TRẬN ĐÁNH DỤ ĐỊCH Ở MÃ ẤP
Hai đời Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế đều áp dụng chính sách vỗ về dân chúng. Trong hơn 60 năm, từ một thời gian ngắn có loạn 7 nước, còn không xảy ra chiến tranh lớn. Do đó, nền kinh tế được khôi phục và phát triển. Theo nói lại, ở cuối đời Cảnh Đế, tiền đồng tích trong kho không biết có tới bao nhiêu vạn, dây xâu tiền đều mục nát hết, lương thực trong kho ăn không hết, hàng năm lại chồng chất thêm, tràn ngập cả ra ngoài kho, thậm chí cũng bị thối mục. Lịch sử gọi thời kì đó là "Văn Cảnh chi trị" (Cảnh thịnh trị đời Văn Đế, Cảnh Đế).
Nhưng Hán triều cường thịnh mà vẫn bị quân Hung Nô ở phương bắc uy hiếp. Từ sau khi Hán Cao Tổ vây ở núi Bạch Đăng, triều Hán vẫn áp dụng chính sách hòa thân với Hung Nô. Loại hòa thân này trên thực tế là một loại thỏa hiệp, không những phải đem con gái trong hoàng thất nhà Hán gả cho thiền vu Hung Nô, mà hàng năm còn phải tặng cho Hung Nô nhiều tiền của. Mặc dù đã làm như vậy, Hung Nô vẫn thường xuyên xâm phạm Trung nguyên, giết hại dân chúng, cướp bóc lương thực và bò dê, khiến vùng phía bắc chẳng lúc nào yên.
Sau khi Hán Cảnh Đế chết, Hán Vũ Đế Lưu Triệt lên ngôi. Đây là một ông vua có tài năng và hoài bão lớn, quyết tâm làm thay đổi tình hình lúc đó. Năm 135 TCN, thiền vu Quân Thần của Hung Nô lại phái sứ giả đến yêu cầu hòa thân. Hán Vũ Đế yêu cầu các đại thần bàn bạc. Tướng Vương Khôi nói: "Trước kia, triều đình cùng Hung Nô hòa thân nhưng Hung Nô không bao giờ tuân thủ minh ước, vẫn cứ xâm phạm biên giới. Ta cần đem quân chinh phạt chúng".
Rất nhiều đại thần phản đối ý kiến của Vương Khôi. Hán Vũ Đế thấy chưa quyết định được nên tạm thời vẫn giữ mối hòa thân với Hung Nô. Hai năm sau, ở Mã Ấp có một đại thương nhân là Nhiếp Nhất, đến tìm Vương Khôi nói: "Quân Hung Nô thường đến xâm phạm biên giới, là nguồn gốc gây tai họa. hiện nay, nhân dịp đang hòa thân, dụ chúng vào rồi phục kích, thì nhất định sẽ thắng lớn".
Vương Khôi hỏi: "Ông có biện pháp gì để dụ chúng?"
Nhiếp Nhất nói: "Tôi thường buôn bán trên biên giới, người Hung Nô đều quen biết tôi. Tôi lấy cớ vì lợi ích buôn bán, giả vờ hiến Mã Ấp cho chúng. Thiền vu ham được tiền của của Mã Ấp, nhất định sẽ đến. Chúng ta mai phục đại quân ở vùng phụ cận, chỉ cần đợi thiền vu tới Mã Ấp, tướng quân có thể đem quân chặn đường về để bắt sống thiền vu".
Vương Khôi tâu với Hán Vũ Đế về ý kiến của Nhiếp Nhất. Hán Vũ Đế quyết tâm thực hiện kế của Nhiếp Nhất, liền phái các tướng Vương Khôi, Hàn An Quốc, Công Tôn Hạ, Lý Quảng đem 30 vạn quân mai phục trong hẻm núi gần Mã Ấp. Nhiếp Nhất cố ý chạy sang Hung Nô, nói với thiền vu: "Tôi có biện pháp trà trộn vào Mã Ấp, giết chết quan lại ở đó. Như vậy có thể dễ dàng chiếm được Mã Ấp".
Thiền vu Quân Thần nghe nói thế thì rất mừng, nhưng hơi nghi ngờ, liền phái mấy người tâm phúc theo Nhiếp Nhất về Mã Ấp, đợi nếu Nhiếp Nhất giết các quan lại ở đó thật, thì sẽ phái quân đội sang. Nhiếp Nhất về tới Mã Ấp, theo kế hoạch đã bàn với Vương Khôi, đem giết mấy tên tù phạm đã bị ghép vào tử tội, rồi bêu đầu ngoài cửa thành, bảo sứ giả Hung Nô đến xem, nói dối đó là đầu các quan lại của Mã Ấp. Sứ giả Hung Nô thấy đầu người, tin là thực, lập tức về báo với thiền vu Quân Thần. Thiền vu Quân Thần dẫn 10 vạn kỵ binh đi tiếp quản Mã Ấp. Đi tới Vũ Châu (nay là huyện Tả, Vân Sơn Tây) cách Mã Ấp khoảng 100 dặm, chỉ thấy trên thảo nguyên có rất nhiều gia súc, nhưng không có người chăn thì sinh nghi. Lúc đó, Quân Thần thấy phía trước có một chòi canh, liền đánh chiếm chòi đó để hỏi tình hình. Chiếm được chòi, Quân Thần dọa người phụ trách chòi gác: nếu không khai thực tình hình thì sẽ chém đầu.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficção HistóricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...