Càn Long làm hoàng đế 60 năm, về phương diện "Văn trị võ công" đều giành được thắng lợi. Ông lấy làm đắc chí và trở nên kiêu ngạo, tự xưng là 1 "ông già thập toàn". Ông ngày càng thích nghe những lời ca tụng. Thế là có kẻ liền dùng thủ đoạn nịnh nọt, chiếm được lòng tin yêu của hoàng đế và nhờ vậy làm đến chức quan to, nắm quyền lớn. Có 1 lần, hoàng đế Càn Long chuẩn bị đi ra khỏi cung để tuần sát, bèn gọi các quan tùy tùng đến chuẩn bị cờ quạt, xa giá và hộ vệ. Ngay trong 1 lúc, các quan không tìm ra được chiếc lọng vàng để dùng cho để dùng cho nghi thức chuyến đi. Mọi người đều cuống lên không biết làm thế nào. Hoàng đế Càn Long rất nóng nảy hỏi: "Kẻ nào chịu trách nhiệm việc này?".
Các quan nghe thấy lời trách hỏi của hoàng đế, đều sợ run lên, nói không ra lời. Lúc đó ở phía bên có 1 hiệu úy trẻ tuổi ung dung nói: "Người đảm đương công việc không được phép đùn đẩy trách nhiệm".
Hoàng đế Càn Long ngoảnh lại trông, thấy viên hiệu úy đó mặt mày sáng sủa, thái độ trấn tĩnh, trong lòng lấy làm vui vẻ, liền quên ngay chuyện về lọng vàng, quay sang hỏi họ tên anh ta. Hiệu úy trẻ tuổi đó thưa tên là Hòa Thân. Hoàng đế Càn Long lại hỏi tình hình gia đình anh ta, hỏi anh ta đã học những sách gì. Hòa Thân nhất nhất trả lời trôi chảy. Hoàng đế Càn Long vô cùng hài lòng Hòa Thân, lập tức tuyên bố giao cho Hòa Thân tổng phụ trách công việc nghi thức. Về sau còn cho Thân làm quan Ngự tiền thị vệ. Hòa Thân là 1 con người rất lanh lợi, hoàng đế Càn Long cần gì, Hòa Thân đều thực hiện đúng ý. Hoàng đế Càn Long rất thích nghe những lời nói ngọt, Hòa Thân toàn nói những lời như rót vào tai. Ngày tháng trôi qua, hoàng đế Càn Long coi Hòa Thân là người thân tín, anh ta dần bước lên cao. Không đầy 10 năm mà từ chức thị vệ được đề bạt đến chức Đại học sĩ. Sau này hoàng đế Càn Long còn gả con gái là công chúa Hòa Hiến cho con trai của Hòa Thân. Hòa Thân đã trở thành gia đình thân thích của hoàng đế, quyền hành cực lớn. Càn Long tuổi đã già, sức đã yếu, các việc trọng đại trong triều tự nhiên rơi vào tay Hòa Thân. Hòa Thân nắm được quyền to, các đại sự khác Thân không thèm ngó ngàng, chỉ 1 mực vơ vét của cải. Ông ta không những nhận hối lộ, mà còn công khai đòi lấy tiền; không những tham ô ngấm ngầm, mà còn tước đoạt trắng trợn. Các cống phẩm của quan địa phương dâng lên hoàng đế đều phải qua tay Hòa Thân. Trước hết, Hòa Thân chọn lấy những thứ cực kỳ quý hiếm, tinh xảo dành cho mình, còn thừa lại mới đưa vào cung. Hoàng đế Càn Long được cái là chẳng hỏi han gì cả, còn những người khác thì chẳng có ai dám cáo. Lòng tham của Thân ngày càng lớn.
