NGÀY TÀN CỦA TRIỀU ĐƯỜNG

805 5 4
                                    

Sau khi khởi nghĩa Hoàng Sào thất bại, Đường Hy Tông trở về Trường An. Lúc này, chính quyền trung ương của triều Đường chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Phiên trấn các vùng đều mở rộng thế lực trong qua trình trấn áp quân khởi nghĩa, giành giật địa bàn với nhau, hình thành rất nhiều thế lực cát cứ to nhỏ khác nhau. Trong số đó, có 2 lự lượng lớn mạnh nhất là tiết độ sứ Hà Đông Lý Khắc Dụng và tiết độ sứ Tuyên Vũ (trị sở nay ở Khai Phong, Hà Nam) Chu Ôn. Chu Ôn xuất thân trong 1 gia đình nghèo, từ nhỏ là kẻ du thủ du thực. Trong số 3 anh em, hắn là kẻ hung ác và gian trá nhất. Sau khởi nghĩa Hoàng Sào, hắn tham gia nghĩa quân, được Hoàng Sào trọng dụng và được trao chỉ huy 1 đội quân lớn. Đến giờ phút nguy cấp nhất, hắn trở cờ, dẫn đơn vị đầu hàng quân Đường và đóng vai trò đắc lực trong việc giúp triều Đường đàn áp nghĩa quân. Đường Hy Tông thưởng cho Chu Ôn quan cao lộc hậu và còn ban cho hắn 1 cái tên đẹp "Toàn Trung" (hết lòng trung. Từ đó, Chu Ôn cũng được gọi là Chu Toàn Trung) rồi cử hắn dẫn quân đàn áp quân khởi nghĩa.

Khi Hoàng Sào lui từ Trường An đến Hà Nam, binh lực còn rất mạnh. Quân khởi nghĩa tiến đánh Biện Châu (Khai Phong ngày nay), trị sở của Tuyên Vũ thuộc quyền tiết độ sứ Chu Ôn. Túng thế, Chu Ôn liền cầu cứu Lý Khắc Dụng. Lý Khắc Dụng đem quân tới, đánh bại quân khởi nghĩa, rồi vào thành Biện Châu. Chu Ôn nảy ra mưu độc, vờ bày tiệc chiêu đãi ân nhân, chuốc rượu cho Lý Khắc Dụng say túy lúy rồi đem quân vây chặt nhà khách, toan giết Lý Khắc Dụng. Dụng được mấy thân binh liều mình cứu thoát, phá vây chạy ra được. Từ đó, Lý Khắc Dụng thâm thù Chu Ôn, 2 lực lượng cát cứ đó đánh nhau kịch liệt. Về sau, lực lượng Chu Ôn ngày càng mạnh, Lý Khắc Dụng phải lui về thế thủ, cố sao giữ vững được vùng Hà Đông. Sau khi Đường Hy Tông chết, em ông ta là Đường Chiêu Tông Lý Diệp muốn dựa vào triều thần để chống lại hoạn quan, nhưng nhiều lần không thành công. Sau đó, bọn hoạn quan giam lỏng Đường Chiêu Tông lại và lập hoàng đế khác. Sự kiện đó đã tạo cơ hội tốt cho kẻ luôn ấp ủ dã tâm như Chu Ôn. Hắn liền cử thân tín lẻn về Trường An, bí mật bàn kế hoạch với tể tướng Thôi Dậu. Thôi Dậu có chỗ dựa là lực lượng vũ trang của Chu Ôn, liền đem quân giết tên đứng đầu hoạn quan là Lôi Quí Thuật, đón Đường Chiêu Tông về lại ngôi hoàng đế.

Đường Chiêu Tông và Thôi Dậu còn muốn giết hết hoạn quan. Bọn này liền dựa vào lực lượng của Lý Mậu Trinh, tiết độ sứ Phượng Tường, cướp lấy Đường Chiêu Tông đem đi Phượng Tường. Thôi Dậu cầu cứu Chu Ôn, Chu Ôn liền đem quân tiến công Phượng Tường, yêu cầu Lý Mậu Trinh trao trả Đường Chiêu Tông. Binh lực của Lý Mậu Trinh yếu hơn Chu Ôn nên liên tiếp thua trận. Quân Chu Ôn vây chặt Phượng Tường. Trong thành hết lương thực, lại gặp mùa đông, tuyết xuống nhiều, quân lính và dân trong thành chết đói và chết rét nhiều không kể xiết. Lý Mậu Trinh kế cùng, lực kiệt, đành phải đầu hàng. Chu Ôn chiếm được Phượng Tường, cướp lại được Đường Chiêu Tông, đem về Trường An. Từ đó, quyền lực trong triều từ tay hoạn quan chuyển sang tay Chu Ôn. Số phận Đường Chiêu Tông càng thảm bại hơn trước. Sau khi nắm được đại quyền, Chu ÔN liền giết sạch hoạn quan rồi ép Đường Chiêu Tông dời đô đi Lạc Dương. Khi ra khỏi Trường An, hắn hạ lệnh dỡ hết cung điện, dinh quan và nhà dân, chuyên chở vật liệu đi Lạc Dương, đồng thời buộc toàn thể quan lại và dân chúng đều phải tới Lạc Dương. Nhân dân Trường An dắt díu người già, trẻ nhỏ buộc phải lên đường dưới sự đốc thúc của quân lính. Suốt đường dài vang dậy tiếng kêu khóc và nguyền rủa của dân chúng.

Đường Chiêu Tông đến Lạc Dương, muốn bí mật triệu phiên trấn các địa phương đến cứu, nhưng chưa chờ được tới lúc đó thì đã bị Chu Ôn giết chết. Sau đó, Chu Ôn lập 1 thằng bé mới 13 tuổi lên làm hoàng đế bù nhìn. Đó là Đường Chiêu Tuyên Đế, sau cũng còn gọi là Ai Đế. Hoạn quan đã hết, hoàng đế thực sự cũng đã hết, nhưng còn lại quí tộc và đại thần cũ của triều Đường. Mưu sĩ của Chu Ôn nói với hắn: "Bọn này rất khó đối phó. Muốn tính chuyện lớn, thì phải tống cổ hết chúng đi!".

Một mưu sĩ khác tên là Lý Chấn, có biệt hiệu "chim ưng đầu mèo", vì không thi đỗ tiến sĩ nên thâm thù các đại thần. Hắn nói với Chu Ôn: "Bọn này thường ngày tự cho là thanh cao, tự gọi mình là "thanh lưu" (dòng nước trong), nên ném tất cả chúng xuống "trọc lưu" (dòng nước đục - ý nói dòng Hoàng Hà) cho rảnh!".

Chu Ôn liền làm theo lời hắn, trong 1 đêm tối trời, tập trung tất cả 39 đại thần lại, giết hết và vứt xác xuống Hoàng Hà. Năm 907, Chu Ôn phế Đường Chiêu Tuyên Đế, tự lập làm hoàng đế, đổi quốc hiệu là Lương, đóng đô ở Biện Kinh (tức Biện Châu, tức Khai Phong, Hà Nam ngày nay). Tên phản bội Chu Ôn trở thành Lương Thái Tổ. Triều Đường từng thống trị Trung Quốc 300 năm, tới đây chấm dứt.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