Sau khi dẹp tan cuộc nổi dậy của Từ Kính Nghiệp, Võ Tắc Thiên quyết tâm diệt trừ các tông thất và đại thần chống lại mình. Nhưng, làm cách gì để biết những ai là người đang ngấm ngầm nuôi lòng chống đối. Võ Tắc Thiên tìm ra 1 biện pháp là phát động cuộc tố cáo trong toàn quốc. Bất kì quan lại cấp nào và người dân bình thường, miễn là phát hiện có người mưu phản, đều có thể trực tiếp báo cáo với thái hậu. Quan lại địa phương nhận được thư và người đến tố giác, đều không được trực tiếp hỏi han mà phải chuẩn bị ngựa xe, cung cấp ăn uống chu đáo và phái người hộ tống tới hành cung của thái hậu, trực tiếp triều kiến Võ Tắc Thiên. Nếu tài liệu tố giác là đúng, người tố giác lập tức được làm quan. Nếu xét ra không đúng sự thực, cũng không bị ghép vào tội vu cáo. Vì vậy, ở khắp nơi trong toàn quốc, người tố giác ngày càng nhiều.
Vì có quá nhiều người đem đơn tố giác, nên Võ Tắc Thiên phải cử người thay mình tra xét. Một tướng người Hồ là Sách Nguyên Lễ nhờ việc tố giác mà trở nên phú quí. Võ Tắc Thiên ủy nhiệm y chuyên xử các vụ án mưu phản. Khi thẩm vấn, bất kể là có chứng cứ gì không, hắn ta đều dùng cực hình buộc người được xét hỏi khai ra đồng mưu. Người bị tra không thể chịu nổi cực hình, đành khai bừa ra 1 số người khác. Vì vậy, từ 1 người, kéo theo mấy chục, mấy trăm người liên quan. Diện liên quan càng rộng, qui mô vụ án càng lớn, Sách Nguyên Lễ tâu lên, liền được thái hậu khen là làm việc giỏi. Một số quan chức thấy Sách Nguyên Lễ được thái hậu tín nhiệm, liền cũng học theo cách làm của y. Trong số đó có 2 kẻ tàn bạo nhất là Chu Hưng và Lại Tuấn Thần. Dưới quyền mỗi tên có mấy trăm tên lưu manh, chuyên làm việc tố giác. Nếu chúng ngờ ai mưu phản, là đồng thời tố giác từ mấy địa phương khác nhau và bịa ra đủ loại chứng cớ. Điều kì dị là Lại Tuấn Thần còn soạn ra 1 bản "Cáo mật la chức la kinh" (sách dạy cách thêu dệt để tố giác) để truyền thụ các thủ đoạn thêu dệt tội trạng cho tay chân thực hiện. Chu Hưng và Lại Tuấn Thần xét xử còn tàn bạo hơn Sách Nguyên Lễ nhiều, chúng nghĩ ra đủ mọi loại tra tấn cực kì thảm khốc vô nhân đạo để áp dụng đối với đối tượng tra xét. Khi bắt ai, trước hết chúng bày ra trước mặt người đó đủ loại hình cụ. "Phạm nhân" chỉ cần nhìn qua là đã khiếp sợ, khai hết mọi điều theo ý chúng. Chu Hưng và Sách Nguyên Lễ trước sau đã giết chết mấy ngàn người, Lại Tuấn Thần thì làm tan nát hơn 1000 gia đình. Cả 3 đều nổi danh về sự tàn bạo.
Có 1 đại thần chính trực tâu với thái hậu: "Hiện nay trong các các vụ án mưu phản, đa số là án oan, án giả, có thể là có kẻ muốn ly gián bệ hạ với các đại thần; bệ hạ không thể không thận trọng".
