Khi Đường Minh Tông trị vì, dưới quyền ông ta có 2 viên đại tướng, 1 là Lý Tòng Kha, con đẻ của ông ta; 1 là phò mã Thạch Kính Đường, tiết độ sứ Hà Đông. Cả 2 đều dũng cảm thiện chiến, nhưng lại không phục nhau, tới khi Đường Minh Tông chết, Lý Tòng Kha lên ngôi hoàng đế, tức là Hậu Đường Mạt Đế, Thạch Kính Đường liền công khai chống lại. Đường Mạt Đế phái mấy vạn quân tiến đánh thành Tấn Dương, trị sở của Thạch Kính Đường. Đường không chống nổi, Tấn Dương lâm vào tình thế vô cùng nguy cấp. Mưu sĩ của Đường là Tang Duy Hàn nêu ý kiến là nên cầu cứu Khiết Đan. Khi đó, Da Luật A Bảo Cơ đã chết, con là Da Luật Đức Quang nối ngôi cha làm quốc vương. Tang Duy Hàn giúp Thạch Kính Đường thảo 1 bức thư cầu cứu gửi Da Luật Đức Quang, tỏ ý tình nguyện tôn Da Luật Đức Quang làm cha và hứa là sau khi giúp đánh bại quân Đường, sẽ cắt 16 châu Yên Vân (còn gọi là 16 châu của U Vân, chỉ U Châu, Vân Châu...thuộc miền bắc 2 tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây ngày nay) ở phía bắc Nhạn Môn Quan, để hiến cho Khiết Đan.
Hành động đầu hàng của Thạch Kính Đường bị 1 số tướng lĩnh dưới quyền phản đối. Bộ tướng Lưu Tri Viễn nói: "Chúa công cầu cứu và xưng thần với Khiết Đan thì còn có thể biện hộ được, nhưng còn tôn Da Luật làm cha thì quá đáng; thêm nữa nếu hứa biếu hắn một số vàng bạc của cải thì còn được, chứ quyết không nên cắt nhượng đất đai".
Thạch Kính Đường chỉ lo sao giữ được địa vị và lợi ích nên không chịu nghe theo lời khuyên của Lưu Tri Viễn. Đường vội vã phái Tang Duy Hàn mang theo bức thư bức thư nhục nhã trên đi gặp Da Luật Đức Quang. Da Luật Đức Quang vốn đã có ý định mở mang đất đai về hướng nam, nên khi nhận được những điều kiện hậu hĩ như vậy của Thạch Kính Đường thì vui mừng khôn xiết, lập tức phái 5 vạn kỵ binh tinh nhuệ đi cứu Tấn Dương. Thạch Kính Đường từ trong thành Tấn Dương đem quân đánh ra. Bị 2 đại quân đánh ép lại, quân Đường đại bại. Da Luật Đức Quang đưa quân vào Tấn Dương, Thạch Kính Đường thân ra ngoài thành tiếp đón, khom lưng quỳ gối, kính cẩn gọi Da Luật Đức Quang ít hơn mình 10 tuổi làm cha và còn thỉnh giáo xem quân Khiết Đan dùng cách nào mà đánh bại quân Đường nhanh đến như thế. Da Luật Đức Quang được thể khoác lác 1 hồi, Đường tỏ ra vô cùng khâm phục, khiến Da Luật Đức Quang rất hài lòng mãn ý. Da Luật Đức Quang thấy Thạch Kính Đường thực lòng muốn dựa vào mình, liền nói với Đường: "Ta rong ruổi ba ngàn dặm tới đây để cứu ngươi thực không uổng công. Xem diện mạo và phong độ của ngươi, xứng đáng làm người chủ Trung nguyên, vậy ta phong ngươi làm hoàng đế".
Thạch Kính Đường mừng rỡ, nhưng còn vờ vịt từ chối, sau do bộ hạ thúc giục, mới xin nhận. Quốc vương Khiết Đan chính thức phong Thạch Kính Đường làm hoàng đế. Sau khi lên ngôi, Đường lập tức thực hiện lời hứa, cắt 16 châu thuộc Yên Vân nhường cho Khiết Đan. Dựa vào sự giúp đỡ của Khiết Đan, Thạch Kính Đường đem quân xuống phía nam đánh Lạc Dương. Đường Mạt Đế Lý Tòng Kha liên tiếp thua trận, bị thanh thế của quân Khiết Đan làm cho khiếp đảm mất hết ý chí, suốt ngày uống rượu rồi ôm mặt khóc chờ ngày bị tiêu diệt, không còn một chút dũng khí nào để chống cự nữa. Khi quân Thạch Kính Đường chưa vào được Lạc Dương, Đường Mạt Đế đã châm lửa đốt cung điện rồi cùng gia đình nhảy vào lửa. Thạch Kính Đường chiếm được Lạc Dương, diệt nhà Hậu Đường, chính thức lên làm hoàng đế Trung nguyên, đổi quốc hiệu là Tấn, đóng đô ở Biện Kinh (Khai Phong ngày nay). Đó là Cao Tổ của Hậu Tấn.
