CON HÁT LÀM QUAN

731 4 0
                                    

Khi Chu Ôn xây dựng triều Lương, ở miền bắc còn có 2 thế lực cát cứ tương đối lớn, đó là Lưu Nhân Cung ở U Châu và Tấn vương Lý Khắc Dụng ở Hà Đông. Thời đó, tộc Khiết Đan ở miền bắc bắt đầu phát triển lớn mạnh. Thủ lĩnh Khiết Đan là Da Luật A Bảo Cơ đã thống nhất các bộ tộc Khiết Đan, lập nên 1 chính quyền thống nhất. Năm 907, A Bảo Cơ dẫn 30 vạn người ngựa đánh vào Vân Châu (trị sở Đại Đồng, Sơn Tây hiện nay). Lý Khắc Dụng muốn lợi dụng binh lực Khiết Đan để đối phó với Chu Ôn, nên bắt liên lạc A Bảo Cơ, 2 bên gặp nhau ở phía đông thành Vân Châu, kết làm anh em, hẹn ngày cùng đánh Lương. Nhưng A Bảo Cơ về tới Khiết Đan, suy nghĩ lại, thấy thế lực Chu Ôn lớn mạnh, không thực hiện giao ước với Lý Khắc Dụng, mà cử người tới kết thành đồng minh với Chu Ôn. Lý Khắc Dụng được tin đó, tức uất người, sinh bệnh. Vào mùa xuân năm sau, ông ta lại mọc nhọt sau lưng, nằm liệt giường. Tự biết mình khó còn trở dậy được, Lý Khắc Dụng gọi con là Lý Tồn Húc tới bên giường, dặn dò: "Chu Ôn là kẻ thù của gia đình ta, điều đó không cần nói con cũng đã biết; Lưu Nhân Cung là kẻ do cha tiến cử, thế mà lại phản phúc, dựa vào Chu Ôn; A Bảo Cơ đã từng kết nghĩa anh em với ta, sau lại xé bỏ minh ước, trở  mặt quay sang với Chu Ôn. Ba mối hận đó nếu không giải được thì cha chết cũng khó lòng nhắm mắt".

Vừa nói ông ta vừa gọi người hầu đem đến 3 mũi tên, tự mình trao cho Lý Tồn Húc rồi nói tiếp: "Cha để lại cho con ba mũi tên này, con cần ghi nhớ ba kẻ thù đó để trả hận cho nhà ta".

Lý Tồn Húc quỳ bên giường, nước mắt lưng tròng, nhận 3 mũi tên, hứa xin đinh ninh ghi nhớ lời căn dặn của cha. Lý Khắc Dụng nghe vậy mới nhắm mắt, trút hơi thở cuối cùng. Sau khi Lý Khắc Dụng chết, Lý Tồn Húc nối tước vị của cha, làm Tấn vương. Ông ta chuyên tâm huấn luyện quân đội, chấn chỉnh kỷ luật, biến binh sĩ tộc Sa Đà từ chỗ lỏng lẻo trở thành đội quân tinh nhuệ, thiện chiến. Lý Tồn Húc quyết tâm tiêu diệt kẻ thù, đặt 3 mũi tên do cha để lại vào trong miếu thờ của gia đình để thờ cúng long trọng. Mỗi lần xuất chinh, ông ta đều phái 1 viên quan vào miếu lấy 3 mũi tên đó, đựng trong 1 túi lụa thêu thùa rất đẹp, đem theo ra trận. Sau khi đánh thắng, lại đặt trả chúng vào miếu thờ. Lý Tồn Húc đem quân giao chiến với quân Lương mấy trận lớn, đánh cho 50 vạn quân Lương dưới quyền thống lĩnh của Chu Ôn thua tan tác, rút chạy nhục nhã. Chu Ôn vừa tức giận vừa xấu hổ, phát bệnh mà chết. Sau đó, Lý Tồn Húc lại đánh phá U Châu, bắt sống 2 cha con Lưu Nhân Cung và Lưu Thủ Quang, giải về Thái Nguyên.