Nhưng Võ Tắc Thiên không muốn nghe theo lời khuyên đó. Phong trào tố giác càng ngày càng lên cao. Ngay cả người thân tín của Võ Tắc Thiên là đại tướng Khưu Thần Tích, chỉ huy quân cấm vệ, cũng bị tố giác là mưu phản, bị Võ Tắc Thiên hạ lệnh giết. Một hôm, thái hậu nhận được phong thư tố giác, nói Chu Hưng là kẻ đồng mưu với Khưu Thần Tích. Thái hậu giật mình, lập tức hạ chỉ sai Lại Tuấn Thần điều tra, xét xử việc này. Vừa khéo, khi thái giám mang chỉ dụ của thái hậu đến nhà Lại Tuấn Thần, thì Chu Hưng đang ở đó. Hai người vừa uống rượu, vừa nói chuyện về các vụ án. Lại Tuấn Thần xem xong mật chỉ của thái hậu, không tỏ thái độ gì, đút mật chỉ vào ống tay áo rồi tiếp tục nói chuyện với Chu Hưng. Lại Tuấn Thần nói: "Gần đây, tôi bắt được một số phạm nhân, nhiều đứa không chịu thực thà cung khai. Ngài xem nên làm thế nào?".
Chu Hưng vuốt râu, cười khà khà nói: "Điều đó quá dễ! Gần đây tôi nghĩ ra một biện pháp mới, là đặt một cái chum lớn trên lò than. Kẻ nào không chịu cung khai thì bắt nó bỏ vào chum, nướng nó như nướng bánh. Lo gì nó không chịu khai!"
Lại Tuấn Thần nghe nói, gật gù khen rối rít: "Biện pháp hay! Biện pháp hay!". Vừa nói hắn vừa sai gia nhân khiêng 1 chiếc chum lớn và 1 lò than lên đại sảnh, cho quạt lò cháy tực rồi khiêng chum để lên trên. Lửa cháy rất mạnh làm mọi người toát mồ hôi.
Chu Hưng đang lấy làm lạ thì Lại Tuấn Thần bệ vệ đứng dậy, vênh mặt nói: "Ta vừa nhận được mật chỉ của thái hậu, nói Chu huynh mưu phản. Nếu ngài không thành thực cung khai, thì chỉ còn cách mời ngài vào trong chum".
Chu Hưng vừa nghe nói thế thì kinh hồn bạt vía, run như cầy sấy. Vốn cùng trong nghề, hắn quá rõ thủ đoạn của Lại Tuấn Thần, liền quì sụp xuống lạy như tế sao xin tha và nguyện sẽ nhận tội. Lại Tuấn Thần căn cứ vào lời thú nhận, khép vào tội chết và tâu lên thái hậu. Võ Tắc Thiên nghĩ, Chu Hưng đã từng giúp bà bao nhiêu việc, vả lại hắn ta có mưu phản thật không, còn có điểm đáng ngờ. Bà liền hạ chiếu tha tội chết, chỉ cách hết chức tước và đày đi Lĩnh Nam (vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay). Vì Chu Hưng đã gây nhiều tội ác, nhiều người oán giận, nên đi tới nửa đường, đã bị giết chết. Sau đó, Võ Tắc Thiên biết Sách Nguyên Lễ hãm hại quá nhiều người, lòng dân oán giận nên cũng giết Sách Nguyên Lễ để yên lòng dân. Còn lại 1 mình Lại Tuấn Thần vẫn được Võ Tắc Thiên tín nhiệm, tiếp tục thực hiện việc vu hãm, giết người trong 5, 6 năm nữa. Cộng cả trước sau, không biết hắn đã sát hại bao nhiêu bao nhiêu quan lại và dân thường. Ngay cả tể tướng Địch Nhân Kiệt cũng bị hắn vu cáo là mưu phản, bị tống giam, suýt nữa bị chết dưới tay hắn. Tham vọng của Lại Tuấn Thần rất lớn, hắn toan độc chiếm đại quyền trong triều, nhưng còn e sợ cháu của Võ Tắc Thiên và Võ Tam Tư và con gái Võ Tắc Thiên là Thái Bình công chúa có thế lực lớn, có thể tố giác hắn. Hai người đó đúng là ghê gớm, họ đã ra tay trước phanh phui tố giác hết mọi tội vu cáo người tốt và lạm dụng hình phạt của Lại Tuấn Thần, cho người bắt hắn và ghép vào tội chết. Võ Tắc Thiên tuy muốn bênh vực, nhưng khi thấy có quá nhiều người chống hắn, nên đành chuẩn y việc xử tử. Ngày Lại Tuấn Thần bị xử tội, mọi người vô cùng hoan hỉ. Ai nấy đều chúc mừng nhau: "Từ hôm nay, ban đêm mới có thể ngủ yên được!".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...