Sau khi vương triều Đường thu phục 2 kinh, An Khánh Tự chạy lên Hà Bắc, chiếm 60 tòa thành và tiếp tục kháng cự, Đường Túc Tông quyết định phái đại quân tiến đánh An Khánh Tự. Lần tiến công này, triều Đường huy động lực lượng quân đội dưới quyền 9 tiết độ sứ, gồm 60 vạn quân. Một lực lượng lớn như thế cần có người tổng chỉ huy giỏi. Xét tài năng và uy tín, thì chỉ có Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật là xứng đáng. Nhưng Đường Túc Tông lại có tâm lý nghi kỵ, sợ 2 người có quyền lực quá lớn. Vì vậy, cố ý không đặt chức chủ soái, mà cử 1 hoạn quan không biết gì về chiến trận là Ngư Triều Ân làm quan quân dung sứ (chức quan đứng đầu về quân sự, có quyền giám sát các tướng soái xuất chinh). Vì vậy, trên thực tế, 9 tiết độ sứ đều phải chịu sự chi phối của y.
Khi quân Đường đánh Nghiệp Thành, Sử Tư Minh lại khởi binh đánh lại, đem quân từ Phạm Dương về cứu An Khánh Tự. Trong khi 60 vạn quân Đường chưa kịp triển khai trận thế thì cuống phong nổi lên, bụi cát mù mịt, trời đất tối tăm. Chín đạo quân không có sự chỉ huy thống nhất, bị tan tác như đàn ông vỡ tổ. Quân Đường thua trận, Ngư Triều Ân trút mọi trách nhiệm thất bại lên đầu Quách Tử Nghi.
Đường Túc Tông tin theo lời Ngư Triều Ân, liền cách chức tiết độ sứ Sóc Phương của Quách Tử Nghi, để Lý Quang Bật kiêm nhiệm. Lúc đó, trong hàng ngũ quân phiến loạn lại có xung đột. Sử Tư Minh giết An Khánh Tự ở Nghiệp Thành, tự lập làm hoàng đế Đại Yên, rồi chỉnh đốn đội ngũ, tiến công về hướng Lạc Dương. Lý Quang Bật tới Lạc Dương, các quan chức ở đây thấy thế quân Sử Tư Minh quá mạnh, có phần sợ hãi, có người chủ trương lui quân về Đồng Quan, Lý Quang Bật nói: "Hiện nay hai bên lực lượng ngang nhau. Nếu chúng ta lui, kẻ địch sẽ càng ngông cuồng. Chi bằng chúng ta nên di chuyển tới Hà Dương (nay là huyện Mãnh, Hà Nam) để tiến lên có thể đánh, lui về có thể giữ".
Lý Quang Bật hạ lệnh cho quân đội và dân chúng rút toàn bộ khỏi Lạc Dương, rồi đưa quân tới Hà Dương. Sử Tư Minh tiến vào Lạc Dương, chỉ còn 1 tòa thành trống rỗng, không có nguồn nhân lực, không có lương thực, lại sợ Lý Quang Bật tập kích. Hắn không dám đóng quân trong thành, mà kéo ra xây đắp trận địa phía nam Hà Dương, tạo thế giằng co với Lý Quang Bật. Lý Quang Bật là 1 lão tướng dày dạn chinh chiến. Ông biết rằng binh lực hiện nay không bằng quân phiến loạn, chỉ có thể dùng mưu để giữ vững, không thể dùng lực để tiến công. Ông nghe Sử Tư Minh đem hơn 1000 chiến mã từ Hà Bắc xuống, hàng ngày đem ra bãi sông cho ăn cỏ và tắm táp, liền hạ lệnh cho tập trung toàn bộ ngựa cái lại và nhốt hết ngựa con trong chuồng. Chờ tới khi quân Sử Tư Minh thả chiến mã ra bãi, Lý Quang Bật cho thả đàn ngựa cái ra xen kẽ vào đoàn chiến mã (đều là ngựa đực) của địch. Một lát sau, ngựa cái nhớ con, liền quay về. Đàn ngựa chiến của địch liền đi theo, sang hết trận địa của quân Đường. Trong chốc lát, Sử Tư Minh bị mất hàng ngàn ngựa, thì tức lồng lộn, cho tập trung mấy trăm thuyền chiến tấn công theo đường thủy. Hắn cho 1 hỏa thuyền dẫn đầu, chuẩn bị đốt cầu phao của quân Đường. Lý Quang Bật cho chuẩn bị mấy trăm cây tre dài và to, đầu bịt sắt. Khi hỏa thuyền của địch tới, mấy trăm binh sĩ khỏe mạnh đứng trên cầu phao phóng tre ra ghìm chặt hỏa thuyền địch lại. Hỏa thuyền không tiến lên được, bốc cháy tan nát rồi chìm xuống lòng sông. Quân Đường lại từ trên cầu phao, dùng máy bắn đá đánh cho chiến thuyền địch phía sau tan vỡ. Quân lính địch đứa thi toác đầu, đứa thì chìm nghỉm theo thuyền, 1 số sống sót ngoi ngóp được lên bờ, ôm đầu tháo chạy.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Tiểu thuyết Lịch sửMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...