Năm 916, Da Luật A Bảo Cơ lên ngôi hoàng đế. Năm năm sau liền đem quân tiến xuống phương nam, Lý Tốn Húc thân dẫn quân đội đánh tan quân Khiết Đan, đuổi A Bảo Cơ về phương bắc. Sau khi Chu Ôn chết, con là Lương Mạt Đế lại cũng Lý Tồn Húc giao tranh trong khoảng 10 năm trời. Đến năm 923, Lý Tồn Húc diệt triều Lương, thống nhất miền bắc Trung Quốc lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu Đường, đóng đô ở Lạc Dương. Đó là Hậu Đường Trang Tông. Đường Trang Tông báo thù được cho cha, cảm thấy thỏa lòng, mãn nguyện; cho rằng kẻ thù đã hết, miền Trung nguyên đã an định, liền mưu cầu hưởng lạc. Từ nhỏ, ông đã thích xem và tham gia biểu diễn ca kịch, chuyên phục vụ vương gia. Ngay từ nhỏ, Đường Trang Tông đã rất thân với các con hát. Sau khi cha mất, mải lo việc trận mạc, ông ta phải gác ham thích đó lại. Đến khi ;ên làm hoàng đế, ông ta trở lại say mê ca kịch, suốt ngày ở chỗ các con hát, mặc quần áo diễn viên lên sân khấu biểu diễn, bỏ hết mọi việc quốc gia đại sự. Ông còn tự đặt cho mình 1 nghệ danh (tên riêng dùng khi làm ca kịch) là "Lý Thiên Hạ".

Một hôm, trong khi đang sắm vai, ông tự xưng 2 lần: "Lý Thiên Hạ! Lý Thiên Hạ!". Một con hát nhảy ra tát luôn cho ông 2 cái, khiến bản thân ông cũng ngớ người, không hiểu ra sao. Những con hát khác thất kinh, vội xông tới túm lấy con hát kia quở trách. Con hát đã tát ông liền cười hì hì nói: "Cai trị thiên hạ thì chỉ có một người là hoàng đế. Vai diễn này lại gọi tới hai lần, thì lấy đâu ra một người nữa?".

Đường Trang Tông nghe hắn nói, biết hắn cố ý đùa mình, nên tuy bị 2 cái tát vẫn không tỏ vẻ giận. Bọn con hát được Đường Trang Tông chiều chuộng, có quyền tự do ra vào cung cấm. Chúng có thể đùa giỡn với hoàng đế nên không coi các quan ra gì. Các quan chức triều đình bị chúng khinh nhờn, tuy rất bực tức nhưng không ai dám làm gì chúng. Một số quan chức muốn được chúng nói tốt cho mình trước Đường Trang Tông, phải đem lễ vật đút lót. Có 1 con hát là Cảnh Tiến, chuyên làm việc thăm dò tình hình bên ngoài để báo cáo cho Trang Tông. Ai không đối đãi tốt với hắn, hắn sẽ nói xấu với Đường Trang Tông và người đó sẽ khốn đốn. Vì vậy, các quan chức trong triều, ai cũng sợ Cảnh Tiến. Đường Trang Tông muốn phong 2 con hát làm thứ sử. Có người khuyên can: "Hiện nay triều Đường ta vừa được lập nên, nhiều tướng sĩ từng theo bệ hạ chinh chiến nhiều năm vẫn chưa được phong thưởng. Nếu bây giờ lại phong con hát làm thứ sử, sợ rằng lòng người không phục".

Đường Trang Tông bỏ ngoài tai, vẫn phong con hát làm quan. Một số tướng sĩ hết sức bất bình vì việc đó. Vài năm sau, nội bộ triều đình Hậu Đường sinh rối loạn, đại tướng Quách Sùng Thao bị hại; 1 đại tướng là Lý Tự Nguyên (con nuôi Lý Khắc Dụng) cũng bị nghi kỵ, suýt nữa thì mất mạng. Lý Đức Nguyên được các tướng sĩ ủng hộ, quyết định chống lại Đường Trang Tông. Ông ta dẫn quân đánh vào Biện Kinh, chuẩn bị tự lập làm hoàng đế. Từ Lạc Dương, Đường Trang Tông nhận được tin đó, muốn trở về Biện Kinh; nhưng tới nửa đường, được tin Lý Tự Nguyên đã chiếm được rồi và được nhiều tướng lĩnh ủng hộ. Biết mình đã hoàn toàn bị cô lập, Đường Trang Tông ủ rũ nói với tả hữu: "Lần này thì ta đi đời rồi!".

Về tới Lạc Dương, Đường Trang Tông còn muốn tổ chức chống lại Lý Đức Nguyên, nhưng Quách Tòng Khiêm, viên chỉ huy sứ Thân quân của ông ta, vốn cũng là con hát, nhưng đã nhận đại tướng Quách Sùng Thao làm chú. Sau khi Quách Sùng Thao bị giết, Quách Tòng Khiêm rất căm giận. Nhân dịp này, dẫn đầu Thân quân nổi loạn, đánh vào hoàng cung. Đường Trang Tông không kịp chống lại, bị 1 phát tên bắn chết. Lý Tự Nguyên lên ngôi hoàng đế Hậu Đường. Đó là Đường Minh Tông.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