PHƯƠNG LẠP KHỞI NGHĨA

869 6 0
                                    

Mạng lưới vận chuyển hoa, đá làm cho cả vùng đông nam điêu linh, khốn khổ. Những địa phương sản xuất cây cảnh, hoa và khai thác đá chịu tai họa nghiêm trọng nhất. Vùng Thanh Khê thuộc Mục Châu (nay là huyện Thuần, Triết Giang) là nơi sản xuất các loại kì hoa dị thạch thường bị ứng phụng cục của Chu Miễn cử người đến vơ vét. Phương Lạp là 1 người địa phương, nhà có 1 vườn cây sơn, thường lấy nhựa sơn đem bán làm nguồn nuôi sống gia đình. Từ ngày có bọn Chu Miễn, gia đình Phương Lạp bị chúng hạch sách rất nhiều. Phương Lạp thấy hoàn cảnh của mình cũng giống như các cư dân trong vùng, liền quyết tâm tổ chức họ lại để chống lại quan triều đình. Năm 1120, mấy trăm nông dân khổ cực và thâm thù quan lại tụ tập trong vườn sơn nhà Phương Lạp. Phương Lạp xúc động nói với họ: "Nhà nước giống như một gia đình. Nếu trong một gia đình, người dưới làm làm lụng quanh năm, chịu cực chịu khổ để có được miếng cơm manh áo, mà cha anh lại tiêu phí bừa bãi. Người dưới hơi có gì làm họ không ưng ý là họ chửi bới đánh đập. Các ngươi xem như thế có được không?".

Mọi người đồng thanh đáp: "Không được!".

Phương Lạp lại nói: "Chưa nói tới việc những người cha anh đó chi tiêu hoang phí, họ còn đem của cải trong nhà để biếu xén, cầu thân với kẻ khác, như thế có được không?".

Mọi người lại phẫn nộ trả lời: "Sao có thể như thế được!".

Phương Lạp rưng rưng nước nắt nói: "Hiện nay quan lại thu thuế và bắt lao dịch nặng nề như thế, mà bọn chúng còn hạch sách đòi đút lót nữa. Dân chúng ta sản xuất được bao nhiêu sơn, giấy cũng bị chúng vơ vét sạch sanh. Chúng ta lao động cực nhọc suốt năm mà kết cục cả nhà từ già đến trẻ đều chịu đói rét, ngay đến cơm cũng không được bữa nào no, các ngươi thấy như thế nào?".

Nghe đến đó, mọi người đều gầm lên: "Xin ngài hạ lệnh! Chúng tôi xin làm theo lệnh của ngài!".

Được nông dân ủng hộ, Phương Lạp liền lấy danh nghĩa diệt Chu Miễn, phát động cuộc khởi nghĩa. Phương Lạp đảm nhiệm chức thống soái, tự xưng là "Thánh Công". Các tướng sĩ quấn các loại khăn khác nhau để làm dấu hiệu phân biệt. Đội ngũ nghĩa quân đầy phẫn nộ, lùng giết quan lại địa phương, đốt dinh thự.Khắp vùng phụ cận Thanh Khê, dân chúng đã khổ nhiều vì quan lại, nên đều rầm rộ hưởng ứng Phương Lạp. Chưa tới 10 ngày, quân khởi nghĩa đã tụ tập được mấy vạn người ngựa. Quan quân địa phương tới trấn áp, bị nghĩa quân đánh cho tan tác, 2 tướng Tống bị giết chết. Nghĩa quân thừa thắng tiến đánh huyện Thanh Khê, đuổi quan huyện đi. Sau đó, lại liên tục đánh hạ mấy chục huyện thành và nhanh chóng đánh tới Hàng Châu. Tin cấp báo về tới Đông Kinh, Tống Huy Tông sợ cuống cuồng, vội phái Đồng Quán dẫn 15 vạn quân xuống miền đông nam dẹp nghĩa quân. Đồng Quán đến Tô Châu, biết rõ việc chuyên chở hoa quí đá lạ dẫn tới sự phẫn nộ cao độ của nhân dân,liền lập tức lấy danh nghĩa Tồng Huy Tông, hạ 1 chiếu thư, thừa nhận sai lầm và ra lệnh hủy bỏ "ứng phụng cục", cách chức Chu Miễn. Dân chúng miền đông nam thấy triều đình làm như vậy thì tiêu tan cơn giận dữ, đâu có ngờ rằng chính lúc đó, Đồng Quán đang gấp rút dàn quân để trấn áp nghĩa quân.

Các cánh quân do Đồng Quán chỉ huy ào ạt tiến công, khiến Phương Lạp bất đắc dĩ phải lùi về Thanh Khê, giữ Bang Nguyên Động trong vùng khe núi sâu, tiếp tục chiến đấu. Quân triều đình không thuộc đường núi, đang gặp khó khăn, thì trong hàng ngũ nghĩa quân có kẻ phản bội, đứng ra dẫn đường cho quân triều đình. Cuối cùng, quân triều đình tiến tới Bang Nguyên Động, Phương Lạp bị bất ngờ nên bị bắt giải về Đông Kinh và bị giết hại. Khởi nghĩa Phương Lạp tuy thất bại, nhưng đã giáng 1 đòn nặng vào sự thống trị của triều Tống. Trong lúc đó, ở miền bắc cũng nổ ra cuộc khởi nghĩa qui mô lớn. Tống Giang cùng 36 tráng sĩ khởi binh ở Hà Bắc, rồi lưu động tác chiến ở Thanh Châu, Tề Châu, Bộc Châu (nay đều tại tỉnh Sơn Đông) đánh cho quân triều đình kinh hồn bạt vía, hễ nghe thấy nghĩa quân tới là tan chạy. Tại Lương Sơn Bạc, thuộc Sơn Đông cũng nổ ra cuộc khởi nghĩa của ngư dân. Theo truyền thuyết, quân khởi nghĩa của Tống Giang cũng tới Lương Sơn Bạc. Sau này, trong dân gian lưu truyền câu chuyện về "108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc", chính là dựa trên sự kiện trên mà phát triển ra. Vào cuối thời Nguyên, đầu Minh, nhà văn Thi Nại Am dựa vào truyền thuyết khởi nghĩa Lương Sơn Bạc, gia công và hư cấu thêm để viết nên bộ tiểu thuyết "Thủy Hử", đã khắc họa thành công hình tượng nghệ thuật về rất nhiều anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc như Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng...Bộ tiểu thuyết này đã trở thành 1 trong những tiểu thuyết trường thiên ưu tú trong lịch sử văn học Trung Quốc.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