MẠNG LƯỚI VẬN CHUYỂN ĐÁ, HOA

601 4 0
                                    

Cao thái hậu chết sau 8 năm cầm quyền, từ đó Tống Triết Tông thân nắm triều chính. Đối với việc tổ mẫu trọng dụng phái bảo thủ, vị hoàng đế trẻ tuổi vốn không ưng ý. Khi tự mình chấp chính, Tống Triết Tông liền trọng dụng lại phái cải cách. Nhưng, cái gọi là "phái cải cách" bây giờ không còn muốn thực lòng cải cách triều chính như Vương An Thạch và các đồng sự  của ông trước kia nữa. Nội bộ phái này chia xẻ 7, tranh quyền đoạt vị liên miên. Một số phần tử cơ hội giương chiêu bài cải cách để mưu cầu lợi ích riêng tư. Tới khi Tống Triết Tông chết, con là Triệu Cát lên nối ngôi, tức là Tống Huy Tông, thì triều chính càng hỗn loạn.

Tống Huy Tông là kẻ chơi bời buông thả nổi tiếng, chỉ mải tìm thú vui chơi, không biết gì đến việc quốc gia. Ông có 1 viên quan tâm phúc là Đồng Quán, khéo đoán ý hoàng đế, chuyên sưu tập các bức thư họa quí về cho hoàng đế thưởng ngoạn. Một hôm, Đồng Quán đến Tô Châu để săn tìm họa phẩm, thì gặp Thái Kinh, là 1 viên quan bất đắc chí. Thái Kinh muốn dựa vào Đồng Quán để tiến thân, liền dẫn Đồng Quán đi săn tìm các bức thư họa quí, đồng thời tặng Đồng Quán mấy bức bình phong và họa phẩm do chính mình sáng tác. Đồng Quán được Thái Kinh giúp đỡ, đem những thứ đó về Đông Kinh, dâng lên Tống Huy Tông và khoe là đã tìm được cho hoàng thượng 1 nhân tài hiếm có. Thái Kinh tới Đông Kinh, đem theo 1 số tay chân giúp hắn hoạt động. 1 viên quan cùng phe cánh tâu với Huy Tông: "Thực hiện tâm pháp là việc lớn, trong các triều thần không có ai làm nổi việc đó. Nếu bệ hạ muốn kế thừa di chí của Thần Tông, thì không thể không sử dụng Thái Kinh".

Viên quan đó còn dâng lên Huy Tông 1 bản danh sách, trong đó viết tên những người thuộc phái bảo thủ ở cột bên phải, những người thuộc phái cải cách ở cột bên trái. Những người được ghi ở cột bên phải đều là các đại thần đương triều, còn ở cột bên trái chỉ có 2 người, trong đó có Thái Kinh. Tống Huy Tông xem, rất ưng ý, lập tức phong Thái Kinh làm tể tướng. Thái Kinh lên cầm quyền, liền giương chiêu bài cải cách, ghép 1 loạt các quan chức chính trực, bất kì là bảo thủ hoặc tán thành cải cách vào 1 tội danh chung, là "gian đảng". Hắn còn xin Tống Huy Tông dựng 1 tấm bia bên ngoài Đoan Lễ Môn ghi tên các thành viên, "gian đảng" gồm 120 người, trong đó có Tư Mã Quang, Văn Ngạn Bắc, Tô Thức, Tô Triệt, gọi chung là "Nguyên Hựu gian đảng" (Nguyên Hựu là niên hiệu thời đầu 1086-1094 của Tống Triết Tông). Những ai đã chết, đều bị xóa quan chức; những ai còn sống, đều nhất loạt bị cách chức, lưu đày. Như vậy, các quan chức chính trực đều bị gạt khỏi triều đình, còn đồng bọn của Thái Kinh cứ dần leo lên các chức vụ cao nhất. Tân pháp của Vương An Thạch, đến tay Thái Kinh thì hoàn toàn biến dạng. Như luật miễn dịch, vốn là làm giảm sự đóng góp lao dịch cho nhân dân. Nhưng bọn Thái Kinh lại không ngừng tăng tiền đóng góp, biến luật này thành biện pháp bóp nặn nhân dân.

