Sau khi diệt triều Liêu, Kim Thái Tông lấy cớ triều Tống thu nhận 1 hàng tướng của Liêu, liền chia quân làm 2 đường, tiến đánh Bắc Tống. Cánh quân phía tây do Tông Hàn (còn có tên Chiêm Hãn) dẫn đầu tiến đánh Thái Nguyên, cánh quân phía đông do Tông Vọng (còn có tên Oát Ly Bất) dẫn đầu đánh Yên Kinh, rồi cùng tiến đánh Đông Kinh. Tin cáo cấp bay tới tấp về triều đình ở Đông Kinh. Kim Thái Tông còn cử sứ giả tới, buộc triều Tống phải dâng đất và xưng thần. Khắp mặt văn võ trong triều sợ hãi không biết làm thế nào, chỉ có Thái thường thiếu khanh (chức quan lo việc lễ nhạc và tế tự) là Lý Cương kiên quyết chủ trương chống lại quân Kim. Cánh quân phía đông của Kim hạ xong Yên Kinh, buộc hàng tướng Tống là Quách Dược Sư dẫn đường, đến thẳng Đông Kinh. Tống Huy Tông thấy tình hình nguy hiểm vừa sợ vừa uất, kéo tay một đại thần nói: "Ôi! Thật không ngờ người Kim lại đối đãi với ta như thế".
Chưa nói xong đã nghẹn cổ, ngất lịm đi. Các đại thần cuống cuồng vực dậy, gọi quan thái y đến cứu. Khi tỉnh lại, Huy Tông bảo đại thần mang giấy bút tới, viết 1 câu "truyền ngôi cho Đông cung", rồi tuyên bố thoái vị. Không lâu sau, ông mang theo 2 vạn thân binh, chạy đi Hào Châu (nay là huyện Hào, An Huy) lãnh nạn.Thái tử Triệu Hoàn lên ngôi, tức là Tống Khâm Tông thăng Lý Cương làm binh bộ thị lang và hạ chiếu sẽ thân chinh đánh Kim. Kỳ thực, Tống Khâm Tông cũng chẳng hơn cha là bao. Sau khi làm bộ hăng hái như thế, ông ta vẫn thấp thỏm, không nêu ra được chủ kiến gì. Quân Tống liên tiếp thua trận, tình hình Đông Kinh trở nên căng thẳng. Hai tể tướng Bạch Thời Trung và Lý Bang Ngạn khuyên Tống Khâm Tông chạy khỏi kinh thành. Bản thân Tống Khâm Tông cũng rất dao động, không biết xử sự ra sao. Lý Cương nghe biết việc đó, lập tức xin triều kiến Tống Khâm Tông, nói: "Thái thượng hoàng (chỉ Tống Huy Tông) truyền ngôi cho hoàng thượng, chính là mong bệ hạ giữ vững được kinh thành, Bệ hạ sao có thể bỏ đây mà đi được?".
Tống Khâm Tông chưa kịp trả lời, tể tướng Bạch Thời Trung đã cướp lời: "Quân địch lớn như thế, sao có thể giữ được?".
Lý Cương bác lại: "Thành trì khắp trong nước, không đâu kiên cố bằng kinh thành. Vả lại, kinh thành là trung tâm của cả nước, văn võ bá quan đều tập trung ở đây. Chỉ cần hoàng thượng đôn đốc việc kháng chiến, thì sao lại không giữ được?".
Một hoạn quan đứng ở bên cũng lảm nhảm rằng thành trì của Đông Kinh không vững chắc, không thể chống nổi cuộc tiến công của quân Kim, Tống Khâm Tông liền sai Lý Cương đi thị sát. Lý Cương đi 1 lát, trở lại nói: "Hạ thần đã xem xét, lầu thành vừa cao vừa chắc, hào quanh thành tuy có cạn và hẹp, nhưng nếu ta bố trí tinh binh có cung nỏ mạnh, thì không lo gì không giữ được!". Sau đó, ông còn đề xuất nhiều biện pháp phòng thủ, xin Tống Khâm Tông duy trì đoàn kết quân dân chung sức giữ thành, đợi viên quân các nơi đến, sẽ tổ chức phản công.
Tống Khâm Tông còn hơi do dự, nói: "Vậy thì, ai có thể đảm đương trọng trách giữ thành?".
Lý Cương nhìn lướt các đại thần, rồi nói: "Thời bình, nhà nước dùng chức cao bổng hậu để đãi ngộ các quan, chính là để mọi người ra sức vào lúc nguy cấp này. Các vị tể tướng Bạch Thời Trung, Lý Bang Ngạn nên đứng ra đảm đương trách nhiệm giữ thành".
