Cuối đời Minh Thần Tông, có 1 viên quan là Cố Hiến Thành, vì mạnh dạn can ngăn thẳng thắn, đắc tội với Thần Tông, bị cách chức. Ông trở về quê nhà ở Vô Tích (nay là Vô Tích, Giang Tô) hợp tác với mấy người bạn cùng chí hướng mở 1 trường học ở cửa đông, đặt tên là Đông Lâm thư viện. thư sinh quanh vùng đó nghe danh ông là người có học vấn cao, liền đua nhau tới Vô Tích nghe ông giảng sách. Cố Hiến Thành rất căm ghét nền chính trị thối nát đương thời, nên trong khi giảng sách, đôi lúc có đề cập tới triều chính và phê phán 1 số đại thần đương thời. Những người nghe giảng đều thấy Cố Hiến Thành là nghị luận xác đáng. Một số đại thần trong triều đồng tình với ông. Tiếng tăm của Đông Lâm thư viện ngày càng lớn. Một số quan liêu quý tộc bị phê phán thì vô cùng căm tức ông. Chúng gọi những người ủng hộ Đông Lâm thư viên Đông Lâm đảng nhân. Khi Minh Hy Tông vừa lên ngôi, 1 số đại thần ủng hộ Đông Lâm đảng nắm quyền, có uy tín nhất trong số đó, phải kể tới Dương Liên và Tả Quang Đẩu.
Một lần, triều đình cử Tả Quang Đẩu tới vùng phụ cận kinh thành tiến hành thị sát, đồng thời phụ trách giám khảo cuộc thi ở đó. Một hôm, gió bấc nổi mạnh, tuyết bay mù mịt. Tả Quang Đẩu uống mấy chén rượu, bỗng nổi hứng, dẫn mấy tùy tòng cưỡi ngựa ra vùng ngoại ô chơi tuyết. Họ tới 1 ngôi chùa cổ, khung cảnh rất u tĩnh, Tả Quang Đẩu liền quyết định vào đó nghỉ 1 lát. Họ xuống ngựa, đẩy cánh cửa khép hờ, bước vào chùa, thì thấy trong gian phòng cạnh hành lang bên trái, có 1 thư sinh đang gục xuống bàn ngủ gà ngủ gật, trên bàn để mấy quyển văn đầy chữ. Tả Quang Đẩu tới gần, cầm lên xem kỹ. Mấy quyển văn đó không những chữ viết đẹp đẽ mà văn chương lại rất hay. Tả Quang Đẩu vừa xem vừa khen thầm. Ông đặt mấy quyển văn xuống, định quay ra, liền chợt nghĩ, ngoài trời đang xuống tuyết lớn, thời tiết rất lạnh mà chàng thư sinh này chỉ có 1 tấm áo mỏng, nằm ngủ dễ bị cảm lạnh lắm. Ông không do dự, cởi ngay tấm áo khoác lông chồn, nhẹ nhàng đắp cho chàng. Tả Quang Đẩu đi ra, khép cửa lại, bảo mấy người tùy tòng tới hỏi các nhà sư, mới biết chàng thư sinh đó tên là Sử Khả Pháp, vừa tới kinh thành chờ dự thi. Ông thầm ghi nhớ lấy cái tên đó. Đến ngày thi, Tả Quang Đẩu vào trong sảnh đường. Một tiểu lại đang đọc to danh sách thí sinh. Khi gọi đến tên Sử Khả Pháp, Tả Quang Đẩu chú ý theo dõi người lên nộp quyển thi, thì thấy đúng là chàng thư sinh trong chùa hôm trước. Trong cuộc thi đó, Sử Khả Pháp được Tả Quang Đẩu lấy đỗ đầu.
Sau kỳ thi, Tả Quang Đẩu tiếp Sử Khả Pháp trong dinh mình, khuyên Sử Khả Pháp nên tiếp tục cố gắng, rồi dẫn vào nhà trong chào Tả phu nhân. Ông khen ngợi Sử Khả Pháp trước Tả phu nhân: "Mấy đứa trong nhà ta đều không có tài. Kế thừa sự nghiệp của tôi sau này, chỉ trông mong vào chàng trai này thôi!".
