ĐẠI VŨ TRỊ THỦY
Trong khi Nghiêu còn là thủ lĩnh, lưu vực Hoàng Hà xảy ra nhiều thủy tai, khiến cho hoa màu bị ngập, nhà cửa bị đổ, dân chúng phải tránh lên trên chỗ cao, nhiều nơi còn có rắn độc và mãnh thú gây hại cho người và gia súc, nhân dân rất khổ sở. Nghiêu triệu tập hội nghị liên minh bộ lạc, bàn về việc trị thủy, bảo mọi người hãy tiến cử một người giỏi giang phụ trách việc này. Mọi người đều tiến cử Cổn, Nghiêu không tín nhiệm Cổn lắm, mọi người nói: "Hiện nay không ai giỏi hơn Cổn, ngài cứ thử dùng xem", Nghiêu miễn cưỡng đồng ý. Cổn trị thủy suốt 9 năm trời mà không có kết quả gì, vì Cổn chỉ biết đắp đê và đập để ngăn nước. Khi nước dâng cao làm vỡ đê đập, tai họa còn lớn hơn trước. Khi Thuấn lên thay Nghiêu liền tự mình đi khảo sát việc trị thủy, ông thấy Cổn bất tài, liền giết đi và sai con của Cổn là Vũ thay cha.
Vũ thay đổi cách làm của cha, dùng biện pháp khơi thông sông ngòi, dẫn nước ra biển. Ông cùng làm việc với mọi người, dùng mũ nan, dùng cuốc, xẻng đào đất, gánh đất, chăm chỉ miệt mài xây xát cả chân tay. Trải qua 13 năm nỗ lực, cuối cùng đã khơi thông cho nước chảy ra biển, đồng ruộng lại trồng trọt được, Vũ mới lấy vợ. Nhưng vì bận việc trị thủy, nhiều lần đi qua cửa nhà mình cũng không bước vào. Có lần, vợ Vũ là Đồ Sơn thị sinh con trai là Khải đang oe oe khóc, Vũ đi qua nghe tiếng khóc, cũng dằn lòng không dám ghé thăm con. Lúc đó ở vùng trung du Hoàng Hà có một trái núi lớn là Long Môn sơn (nay ở Tây Bắc, huyện Hà Tân, tỉnh Sơn Tây) ngăn chặn dòng chảy của sông, khiến dòng sông bị hẹp lại, nước bị nghẽn, nhiều lần tràn bờ, sinh ra thủy tai lớn. Vũ đến nơi khảo sát, rồi dẫn đầu mọi người đục núi cho nước chảy xuyên qua. Vì vậy chấm dứt được nạn nước tràn bờ. Người đời sau ca ngợi công lao trị thủy của Vũ , tôn xưng ông là Đại Vũ. Khi Thuấn già cả, cũng làm như Nghiêu là chọn người kế thừa chức vị, vì Vũ đã có công trị thủy nên mọi người đều tiến cử Vũ. Đến khi Thuấn chết, Vũ liền kế nhiệm chức thủ lĩnh liên minh bộ lạc. Lúc đó đã là thời kì sau của công xã thị tộc, sức sản xuất phát triển, sản phẩm do mọi người làm ra, ngoài phần cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của mình, vẫn còn dư thừa. Thủ lĩnh các thị tộc và bộ lạc lợi dụng địa vị của mình, chiếm đoạt các sản phẩm dư thừa làm của riêng, trở thành những quý tộc trong thị tộc. Có các sản phẩm dư thừa, giữa các bộ lạc liền xảy ra chiến tranh, khi bắt được tù binh thì không giết đi nữa mà biến họ thành nô lệ, bắt họ lao động phục vụ quý tộc. Như vậy dần dần hình thành hai giai cấp là chủ nô và nô lệ, chế độ công xã thị tộc bắt đầu tan rã. Do Vũ có công lao trị thủy nên uy tín và quyền lực của thủ lĩnh liên minh bộ lạc được nâng cao.
Truyền thuyết nói rằng, khi Vũ đã già, có đi thị sát miền đông và triệu tập rất nhiều thủ lĩnh bộ lạc đến Cối Kê (nay thuộc vùng Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang). Những người đến triệu kiến đều cầm ngọc bạch, nghi thức rất long trọng. Có một thủ lĩnh bộ lạc là Phòng Phong Thi đến muộn, Vũ cho rằng như thế là vi phạm mệnh lệnh, liền sai chém đầu Phòng Phong Thi. Điều này chứng tỏ rằng, chức vị thủ lĩnh liên minh bộ lạc của Vũ lúc đó trên thực tế đã trở thành một quốc vương rồi. Vũ vốn có một trợ thủ tên là Cao Giao, từng giúp Vũ làm công việc cai trị. Sau khi Cao Giao chết, con là Bá Ích cũng là trợ thủ của Vũ. Theo chế độ "thiện nhượng" thì đáng ra nên để Bá Ích là người kế vị Vũ. Nhưng sau khi Vũ chết, những quý tộc trong bộ lạc Hạ của Vũ lại tôn con của Vũ là Khải lên kế vị. Như thế chế độ tuyển cử trong liên minh bộ lạc của thời kì công xã thị tộc chính thức bị phế bỏ và đổi thành chế độ thế tập vương vị. Triều Hạ-vương triều theo chế độ nô lệ đầu tiên của Trung Quốc đã xuất hiện.