Tống Huy Tông và Thái Kinh còn rất mê tín đạo sĩ, ra sức xây dựng Đạo quán. Có 1 đạo sĩ tên là Lâm Linh Tố, nói càn với Tống Huy Tông rằng: trên trời có 9 tầng, tầng cao nhất gọi là thần tiêu, trong cung thần tiêu có Ngọc Thanh Vương, là con cả của Thượng Đế. Tống Huy Tông là con cả Thượng đế giáng trần. Trong cung thần tiêu có 800 tiên quan, Thái Kinh, Đồng Quán đều là các tiên quan tái thế. Những lời lẽ lăng nhăng đó lại làm cho Huy Tông vui mừng. Bọn này dâng Huy Tông 1 tôn hiệu, là Giáo chủ đạo quân hoàng đế. Thế là Huy Tông liền trở thành thủ lĩnh của các đạo sĩ. Tống Huy Tông mê mải theo đuổi cuộc sống hưởng lạc, thối nát. Đồng Quán liền tìm mấy ngàn thợ khéo vùng Tô Châu, Hàng Châu, hàng ngày chế tác mọi đồ điêu khắc từ ngà voi, sừng trâu, vàng bạc, rễ cây và các loại hàng dệt, dâng lên để hoàng đế thưởng ngoạn. Mọi vật liệu dùng để chế tác, đều bắt nhân dân phải nộp. Qua 1 thời gian, Tống Huy Tông thấy chán các thứ đó, muốn tìm kiếm 1 số kì hoa dị thảo để đổi khẩu vị. Để bợ đỡ Tống Huy Tông, Thái Kinh, Đồng Quán liền phái 1 tên lưu manh tên là Chu Miễn đứng ra thành lập 1 tổ chức gọi là "ứng phụng cục" (cơ quan cung ứng để phục vụ hoàng đế) ở Tô Châu, chuyên đi thu thập hoa quí, đá lạ. Dưới quyền Chu Miễn có 1 lũ tay sai thực hiện công việc này. Hễ nghe nói nhà dân nào có loại hoa, cây cảnh quí hoặc thứ đá lạ có hình thù độc đáo, là bọn này dẫn lính tới niêm phong bằng giấy vàng, liệt vào loại phải tiến cống hoàng đế, yêu cầu chủ nhà bảo quản kỹ lưỡng. Nếu để xảy ra hư hỏng, liền bị liệt vào tội "đại bất kính", nhẹ thì phạt tiền, nặng thì bị tù tội. Có những gia đình có cây và đã quá lớn, mang ra không lọt cửa, bọn lính lập tức dỡ nhà, phá tường để đem ra. Bọn quan chức và lính tráng làm công việc này thừa cơ hạch sách nhân dân, đòi cung phụng, đút lót. Những gia đình chẳng may có cây quý, đá lạ thường bị quấy nhiễu đến khuynh gia bại sản, có người phải bán vợ đợ con, lưu lạc khắp nơi.

Chu Miễn tập trung mọi thứ hoa, đá, trưng tập từng đoàn thuyền lớn chở về Đông Kinh. Thuyền bè không đi, chúng huy động cả thuyền chở lương của triều đình và thuyền buôn tư nhân, đổ hết lương thực và hàng hóa trên thuyền đi, xếp hoa, đá vào. Số thuyền lớn như vậy tất nhiên cần đến nhiều phu chèo thuyền và kéo thuyền. Thế là trên các dòng sông, thuyền đi lại như mắc cửi, dân phu ngày đêm vất vả phục vụ công việc chuyên chở. Đội ngũ vận chuyển đó được gọi là "hoa thạch võng" (mạng lưới vận chuyển hoa, đá). Thuyền tới Đông Kinh, Tống Huy Tông thấy các kì hoa dị thạch, vô cùng phấn khởi, liền gia phong quan tước cho Chu Miễn. Càng kiếm được nhiều, quan tước của Chu Miễn càng cao. Số quan liêu quyền quý do đó đều tranh nhau kết thân với Chu Miễn. Mọi người gọi "ứng phụng cục" do Chu Miễn đứng đầu ở Tô Châu, Hàng Châu là "triều đình nhỏ ở đông nam", đủ biết quyền lực của Chu Miễn lớn tới chừng nào.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