện đó. Hai người tranh luận rất lâu không đi đến kết quả gì. Trương Xương Tông nói: "Chính tai Trương Duyệt nghe thấy Ngụy Nguyên Trung nói câu đó. Có thể gọi ông ta để làm chứng!".
Võ Tắc Thiên lập tức cho gọi Trương Duyệt vào triều làm chứng. Biết sẽ xảy ra chuyện gì, 1 viên quan là Tống Cảnh nói với Trương Duyệt: "Danh dự của một con người là quí hơn hết. Dù thế nào cũng thể vì sự an toàn của cá nhân mà đi phụ họa với gian thần. Dù có vì vậy mà bị lưu đày thì tên tuổi vẫn vẻ vang".
Sử quan Lưu Tri Kỷ cũng nhắc Trương Duyệt: "Không nên bôi xấu lịch sử của mình, để liên lụy tới con cháu đời sau".
Trương Duyệt biết rõ Ngụy Nguyên Trung oan uổng, nhưng cũng sợ quyền thế của 2 họ Trương, nên tư tưởng đấu tranh, giằng co rất căng thẳng, toát hết cả mồ hôi. Sau khi nghe 2 người nhắc nhở như vậy, mới xác định được quyết tâm. Trương Duyệt tiến vào sân rồng, Võ Tắc Thiên hỏi: "Ngươi có nghe thấy Ngụy Nguyên Trung phỉ báng triều đình không?".
Ngụy Nguyên Trung vừa thấy Trương Duyệt đến, liền nói lớn: "Trương Duyệt, ngươi định hùa với Trương Xương Tông để vu hãm người trung lương chăng?".
Trương Duyệt quay đầu lại, hừm 1 tiếng rồi nói: "Ngụy Công làm tể tướng mà sao lại nói lời sai đạo lý như thế!".
Trương Xương Tông thấy Trương Duyệt nói hơi lạc đề, vội giục: "Không cần đôi co với ông ta, hãy tới làm chứng đi".
Trương Duyệt quay lại, tâu với Võ Tắc Thiên: "Xin bệ hạ xem, trước mặt bệ hạ mà ông ta còn uy hiếp thần. Đủ biết khi ở ngoài, ông ta còn tác oai tác phúc như thế nào. Nay thần không thể không nói thực, đúng là thần không hề nghe Ngụy Nguyên Trung nói lời chống lại bệ hạ. Chỉ là do Trương Xương Tông buộc thần phải làm chứng giả mà thôi".
Trương Xương Tông thấy Trương Duyệt đổi giọng như thế, thì nổi giận đùng đùng, kêu lớn: "Trương Duyệt chính là kẻ đồng mưu với Ngụy Nguyên Trung".
Võ Tắc Thiên là người thông minh, nghe lời Trương Duyệt nói, biết chắc là Ngụy Nguyên Trung bị oan, nhưng không muốn để bọn Trương Xương Tông lâm vào thế bí, liền mắng Trương Duyệt: "Ngươi là kẻ tiểu nhân phản phúc". Rồi hạ lệnh bắt giam lại, tiếp tục phỏng vấn. Nhưng Trương Duyệt đã quyết tâm, nhất định giữ vững ý kiến là không hề nghe Ngụy Nguyên Trung nói lời mưu phản.
Võ Tắc Thiên không có chứng cớ về việc Ngụy Nguyên Trung mưu phản, nhưng bà vẫn triệt chức tể tướng của ông và lưu đày Trương Duyệt. Năm 705, Võ Tắc Thiên ốm nặng. Người cháu là Võ Tam Tư câu kết với Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi nắm chính quyền trong triều. Tể tướng Trương Giản Chi và 1 số đại thần nhân cơ hội Võ Tắc Thiên không còn làm việc được, đoạt lấy quyền chỉ huy quân cấm vệ, bắt giết 2 tên họ Trương, đón Trung Tông trở về ngôi hoàng đế. Không lâu sau, vị nữ hoàng đế hiển hách 1 thời ấy qua đời.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...