Triều Liêu khinh thường triều Tống hèn kém, nhiều lần đem quân xâm phạm biên giới. Tới khi con Tống Thái Tông là Triệu Hằng lên nối ngôi, tức là Tống Chân Tông, thì có người tiến cử Khấu Chuẩn làm tể tướng, vì Khấu Chuẩn có lòng trung thành, làm việc lại quyết đoán. Tống Chân Tông hỏi: "Nghe nói Khấu Chuẩn là người hiếu thắng và cố chấp, thì làm thế nào?".
Vị đại thần đó nói: "Nay triều Liêu tiến phạm Trung nguyên, chính là cần một người như Khấu Chuẩn mới đảm đương được việc lớn".
Trong thời Tống Thái Tông, Khấu Chuẩn đã giữ 1 số chức vụ quan trọng, bao gồm chức phó tể tướng. Ông nổi tiếng về sự chính trực và mạnh dạn can ngăn. Một lần, ông vào triều trình bày công việc, có ý kiến khác với Tống Thái Tông. Tống Thái Tông không muốn nghe, nổi giận đứng dậy toan trở về cung. Khấu Chuẩn túm chặt tay áo, giữ Tống Thái Tông lại, mời Tống Thái Tông ngồi xuống nghe ông nói hết. Tống Thái Tông đành ngồi lại, sau đó khen rằng: "Ta có Khấu Chuẩn thật giống như Đường Thái Tông có Ngụy Trưng".
Nhưng cũng chính vì ông có nhân cách chính trực nên làm mất lòng 1 số quí tộc, sau bị gạt ra khỏi triều đình, đi làm tri châu ở 1 địa phương. Lần này, Tống Chân Tông thấy tình hình biên giới khẩn cấp nên mới chấp nhận sự tiến cử của các đại thần, triệu Khấu Chuẩn trở lại kinh thành. Năm 1004, Tiêu thái hậu và Liêu Thánh Tông của triều Liêu dẫn hơn 20 vạn quân tiến xuống phía nam, quân tiền phong tiến tới Thiền Châu (nay là Bộc Dương, Hà Nam). Văn thư cáo cấp tới tấp được chuyển về triều đình. Khấu Chuẩn khuyên Chân Tông đem binh thân chinh, phó tể tướng Vương Khâm Nhược và 1 đại thần khác là Trần Nghiêm Tẩu lại ngầm khuyên Chân Tông dời đô. Vương Khâm Nhược là người miền Giang Nam nên khuyên dời đô xuống Kim Lăng. Trần Nghiêm Tẩu là người Thục, lại khuyên Chân Tông chạy vào Thành Đô. Tống Chân Tông do dự, không biết nghe theo ý kiến nào, cuối cùng triệu kiến tể tướng mới là Khấu Chuẩn, hỏi ông: "Có người khuyên trẫm dời đô xuống Kim Lăng, có người lại khuyên trẫm dời vào Thành Đô. Khanh xem nên làm thế nào?".
Khấu Chuẩn liếc nhìn thấy Vương Khâm Nhược và Trần Nghiêm Tẩu đứng gần đó đã đoán được tình hình, liền nghiêm giọng nói: "Kẻ nào khuyên bệ hạ như thế xin đem chém đầu ngay!".
Ông trình bày với Chân Tông rằng: chỉ cần nhà vua ngự giá thân chinh thì sĩ khí được cổ vũ, nhất định sẽ đánh lui được quân Liêu. Nếu bỏ Đông Kinh mà chạy xuống phía nam, thì lòng người dao động, kẻ địch sẽ thừa cơ tiến vào, đất nước sẽ khó lòng giữ được. Tống Chân Tông nghe Khấu Chuẩn nói, có phần vững dạ, quyết định ngự giá thân chinh và mang theo Khấu Chuẩn đi chỉ huy quân đội. Đại quân tiến tới Vĩ Thành (nay ở đông nam huyện Hoạt, Hà Nam), nghe tin quân Liêu rất mạnh đang tiến xuống, 1 số đại thần đi theo hoảng sợ. Nhân lúc Khấu Chuẩn vắng mặt, xin Chân Tông tạm lui quân để tránh sức mạnh của địch. Tống Chân Tông vốn rất nhu nhược, nghe những ý kiến đó lại dao động, gọi Khấu Chuẩn tới bàn. Tống Chân Tông nói: "Mọi người đều nói với trẫm rằng tốt nhất là chạy xuống phương nam. Khanh thấy thế nào?".
Khấu Chuẩn nghiêm túc trả lời: "Những kẻ chủ trương chạy xuống phương nam đều là lũ nhút nhát và ngu xuẩn. Hiện nay quân địch đã áp tới gần, lòng người rung động. Chúng ta chỉ có thể tiến lên một bước, chứ quyết không thể lùi một tấc. Nếu tiến lên, thì sĩ khí của quân dân Hà Bắc sẽ tăng lên gấp trăm lần; nếu chỉ lùi mấy bước thì toàn quân sẽ tan rã, quân địch sẽ đuổi tiết, bệ hạ có muốn về Kim Lăng cũng không được nữa".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...