LÝ ĐẶC LẬP TRẠI CHO DÂN LƯU TÁN
Nền thống trị thối nát và cục diện hỗn chiến dưới thời Tây Tấn đã gieo tai họa vô cùng vô tận xuống đầu dân chúng. Cộng thêm vào đó là thiên tai liên tiếp khiến nông dân nhiều địa phương không đủ lương ăn, phải rời bỏ làng quê, lũ lượt tới các vùng khác kiếm sống. Số nông dân đi lánh nạn đó được gọi là "lưu dân" (dân lưu tán). Năm 298, vùng Quan Trung lâm vào nạn đói lớn, các quận Lược Dương, Thiên Thủy (nay thuộc Cam Túc) và 4 quận lân cận có hơn 10 vạn dân lưu tán vào đất Thục. Đi cùng với dân lưu tán có 3 anh em thuộc 1 gia đình dân tộc Để là Lý Đặc, Lý Tường, Lý Lưu. Trên đường đi, trong số dân lưu tán có ai đói khát, ốm đau, 3 anh em Lý Đặc đều giúp đỡ và chăm sóc tận tình. Vì vậy, họ được dân lưu tán cảm kích và tôn trọng. Đất Thục cách Trung nguyên khá xa nên nhân dân được sống tương đối yên ổn. Tới Thục, số lưu dân liền phân tán đi làm thuê dài ngày cho các nhà giàu để kiếm ăn.
Nhưng thứ sử Ích Châu là La Thượng không muốn để vùng đất dưới quyền cai trị của mình bị dân lưu tán làm cho nhiễu loạn, nên chủ trương đuổi họ trở về Quan Trung. Ông cho đặt trạm kiểm soát tại các ngả đường ra vào Thục để ngăn chặn dân lưu tán đi vào và cướp đoạt tài sản mang theo của họ. Dân lưu tán nghe biết có lệnh đuổi của địa phương, lại nghĩ tới tình cảnh đói khát ở quê nhà, nếu phải trở về thì không có cách gì sống nổi, tất cả đều than trời kêu khổ. Mọi người liền nhờ Lý Đặc giúp đỡ. Lý Đặc nhiều lần thay mặt dân lưu tán, viết tờ thỉnh cầu xin lùi hạn đuổi lại, để dân lưu tán có thời gian tìm ra cách kiếm sống mà không gây ra xáo động cho địa phương. Họ thấy Lý Đặc có uy tín để giao thiệp với quan chức địa phương nên rủ nhau đến nhờ ông che chở. Lý Đặc liền lập 1 trại lớn ở vùng Miên Trúc để tập trung dân lưu tán lại. Chưa tới 1 tháng, đã có khoảng 2 vạn người tới theo. Em ông là Lý Lưu cũng lập 1 trại riêng, tiếp nhận được mấy ngàn người.
Sau khi tập trung dân lưu tán vào 1 khu, để họ khai phá ruộng nương, tự túc được lương thực. Lý Đặc liền cử đại diện là Diêm Húc đến gặp La Thượng, xin hoãn dài hạn việc đuổi dân lưu tán. Diêm Húc đến phủ thứ sử, thấy ở đó đang diễn ra quang cảnh tấp nập sửa sang đồn lũy và tập trung người ngựa, rõ ràng là đang chuẩn bị cho 1 hành động quân sự. Diêm Húc gặp La Thượng, đề đạt lời thỉnh cầu của dân lưu tán. La Thượng làm ra vẻ dễ dãi trả lời: "Ta đã chuẩn bị ban hành lệnh hoãn đuổi, ông cứ an tâm, về báo cho họ biết, đừng lo lắng gì nữa".
Thấy thái độ La Thượng không có ý chân thật, Diêm Húc nói: "Xin La công đừng nghe lời xúi giục của những người nuôi ý định xấu đối với dân lưu tán chúng tôi. Nhìn tình hình ở nơi đây, tôi thấy các ngài không có ý dung nạp chúng tôi. Nhưng tôi khuyên ngài, không nên coi thường đám dân đói khát, nhìn bề ngoài họ có vẻ yếu đuối; nhưng nếu bị bức đến bước đường cùng, họ sẽ buộc phải phản kháng. Đến lúc đó, e rằng sẽ không có điều gì hay cho ngài đâu!".
La Thượng giả bộ nghiêm chỉnh nói: "Ta không đánh lừa đâu, ông cứ về nói với họ ý kiến trên của ta".
Diêm Húc trở về Miên Trúc, nói tường tận tình hình đã quan sát và những lời lẽ của La Thượng cho Lý Đặc nghe, rồi bổ sung thêm: "Theo tôi, tuy La Thượng nói như thế, nhưng chúng ta không nên nhẹ dạ tin lời ông ta, cần phải chuẩn bị đề phòng ông ta đem quân tới tập kích".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...