Bạch Thời Trung, Lý Bang Ngạn đứng bên, nghe nói thế thì hoảng sợ, trắng bệch cả mặt. Bạch Thời Trung giận dữ vặc lại: "Lý Cương! Sao ông lạ thế? Bản thân ông có biết giữ thành không?".
Lý Cương ung dung nói: "Nếu bệ hạ không cho là thần thiếu năng lực, trao cho thần nhiệm vụ chỉ huy quân đội giữ thành, thì thần xin tình nguyện đem tính mạng ra báo đáp quốc gia!".
Tống Khâm Tông thấy thái độ Lý Cương kiên quyết như vậy, liền trao cho ông phụ trách toàn bộ công việc phòng thủ. Bọn Bạch Thời Trung và 1 số hoạn quan vẫn chưa từ bỏ ý định khuyên Khâm Tông rút chạy, nên khi Lý Cương vắng mặt, chúng lại xúm vào khuyên khiến Khâm Tông dao động, xiêu lòng. Sáng hôm sau, khi Lý Cương vào triều, đã thấy cấm quân xếp hàng 2 bên đường, ngựa xe, nghi trượng đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ đợi Khâm Tông lên xe là xuất phát. Lý Cương đùng đùng nổi giận lớn tiếng hỏi các tướng sĩ cầm quân: "Rút cuộc lại, các ngươi muốn bảo vệ kinh thành muốn bỏ chạy?".
Các tướng sĩ đồng thanh đáp: "Xin tình nguyện bảo vệ kinh thành!".
Lý Cương và các tướng lĩnh cấm quân cùng nhau vào cung, tâu với Tống Khâm Tông: "Gia đình của các tướng sĩ cấm quân đều ở kinh thành. Họ không muốn bỏ đây mà đi. Nếu buộc họ đi, vạn nhất trên đường họ trốn trở lại, kẻ địch đuổi tới, thì ai sẽ bảo vệ hoàng thượng?".
Tống Khâm Tông thấy bỏ chạy cũng nguy hiểm, mới bất dĩ phải ở lại. Lý Cương lập tức trở ra, tuyên bố với mọi người: "Hoàng thượng đã quyết định ở lại giữ kinh thành. Từ nay ai còn dám đề xuất việc bỏ chạy, sẽ nhất luật xử trảm!". Binh lính nghe nói thế, đều cảm động hoan hô vang dậy.
Sau khi giữ được Khâm Tông ở lại, Lý Cương liền tích cực phòng thủ, bố trí binh lực mạnh xung quanh thành, có các loại vũ khí phòng thủ, đồng thời phái tinh binh ra giữ kho lương thực ngoài thành, đề phòng địch đánh lén. Ba ngày sau, Tông Vọng đã dẫn quân Kim đến chân thành. Họ dùng mấy thuyền chở chất cháy, đi từ thượng lưu xuống, chuẩn bị hảo công vào Tuyên Trạch Môn. Lý Cương chiêu mộ 2000 quân cảm tử, dàn ra dưới thành chống lại. Thuyền quân Kim vừa tới, binh sĩ dùng câu liêm giữ chặt, không cho tiếp cận chân thành. Lý Cương còn sai binh sĩ ném đá lớn xuống hỏa thuyền, khiến nhiều thuyền bị chìm, rất nhiều quân Kim rớt xuống nước. Tông Vọng thấy Đông Kinh phòng thủ kiên cố, không dễ gì hạ được ngay, liền thông tri cho Bắc Tống, đồng ý nghị hòa. Tống Khâm Tông và bọn Lý Bang Ngạn đã muốn hòa từ lâu, lập tức phái sứ giả sang trại Kim thảo luận về điều kiện giảng hòa.
Tông Vọng đưa ra nhiều điều kiện khắt khe, đồng thời tiếp tục đánh thành. Lý Cương trèo lên lầu thành, thân chỉ huy việc chống trả. Quân Kim dùng vân thê (1 loại thang dài) toan xông lên mặt thành. Lý Cương hạ lệnh cho cung nỏ bắn mạnh, quân Kim rụng xuống chồng chất dưới chân thành. Lý Cương liền ra lệnh cho mấy trăm dũng sĩ dùng dây leo xuống chân thành, đốt cháy vân thê của quân Kim, giết chết mấy chục tướng Kim. Quân Kim vừa bị giết, vừa chết chìm dưới hào, nhiều không kể xiết. Trong lúc Lý Cương chỉ huy tướng sĩ liều mạng chống địch, thì sứ giả Tống trở về, mang theo những điều kiện giảng hòa của phía Kim.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...