CHÉN RƯỢU TƯỚC BINH QUYỀN

802 6 0
                                    

Tống Thái Tổ lên ngôi không tới nửa năm, đã có 2 tiết độ sứ khởi binh chống lại triều Tống. Tống Thái Tổ phải thân chinh trải bao vất vả mới bình định được họ. Vì chuyện đó, không lúc nào Tống Thái Tổ được yên lòng. Một hôm, ông đi 1 mình tới gặp Triệu Phổ, nêu câu hỏi: "Từ cuối triều Đường đến nay, đã thay đổi tới năm triều đại, đánh nhau liên miên, không biết đã chết mất bao nhiêu dân. Rút cuộc lại, thì đó là nguyên nhân gì?".

Triệu Phổ nói: "Nguyên nhân rất đơn giản. Đất nước hỗn loạn là do quyền lực của các phiên trấn quá lớn. Nếu tập trung quyền lực vào tay triều đình, thì thiên hạ tự nhiên sẽ thái bình vô sự!".

Tống Thái Tổ gật đầu, tán thưởng ý kiến của Triệu Phổ. Sau đó, Triệu Phổ lại nói với Tống Thái Tổ: "Hai đại tướng cấm quân là Thạch Thủ Tín và Vương Thẩm Kỳ nắm binh quyền quá lớn. Nên điều họ khỏi cấm quân thì tốt hơn".

Tống Thái Tổ nói: "Khanh yên tâm! Hai người đó là bạn cũ của ta, không bao giờ chống lại ta đâu!".

Triệu Phổ nói: "Thần không lo ngại họ làm phản. Nhưng theo nhận xét của thần, hai người đó không có tài năng của người thống soái, không điều hành được cấp dưới. Sẽ có ngày, những kẻ bên dưới sẽ gây sự, e rằng bản thân họ cũng không làm chủ được".

Tống Thái Tổ gõ gõ vào trán, nói: "May mà khanh đã nhắc nhở ta".

Mấy hôm sau, Tống Thái Tổ mở tiệc trong cung, mời Thạch Thủ Tín, Vương Thẩm Kỳ và mấy lão tướng đến dự. Qua mấy tuần rượu, Tống Thái Tổ hạ lệnh cho các thái giám hầu cận lui ra. Trước hết ông nâng cốc, mời mọi người uống cạn, rồi nói: "Nếu không có sự giúp đỡ của các chư khanh thì trẫm không thể có địa vị như ngày hôm nay. Nhưng các khanh đâu có biết, làm hoàng đế cũng có nhiều nỗi lo, không được tự do như một tiết độ sứ. Không giấu gì các khanh, suốt một năm nay, trẫm không có đêm nào được ngủ yên giấc".

Các tướng lão đều hết sức kinh ngạc, vội hỏi xem nguyên do làm sao. Tống Thái Tổ nói: "Điều đó chẳng rõ ràng sao?. Ngôi vị hoàng đế này, ai mà chẳng đỏ mắt thèm thuồng?".

Nghe nói thế, bọn Thạch Thủ Tín hoảng sợ, quỳ mọp dưới đất nói: "Sao bệ hạ lại nói những lời đó? Nay thiên hạ đã an định, kẻ nào còn dám nuôi lòng kia khác với bệ hạ?".

Tống Thái Tổ lắc đầu: "Sao ta lại chẳng tin các khanh? Nhưng chỉ lo những kẻ dưới quyền các khanh có kẻ mưu đồ phú quý, đem hoàng bào khoác lên cho các khanh. Các khanh dù không muốn cũng không được đâu?".

Bọn Thạch Thủ Tín thấy nói thế, cảm thấy vạ lớn đến nơi, liên tục dập đầu, chảy nước mắt nói: "Bọn hạ thần thô lỗ ngu muội, không nghĩ được tới điều đó. Xin bệ hạ chỉ cho một lối ra".

Tống Thái Tổ nói: "Ta đã nghĩ giúp cho các khanh. Không gì bằng các khanh trao lại binh quyền, về địa phương làm một chức quan nhàn rỗi, bỏ tiền ra mua nhà cửa ruộng đất, làm gia sản để lại cho con cháu, sống sung sướng cho đến cuối đời. Trẫm sẽ kết thân gia cũng các khanh, hai bên không còn ngờ vực gì nhau, như thế chẳng tốt hơn hay sao?".

Tất cả đồng thanh đáp: "Bệ hạ thật đã vì chúng thần mà suy nghĩ quá chu đáo!".

Tan buổi tiệc, các tướng lĩnh trở về nhà. Hôm sau vào triều, mỗi người dâng lên 1 tấu chương xin từ chức vì tuổi già sức yếu. Tống Thái Tổ lập tức phê chuẩn, thu lại binh quyền của họ và thưởng cho rất nhiều của cải, cử họ đi làm tiết độ sứ tại các địa phương. Lịch sử gọi sự kiện đó là "chén rượu tước binh quyền". Một thời gian sau, có 1 số tiết độ sứ về kinh thành triều kiến, Tống Thái Tổ mở tiệc chiêu đãi ở ngự hoa viên. Thái Tổ nói: "Các khanh đều là lão thần của quốc gia. Công việc hiện nay ở phiên trấn rất bận rộn, bắt các khanh phải vất vả như thế, lòng trẫm thực áy náy không yên!".

Một tiết độ sứ lanh lợi lập tức tiếp lời: "Bản thân hạ thần chẳng có công lao gì đáng kể, giữ địa vị này cũng không thích hợp lắm. Xin bệ hạ cho thần được cáo lão về quê hương".

Một tiết độ sứ khác không biết điều, luôn mồm kể lể công lao thành tích. Tống Thái Tổ khó chịu, chau mày nói: "Đó đều là chuyện quá cũ, còn nêu ra làm gì!".

Hôm sau, Tống Thái Tổ hạ chiếu, giải trừ binh quyền của các tiết độ sứ đó. Sau khi thu hồi binh quyền của các tướng lĩnh địa phương, Tống Thái Tổ cho ban hành chế độ quân sự mới, chọn quân tinh nhuệ từ các địa phương, biên chế thành cấm quân, do hoàng đế trực tiếp chỉ huy. Quan chức hành chính đứng đầu các địa phương cũng do triều đình cử ra. Bằng các biện pháp đó, vương triều Bắc Tống bắt đầu được ổn định.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