GIẾT NGỰA TRẮNG ĂN THỀ
Những năm cuối đời , Hán Cao Tổ yêu quí Thích phu nhân. Thích phu nhân sinh con trai, đặt tên là Như Ý, được phong làm Triệu vương. Hán Cao Tổ thấy thái tử Lưu Doanh do Lã hậu sinh ra, tính tình nhu nhược, sợ sau này không làm nổi việc lớn, còn Như Ý thì nói năng và sử xự rất giống mình, vì vậy có ý đổi lập Như Ý làm thái tử. Ông đưa vấn đề này ra bàn bạc với các đại thần, nhưng các đại thần đều phản đối, ngay cả Trương Lương là người được Hán Cao Tổ kính trọng cũng ủng hộ Lã hậu và mời bốn ẩn sĩ rất có danh vọng đương thời, được gọi là "Thương sơn tứ hạo" (hạo: ông già đầu bạc) đến để phù tá thái tử Lưu Doanh.
Hán Cao Tổ không có cách gì phế được thái tử, liền nói với Thích phu nhân: "Thái tử có người giúp đỡ, đã đủ lông đủ cánh, không có cách gì thay đổi được". Thích phu nhân lo lắng không biết làm sao được. Khi trước, Hán Cao Tổ thảo phạt Anh Bố, đã bị trúng tên vào ngực. Sau này, vết thương cũ tái phát nghiêm trọng. Một lần, có người nói riêng với Hán Cao Tổ: "Phàn Khoái (em rễ Lã hậu) hợp tác với Lã hậu, chỉ đợi hoàng thượng mất là sẽ giết Thích phu nhân và Như Ý".
Hán Cao Tổ nổi giận, liền gọi Trần Bình và tướng Chu Bột vào cung, bảo họ: "Các ngươi mau đến quân doanh, chém đầu Phàn Khoái mang về đây cho ta". Lúc đó Phàn Khoái đang chỉ huy quân ở nước Yên. Trần Bình, Chu Bột nhận lệnh xong, bàn với nhau: "Phàn Khoái có công lớn, lại là em rễ của hoàng hậu, chúng ta không nên tùy tiện giết ông ta. Bây giờ hoàng thượng nổi giận muốn giết, lỡ sau này hối hận thì làm thế nào?" . Hai người bàn nhau, chỉ bắt giam Phàn Khoái vào xe tù, đưa về Trường An, sau quả nhiên được Lã hậu tha ra.
Hán Cao Tổ bệnh nặng, cho triệu tập các đại thần tới, bảo thủ hạ giết một con ngựa trắng, bắt mọi người quệt máu thề trước mặt mình: "Từ nay về sau, không phải họ Lưu thì không được phong vương; không phải công thần thì không được phong hầu. Ai làm trái lời thề, sẽ bị mọi người thảo phạt". Các đại thần đều tuyên thệ, Hán Cao Tổ mới yên tâm.
Bệnh ngày càng nặng, Hán Cao Tổ gọi Lã hậu tới, dặn dò công việc về sau. Lã hậu hỏi: "Sau khi bệ hạ trăm tuổi, nếu Tiêu tướng quốc (tức Tiêu Hà) mất thì cử ai thay?".
Hán Cao Tổ đáp: "Tào Tham có thể thay".
Lã hậu lại hỏi: "Sau Tào Tham, thì là ai?"
Hán Cao Tổ nói: "Vương Lăng có thể thay. Nhưng Vương Lăng cương trực quá, nên để Trần Bình giúp đỡ ông ta. Trần Bình có nhiều mưu trí nhưng không độc lập đảm đương nhiệm vụ được. Chu Bột là người trung hậu, làm việc thận trọng, nhưng ít chữ nghĩa. Nhưng người bảo vệ thiên hạ của họ Lưu sau này chính là Chu Bột".
Lã hậu định hỏi nữa nhưng Hán Cao Tổ lắc đầu: "Việc về sau nữa, thì bà không thể biết được".
Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ mất. Lã hậu giữ kín tin tức, bí mật gọi người tâm phúc là Thẩm Tự Cơ tới nói: "Các đại tướng là những người cùng khởi binh với tiên đế. Họ phục vụ tiên đế nhưng vẫn không chịu cam tâm. Nay tiên đế mất đi, khó lòng mà tin cậy họ được, chi bằng đem giết cả đi".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Narrativa StoricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...