THẦN TIỄN THỦ HẬU NGHỆ
Sau khi Hạ Khải lên làm vua, có một bộ lạc là Hữu Hộ thị không phục, Sau khi Hạ Khải lên làm vua, có một bộ lạc là Hữu Hộ thị không phục, đem quân chống lại. Giữa Khải và bộ lạc Hữu Hộ thị xảy ra chiến tranh. Sau, Khải tiêu diệt bộ lạc Hữu Hộ thị và biến tù binh thành nô lệ chăn nuôi gia súc. Những bộ lạc khác thấy vậy, không ai dám phản kháng nữa. Hạ Khải chết, con là Thái Khang nối ngôi, Thái Khang là một ông vua ngu tối không chăm lo gì đến chính sự, chỉ ham săn bắn. Có lần, Thái Khang dẫn tùy tùng đi săn ở Nam ngạn Lạc Thủy, càng săn càng mê mải, hơn một trăm ngày không trở về.
Lúc đó, ở hạ du Hoàng Hà có tộc Di, thủ lĩnh bộ lạc tên là Hậu Nghệ, có dã tâm lớn, muốn giành quyền lực của Hạ Vương. Thấy Thái Khang đi săn vắng, Hậu Nghệ nắm lấy thời cơ, dẫn quân đóng giữ tại bờ bắc Lạc Thủy. Tới khi Thái Khang mang theo nhiều thú vật săn được, hớn hở về tới Lạc Thủy thì gặp quân Hậu Nghệ chắn giữ, ngăn mất đường về. Thái Khang không còn cách gì, đành phải sống lưu vong, Hậu Nghệ vẫn chưa dám xưng vương, bèn lập người anh em của Thái Khang là Trọng Khang làm Hạ vương và nắm thực quyền trong tay. Hậu Nghệ là tay thiện xạ thường bắn trăm phát trúng cả trăm. Thần thoại kể rằng, thời cổ trên không có tới mười mặt trời, mặt đất nóng như thiêu, làm cháy hết hoa màu. Mọi người xin Hậu Nghệ nghĩ cách giải quyết. Hậu Nghệ liền giương cung bắn luôn mấy phát, làm chín mặt trời rụng xuống, chỉ để lại một mặt trời như ngày nay. Vì vậy, khi hậu trên trái đất trở nên ôn hòa, không còn khô hạn nữa. Lại nói thời cổ, trên các dòng sông có nhiều thủy quái, thường gây nên sóng gió tạo thành thủy tai, làm ngập hết hoa màu, nhấn chìm người và gia súc. Hậu Nghệ lại dùng cung tên, bắn giết hết quái vật, mang lại cho dân cuộc sống yên bình. Những thần thoại đó chứng tỏ tài bắn cung của Hậu nghệ rất cao cường, được mọi người công nhận. Lúc đầu, Hậu Nghệ chỉ giữ vai trò trợ thủ cho Trọng Khang. Tới khi Trọng Khang chết, ông ta liền đuổi con Trọng Khang là Tướng đi giành lấy vương vị của triều Hạ. Hậu Nghệ ỷ vào tài bắn cung, cũng tác uy tác phúc, chỉ mải mê chơi bời săn bắn như Thái Khang, giao hết chính sự quốc gia cho người thân tín là Hàn Tróc. Hàn Tróc có âm mưu riêng, ngấm ngầm mua chuộc lòng người. Một lần, Hậu Nghệ đi săn về, bị Hàn Tróc sai người đến giết đi. Giết Hậu Nghệ rồi, Hàn Tróc cướp ngôi. Vì sợ tộc Hạ tranh đoạt, Hàn Tróc liền tìm cách bắn giết Tướng, con của Trọng Khang. Tướng chạy đến đâu cũng bị Hàn Tróc sai người đuổi tới đó. Cuối cùng, Hàn Tróc bắt và giết được Tướng. Lúc đó, vợ Tướng đang có mang, bị Hàn Tróc lùng bắt gắt gao quá, liền trốn về nhà mẹ đẻ ở bộ lạc Hữu Trưng, sinh được một con trai, đặt tên là Thiếu Khang.
Khi Thiếu Khang lớn lên, làm nghề chăn nuôi gia súc cho nhà họ ngoại. Nghe tin, Hàn Tróc lại sai người lùng bắt, Thiếu Khang phải trốn đến chỗ con cháu của Thuấn là Hữu Ngu.
Thiếu Khang lớn lên trong hoàn cảnh gian khổ nên rèn luyện được sức khỏe và tài năng. Ông chiêu tập được nhiều người ở họ Hữu Ngu, bắt đầu tổ chức được đội ngũ. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của các đại thần và các bộ lạc trung thành với nhà Hạ, đã tổ chức đánh lại Hàn Tróc, giành lại được ngôi vua.
Triều Hạ từ Thái Khang đến Thiếu Khang, trải qua khoảng 100 năm hỗn chiến mới khôi phục được. Lịch sử gọi đó là "Thiếu Khang trung hưng".
Thiếu Khang diệt được Hàn Tróc, nhưng cuộc đấu tranh giữa tộc Hạ và tộc Di vẫn chưa kết thúc. Tộc Di có nhiều xạ thủ giỏi, cung tên của họ rất lợi hại. Sau, con của Thiếu Khang là Trữ nối ngôi, phát minh ra được một loại áo chống được tên gọi là giáp, nên đã chiến thắng được tộc Di. Thế lực triều Hạ lại phát triển sang phía đông.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficción históricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...