MỘT HOÀNG ĐẾ NGÂY NGÔ
Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm cũng giống như ông nội (Tư Mã Ý), bác (Tư Mã Sư) và cha (Tư Mã Siêu), đều là những người giỏi giang và nhiều thủ đoạn. Nhưng đến đời con kế vị Viêm là thái tử Tư Mã Trung thì lại là 1 kẻ ngu ngốc, ngây ngô, không có được đầu óc của 1 người bình thường. Vì vậy, từ triều đình tới các địa phương, ai cũng lo lắng sau khi Tấn Vũ Đế chết đi, đến lượt vị thái tử ngây ngô đó làm hoàng đế, thì đất nước khó tránh khỏi rối loạn. Một số đại thần muốn khuyên Tấn Vũ Đế lập người con khác làm thái tử, vì trong số con cái đông đúc (gần 20 người) của ông có khá nhiều người giỏi giang, tài trí hơn thái tử Tư Mã Trung, nhưng họ sợ, không dám dám nói rõ ý ấy ra. Một hôm, khi Tấn Vũ Đế mở tiệc, đại thần Vệ Quán giả vờ say rượu, ngã quay ra trước ngự tọa, sờ soạng vào ngai vàng của Tấn Vũ Đế, miệng lè nhè: "Đáng tiếc, chỗ ngồi này đáng tiếc quá".
Vốn là người thông minh, Tấn Vũ Đế hiểu ngay ý Vệ Quán muốn nói gì, nhưng giả vờ làm như hiểu ra nghĩa khác, nổi giận quát: "Ngươi nói bậy bạ gì thế! Say quá rồi phải không?". Rồi gọi thị vệ vực Vệ Quán dậy, lôi ra ngoài. Từ đó, không còn ai dám đề cập đến việc xin thay thái tử nữa.
Tuy vậy, bản thân Tấn Vũ Đế cũng có chút do dự, ông ta muốn thử xem con mình có thật là quá kém cỏi không, liền viết 1 đầu đề, nội dung có mấy vấn đề quốc sự, giao cho thái tử xem rồi nêu ý kiến giải quyết. Vợ của thái tử là Giả Phi, vốn là 1 người đàn bà lanh lợi, thấy đề tập đó, hiểu ngay rằng đây là 1 việc có tầm quan trọng ảnh hưởng tới ngôi hoàng đế của chồng và ngôi hoàng hậu của mình trong tương lai. Bà ta lại càng biết rằng chồng mình không thể làm được, liền mời thầy dạy thái tử tới, yêu cầu ông viết cho 1 đáp án. Thầy dạy thái tử là 1 người có học vấn cao, lập tức vung bút viết 1 bài văn, vận dụng mọi kinh điển nho gia và sử sách cổ kim, lập luận đanh thép, lời văn bay bướm, giải quyết xác đáng những vấn đề mà Tấn Vũ Đế đưa ra, nộp cho thái tử. Giả Phi xem thấy, rất vui mừng, nhưng 1 nội thị trong phủ biết chút chữ nghĩa, thường hầu hạ Giả Phi, vội nhắc nhở: "Kính thưa nương nương, quyển văn này hay thì hay thật, nhưng hoàng thượng rất sáng suốt, Người thừa biết rằng thái tử vốn không giỏi lắm, bây giờ lại viết được thế này thì Người nghi ngờ. Lỡ hoàng thượng sai truy cứu biết rõ sự việc, thì ta tránh sao khỏi tội khi quân. Xin nương nương cẩn trọng, minh xét".
Giả Phi cũng giật mình nói: "Đúng, may mà có ngươi nhắc ta. Quyển văn này hãy tạm cất đi, để thái tử dùng về sau. Bây giờ, thôi thì ngươi cũng là người biết chút chữ nghĩa, ngươi hãy viết cho thái tử một quyển văn khác, cố viết cho khá một chút. Sau này, ngươi sẽ cùng được chung hưởng phú quí".
Viên nội thị liền viết 1 quyển văn khác, tất nhiên là vụng về và thô thiển, rồi đưa cho thái tử chép lại đúng từng chữ, sau đó nộp lên Tấn Vũ Đế. Tấn Vũ Đế xem, thấy bài làm tuy chẳng lấy gì làm hay ho, nhưng cũng trả lời đúng vào được những câu hỏi nêu ra, chứng tỏ đầu óc thái tử không đến nỗi đần độn lắm. Thói đời ai chẳng xót xa, nương nhẹ với con mình, huống gì đây lại là con kế vị của hoàng đế. Vì vậy, Tấn Vũ Đế yên lòng cho qua. Năm 290, Tấn Vũ Đế bị bệnh nặng. Thái tử Tư Mã Trung đã ngoài 30 tuổi. Thông thường, đã 30 tuổi thì hoàn toàn có thể giải quyết được chính sự. Nhưng Tấn Vũ Đế vẫn không yên tâm, liền lập di chiếu, yêu cầu quốc trượng (cha của hoàng hậu) Dương Tuấn và chú mình là Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng cùng phụ chính. Khi Tấn Vũ Đế hấp hối, chỉ có Dương Tuấn có mặt cạnh long sàng.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Fiction HistoriqueMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...