BẢY LẦN BẮT MẠNH HOẠCH
Tiên chủ Lưu Bị của Thục Hán khi lâm bệnh nặng, liền triệu Gia Cát Lượng từ Thành Đô tới, dặn dò công việc về sau. Lưu Bị nói: "Tài năng của thừa tướng gấp mười lần Tào Phi, nhất định sẽ cai quản tốt đất nước. Con ta là A Đẩu (tên lúc nhỏ của Lưu Thiền) tài hèn, nếu thừa tướng thấy giúp được thì giúp, nếu không thì thừa tướng cứ tự mình giành lấy ngôi vị làm chủ đất nước này".
Gia Cát Lượng giật mình kinh sợ, chảy nước mắt, dập đầu nói: "Thần chịu ơn tri ngộ của bệ hạ, đâu dám không hết lòng hết sức phò tá hậu chủ để báo đáp lại bệ hạ, đến chết mới thôi".
Lưu Bị gọi con nhỏ là Lưu Vinh tới bên mình, căn dặn: "Ta chết đi, anh em con phải tôn kính thừa tướng như cha mới được. Mọi việc phải nhất nhất nghe theo lời thừa tướng".
Sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng trở về Thành Đô, phò tá Lưu Thiền lên kế vị. Lịch sử gọi Lưu Thiền là Thục Hán hậu chủ. Lưu Thiền lên ngôi, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều giao cho Gia Cát Lượng quyết định. Gia Cát Lượng tận tụy làm việc, mong phục hồi lại sức mạnh của Thục Hán. Không ngờ tại vùng Nam Trung (nay là vùng từ sông Đại Độ trở về phía nam thuộc tỉnh Tứ Xuyên và vùng Vân Nam, Quí Châu) lại xảy ra cuộc nổi loạn ở mấy quận. Một cường hào ở Ích Châu là Ung Khải nghe tin Lưu Bị chết, liền giết thái thú Ích Châu và nổi loạn. Hắn 1 mặt cử người sang đưa thư đầu hàng Đông Ngô, 1 mặt lôi kéo thủ lĩnh dân tộc thiểu số ở vùng Nam Trung là Mạnh Hoạch, xúi giục Mạnh Hoạch lôi kéo thêm một số bộ tộc khác cùng chống lại Thục Hán. Bắt chước Ung Khải, thái thú Tường Kha (nay là vùng Tuân Nghĩa, Quí Châu) là Chu Bảo và một tù trưởng bộ tộc thiểu số là Cao Định cũng hưởng ứng cuộc nổi loạn. Tình hình đó có nguy cơ khiến Thục Hán mất gần nửa đất đai, khiến Gia Cát Lượng vô cùng lo lắng.
Nhưng lúc đó Thục Hán vừa thua trận Hào Đình và Lưu Bị mới mất, nên không thể xuất binh. Gia Cát Lượng phải cử người sang giảng hòa với Đông Ngô để giữ yên phía đông. Một mặt ra sức phát triển sản xuất, xây dựng công trình thủy lợi, tích trữ lương thảo, huấn luyện binh mã. Qua 2 năm, tình hình mọi mặt đều khởi sắc, Gia Cát Lượng quyết định dẫn quân nam chinh. Năm 225, tháng 3, Gia Cát Lượng dẫn đại quân xuất phát. Mã Tốc là em ruột Mã Lương, vốn là 1 bạn tốt của Gia Cát Lượng, tiễn theo mấy chục dặm trường. Trước lúc chia tay, Gia Cát Lượng nắm tay Mã Tốc nói: "Ta với tôn huynh và tướng quân quen biết và cộng tác với nhau đã lâu, nay ta đem quân nam chính, tướng quân có ý kiến gì hay góp với Lượng này không?".
Mã Tốc nói: "Người vùng Nam Trung dựa vào địa hình hiểm yếu, lại xa kinh thành, từ lâu đã có ý không tuân theo triều đình, dù ta có cùng đại quân đánh bại được họ thì sau đó, họ vẫn cứ nổi dậy. Tôi nghe nói phép dùng binh chủ yếu là đánh vào lòng người, còn đánh thành là thứ yếu. Lần này thừa tướng nam chinh, nhất định phải làm sao khiến họ tâm phục thì mới mong chỉ vất vả một lần mà yên tâm mãi mãi".
Lời Mã Tốc hoàn toàn trùng hợp với ý Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng gật đầu nói: "Cám ơn tướng quân đã khuyên bảo. ta nhất định sẽ làm như thế".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
HistoryczneMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...