Thạch Kính Đường cảm tạ ân đức của Da Luật Đức Quang, dâng tấu chương lên quốc vương Khiết Đan, gọi Da Luật Đức Quang là "Phụ hoàng đế" (hoàng đế cha), tự xưng là "Nhi hoàng đế" (hoàng đế con). Ngoài việc hàng năm phải tiến cống cho Khiết Đan 30 vạn tấm vải lụa. Ngày lễ ngày tết, còn phải cử sứ giả mang đồ mừng sang dâng cho quốc vương, thái hậu và đại thần Khiết Đan. Những người trên nếu không vừa lòng, cử người đến quở trách, Thạch Kính Đường phải cung kính dâng lễ vật tạ tội. Sứ giả triều Tấn cử sang Khiết Đan, các quan chức Khiết Đan đều đối xử ngạo mạn, nói nhiều lời lăng nhục. Sứ giả trở về Biện Kinh, kể lại những điều nhục nhã đó, các quan trong triều đều cảm thấy mất mặt, chỉ có Đường là vẫn thản nhiên, coi như không có chuyện gì. Thạch Kính Đường dựa vào sự bảo hộ của Khiết Đan, làm hoàng đế con nhục nhã trong 7 năm rồi ốm chết. Cháu ông ta là Thạch Trọng Quí lên ngôi. Đó là Tấn Xuất Đế. Khi dâng tấu chương lên quốc vương Khiết Đan, Tấn Xuất Đế tự xưng là cháu mà không xưng là thần. Da Luật Đức Quang cho như vậy là bất kính, liền đem quân tiến đánh.
Cả 2 lần tiến đánh của quân Khiết Đan đều gặp phải sự chống trả kịch liệt của quân dân triều Tấn nên đều thất bại thảm hại. Nhưng lần cuối cùng, do sự thông đồng, phản bội của Hán gian, quân Khiết Đan chiếm được Biện Kinh, Tấn Xuất Đế bị bắt làm tù binh, bị giải về Khiết Đan. Triều Hậu Tấn diệt vong. Năm 947, Da Luật Đức Quang tiến vào Biện Kinh, tự xưng là Đại Liêu hoàng đế (năm đó, Khiết Đan đổi quốc hiệu là Liêu). Trăm họ trong kinh thành thấy quân Liêu tiến vào đều ùn ùn chạy loạn. Quốc vương Liêu Da Luật Đức Quang trèo lê lầu thành, sai người dùng tiếng Hán kêu gọi: "Dân chúng chớ có sợ, ta cũng là người, ta vốn không định tới đây, nhưng người Hán mời ta vào đây. Ta sẽ đảm bảo cho đời sống các ngươi được sung sướng hơn".
Nói như vậy nhưng ông ta hành động hoàn toàn ngược lại. Mượn cớ phái binh lính đi chăn ngựa, Da Luật Đức Quang dung túng cho quân Liêu thả sức cướp bóc của cải của dân, làm cho suốt vùng Biện Kinh, Lạc Dương, tới mấy trăm dặm không còn 1 bóng người. Mặt khác, Da Luật Đức Quang còn bắt các quan chức triều Tấn đi thu góp tiền bạc, vải vóc để "khao quân". Trăm họ vùng Trung nguyên không chịu nổi cảnh tàn sát, cướp bóc của quân Liêu, liền tự động tổ chức nghĩa quân, đánh bại quân Liêu khắp nơi. Từng đội nghĩa quân, nơi thì mấy ngàn, nơi thì mấy vạn người, liên tục đánh phá các châu huyện, giết các quan lại do quân Liêu cử ra. Nghĩa quân ở miền đông có thanh thế lớn nhất, đánh chiếm được 3 châu. Da Luật Đức Quang hoảng sợ, nói với tùy tòng: "Thật không ngờ dân Trung nguyên lại khó trị thế này!".
Một thời gian sau, ông ta triệu tập các quan lại người Hán tới, tuyên bố: "Thời tiết nóng nực, ta ở đây không quen, phải trở về thượng quốc (chỉ nước Liêu) để thăm thái hậu".
Quân Liêu bị buộc rút khỏi Trung nguyên, nhưng 16 châu Yên Vân bị Thạch Kính Đường cắt nhượng vẫn bị quí tộc Khiết Đan chiếm cứ, trở thành căn cứ sau này để chúng tiếp tục tiến công Trung nguyên.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficción históricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...