Từ đó về sau, Tả Quang Đẩu đối đãi với Sử Khả Pháp theo tình thầy trò rất thân mật. Gia đình Sử Khả Pháp rất nghèo, Tả Quang Đẩu bảo chàng tới ở trong dinh mình, tự mình hướng dẫn chàng đọc sách. Có lần, tuy đã làm việc công tới đêm khuya nhưng Tả Quang Đẩu vẫn tới phòng Sử Khả Pháp, 2 người hào hứng trao đổi về học thuật, quên cả ngủ. Tả Quang Đẩu và Dương Liên 1 lòng 1 dạ lo chỉnh đốn lại triều chính. Nhưng Minh Hy Tông là 1 ông vua cực kỳ ngu tối, chỉ nghe theo lời tên hoạn quan nham hiểm là Ngụy Trung Hiền, cho Ngụy Trung Hiền chỉ huy cơ quan đặc vụ - đông xưởng. Dựa vào đặc quyền trong tay, Ngụy Trung Hiền kéo bè kết đảng, mua quan bán tước, làm đủ chuyện xấu xa. Một số quan chức xưa nay vốn chống lại Đông Lâm đảng liền hùa theo Ngụy Trung Hiền. Lịch sử gọi bọn này là "Yêm đảng" (Yêm: thiến, hoạn). Dương Liên phẫn nộ trước hành động của "Yêm đảng" liền mạnh dạn dâng 1 tấu chương vạch ra 24 tội của Ngụy Trung Hiền. tả Quang Đẩu cũng hết lòng ủng hộ ông. Thế là các ông đã rước họa vào thân. Năm 1625, Ngụy Trung Hiền và Yêm đảng của hắn đã cấu kết với nhau công kích Dương Liên, Tả Quang Đẩu là Đông Lâm đảng rồi thuê dệt tội trạng, bắt họ giam vào nhà ngục, dùng cực hình buộc phải cung khai. Sau khi Tả Quang Đẩu bị bắt, Sử Khả Pháp bối rối không biết làm thế nào. Mỗi ngày từ sáng tới chiều, chỉ quanh quẩn trước nhà lao, tìm cơ hội vào gặp thầy dạy của mình. Nhưng Yêm đảng giam giữ Tả Quang Đẩu rất nghiêm ngặt, không cho ai thăm hỏi. Trong nhà ngục, mặc dù chịu mọi cực hình, Tả Quang Đẩu vẫn kiên quyết không khuất phục. sử Khả Pháp nghe nói Tả Quang Đẩu bị tra tấn dã man sắp chết, liền không quản nguy hiểm, đưa 50 lạng bạc cho tên coi ngục, khẩn khoản xin hắn cho vào gặp thầy dạy lần cuối cùng. Xiêu lòng trước mối lợi và lời cầu khẩn khoản, tên cai ngục liền tìm cách giúp ông. Tối hôm đó, Sử Khả Pháp mặc bộ quần áo rách rưới cải trang làm người đi nhặt phân, đi giày cỏ, khoát sọt đựng phân, tay cầm xẻng, đi theo ngục tối vào phòng giam.
Tới phòng giam, Sử Khả Pháp thấy Tả Quang Đẩu ngồi trong 1 góc, khắp người thương tích, mặt đã biến dạng, không nhận ra nổi, chân trái bị gãy lòi xương ra. Sử Khả Pháp thấy vậy, quá đau lòng, tiến tới quỳ xuống ôm Tả Quang Đẩu, khóc ròng. Tả Quang Đẩu mặt mũi sưng vù, không mở được mắt, nhưng nghe tiếng khóc, biết là Sử Khả Pháp. Ông dùng tay cố sức vạch mắt ra, 2 tròng mắt giận dữ như bốc lửa, lớn tiếng mắng: "Đồ ngu xuẩn! Ngươi đã biết đây là nơi thế nào mà còn tìm đến! sự thể đất nước đã đến bước này, ta đã không làm gì được nữa, ngươi lại liều thân tới đây, lỡ chúng phát hiện được thì công việc sau này trông cậy vào ai?".
Sử Khả Pháp vẫn khóc lóc sụt sùi. Tả Quang Đẩu giận dữ nói" "Ngươi không cút ngay ra thì ta cho ngươi chết ở đây, khỏi cần tới bàn tay bọn gian thần nữa!".
Nói xong, ông giơ cao xiềng xích trong tay, làm như sắp bổ xuống đầu Sử Khả Pháp. Sử Khả Pháp không dám nói gì nữa, đành nén đau thương, lui ra. Mấy hôm sau, Tả Quang Đẩu và Dương Liên bị bọn Ngụy Trung Hiền giết hại. Sử Khả Pháp lại bỏ ra 1 món tiền, nhờ ngục tốt giúp đỡ mới nhận được thi thể Tả Quang Đẩu mang về chôn cất. Nhớ lại tình cảnh trong nhà ngục, ông rớt nước mắt nói: "Tấm lòng của thầy ta thật là gan thép".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficción históricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...