Một lần, có 1 vị đại thần là Tôn Sĩ Nghị từ phương nam trở về Bắc Kinh, chuẩn bị triều kiến hoàng đế Càn Long, thì vừa hay gặp Hòa Thân ở ngay cửa cung. Hòa Thân thấy tay Tôn Sĩ Nghị cầm 1 chiếc hộp, liền hỏi: "Cái gì trong tay nhà ngươi thế?".
Tôn Sĩ Nghị trả lời: "Chẳng có gì cả, chỉ là cái bình đựng thuốc hít thôi!".
Hòa Thân sấn lên, hoàn toàn không khách sáo, chộp ngay lấy chiếc hộp, vừa mở ra xem thì thấy cái đựng thuốc hít ấy được trạm trổ từ 1 viên ngọc lớn. Hòa Thân cứ mân mê mãi cái đựng thuốc, ngắm nghía, luôn miệng khen rồi nói rất trơ trẽn: "Đúng là vật báu! Thôi, cho ta đi, thế nào?".
Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt, nói: "Ôi, không được đâu! Vật báu này là để dâng hoàng thượng, hôm qua tôi đã tấu rõ với hoàng thượng rồi".
Hòa Thân sa sầm mặt, ấn thẳng chiếc bình đựng thuốc vào tay Tôn Sĩ Nghị, rồi cười nhạt nói: "Chẳng qua ta đùa với ngươi thôi, làm gì mà phải như là cái anh nghèo khổ vậy?".
Tôn Sĩ Nghị dâng hộp thuốc cho hoàng đế Càn Long. Được vài ngày thì ông lại gặp Hòa Thân, thấy Hòa Thân dương dương đắc ý nói: "Hôm qua ta cũng lấy được một vật báu. Nhà ngươi xem đây, có phải cái là hôm nọ ngươi cống hoàng thượng không?"
Tôn Sĩ Nghị bước đến gần, thấy đúng là chiếc hộp mình dâng cho hoàng đế Càn Long. Tôn Sĩ Nghị nói qua loa vài câu ứng phó, bụng nghĩ thầm, làm sao vật báu đó lại rơi vào tay Hòa Thân được nhỉ. Nhất định là hoàng đế Càn Long cho ông ta. Sau này, ông lén dò la mới biết là Hòa Thân đã mua chuộc thái giám để lấy cắp từ trong cung ra. Hòa Thân lợi dụng quyền lực, địa vị để tìm trăm phương nghìn kế vơ vét của cải. Một số triều thần và các quan địa phương biết thói xấu của ông ta, đã ra sức đi vơ vét của cải châu báu để đến cầu thân với Hòa Thân. Đại quan ép tiểu lại, tiểu lại nặn bóp dân chúng, đời sống dân chúng đương nhiên ngày càng khốn khó.
Sau khi trị vì tròn 60 năm, hoàng đế Càn Long truyền ngôi cho thái tử Ngung Viêm lên ngôi, tức là Thanh Nhân Tông, còn gọi là Gia Khánh Đế. Gia Khánh Đế sớm biết tình hình Hòa Thân tham lam bẩn thỉu. Ba năm sau khi Càn Long chết, Gia Khánh Đế lập tức cho bắt Hoà Thân, buộc ông phải tự sát, đồng thời cho lục soát, tịch thu toàn bộ gia sản của Hòa Thân. Sự giàu có của Hòa Thân vốn đã nổi tiếng, nhưng kết quả của sự tịch thu gia sản còn làm cho mọi người kinh ngạc hơn. Bản tịch biên gia sản rất dài, ghi đủ các thứ vàng bạc châu báu, gấm vóc...không thể nào đếm xuể. Chỉ tính sơ sơ riêng số bạc ước chừng có đến 800 triệu lạng, tính ngang với số thu nhập của triều đình trong 10 năm. Sau này nghe nói, số lớn của cải châu báu tịch thu được đều được Gia Khánh Đế cho người đến chuyên chở về cung. Vì thế trong dân gian có câu nói châm biếm vần miệng là: "Hòa Thân bị đổ, Gia Khánh vớ bở".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficción históricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...