Quân Nguyên thừa thắng tiến xuống miền nam, tới sát Lâm An. Hoàng đế Triệu Hiển mới 4 tuổi, chỉ ngồi làm bù nhìn. Tổ mẫu của hoàng đế là Tạ thái hậu bàn bạc với các đại thần, gấp rút hạ chiếu gọi quân các địa phương về cứu triều đình. Chiếu thư đã gửi đi, nhưng không mấy người hưởng ứng, chỉ có quan cai trị Cống Châu là Văn Thiên Tường và tướng giữ Ảnh Châu (nay là Chung Tường, Hồ Bắc) là Trương Thế Kiệt lập tức khởi binh. Văn Thiên Tường là anh hùng dân tộc nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người ở Lư Lăng, Cát Châu (nay là Cát An, Giang Tây), từ nhỏ đã ham đọc truyện ký về các trung thần liệt sĩ trong lịch sử , quyết tâm học tập noi gương họ. Năm 20 tuổi, ông tới Lâm An tham gia khoa thi tiến sĩ. Trong quyển thi, ông hùng hồn nêu rõ chủ trương cứu nước của mình, được các quan chấm thi tán thưởng, lấy đỗ trạng nguyên.
Sau khi được làm quan trong triều, ông phát hiện Giả Tự Đạo và 1 số hoạn quan chỉ là lũ gian thần hại dân, hại nước. Một lần, khi quân Mông Cổ tiến đánh, hoạn quan Đổng Tống Thần khuyên vua Tống bỏ Lâm An rút chạy. Văn Thiên Tường liền dâng sớ, xin chém ngay Đổng Tống Thần để yên lòng dân. Vì việc đó, ông bị cách chức. Sau, ông lại được điều về kinh giữ việc khởi thảo chiếu thư, nhưng vì Giả Tự Đạo, bị buộc phải về hưu vào năm 37 tuổi. Mãi tới khi triều Tống đứng trước nguy cơ diệt vong, ông mới được gọi ra làm quan cai trị Cống Châu. Nhận được chiếu thư của triều đình, Văn Thiên Tường lập tức chiêu mộ 3 vạn người ngựa, chuẩn bị tiến về Lâm An. Có người khuyên ông: "Nay quân Nguyên ào ạt đánh vào, ngài lại mang số ít người ngựa mới chiêu mộ được ra chống lại, có khác gì xua đàn dê ra đánh nhau với mãnh hổ, rõ ràng là sẽ thất bại. Sao lại gánh lấy cái vạ đó?".
Văn Thiên Tường thản nhiên đáp lại: "Điều đó sao tôi lại chẳng biết. Nhưng nhà nước nuôi quân trong bao nhiêu năm nay, nay Lâm An nguy cấp mà không có một người lính nào mang sức ra giúp nước thì thật là đau lòng! Ta biết rõ lực lượng của mình có hạn, nhưng tình nguyện hiến thân vì nước. Chỉ mong người trung nghĩa trong thiên hạ thấy được như thế mà cùng dấy lên, người đông thế mạnh, thì mới có hy vọng cứu nước được".
Văn Thiên Tường gạt bỏ mọi trở ngại, dẫn quân tới Lâm An. Hữu thừa tướng Trần Nghi Trung phái ông tới Bình Giang (nay là Tô Châu, Giang Tô) phòng thủ. Lúc đó, thống soái Bá Nhan của triều Nguyên đã dẫn quân vượt Trường Giang, chia quân làm 3 cánh tiến công Lâm An. Một cánh trong đó xuất phát từ Kiến Khang, vượt qua Bình Giang, nhằm thẳng Độc Tùng Quan (nay là Dư Hàng, Triết Giang). Trần Nghi Trung lại ra lệnh cho Văn Thiên Tường lui giữ Độc Tùng Quan. Văn Thiên Tường rời khỏi Bình Giang thì Độc Tùng Quan đã bị quân Nguyên đánh chiếm, muốn quay trở lại Bình Giang, thì Bình Giang cũng đã mất rồi. Văn Thiên Tường rút về Lâm An, bàn bạc với Trương Thế Kiệt từ Ảnh Châu tới, rồi kiến nghị với triều đình xin cho tập trung toàn bộ lực lượng quyết tử chiến với quân Nguyên. Nhưng Trần Nghi Trung nhát gan, nhất định không đồng ý kế hoạch đó. Bá Nhan đem quân tới Cao Đình Sơn, cách Lâm An chỉ có 30 dặm. Một số đại thần hèn nhát, bao gồm cả Tả thừa tướng Lưu Mộng Vân liền bỏ trốn. Tạ thái hậu và Trần Nghi Trung vô cùng hoảng hốt, vội phái 1 viên quan mang quốc ấn và biểu đầu hàng tới trại quân Nguyên. Bá Nhan yêu cầu thừa tướng Nam Tống phải tự đến bàn. Trần Nghi Trung sợ bị giữ lại, không dám tới trại quân Nguyên, nên vội chạy xuống miền nam. Trương Thế Kiệt không chịu đầu hàng, nổi giận dẫn quân lên thuyền đi ra biển. Tạ thái hậu không biết làm thế nào, đành phong Văn Thiên Tường giữ chức Hữu thừa tướng thay cho Trần Nghi Trung, và yêu cầu ông tới trại quân Nguyên đàm phán việc đầu hàng. Văn Thiên Tường đồng ý tới trại quân Nguyên nhưng có tính toán riêng. Ông dẫn phái đoàn gồm các đại thần Ngô Kiên, Giả Dư Khánh tới trại Nguyên. Khi gặp Bá Nhan, Văn Thiên Tường không hề đề cập tới việc cầu hòa, mà nghiêm chỉnh chất vấn: "Rút cuộc, các ông muốn hòa hảo hay cố ý tiêu diệt Tống?".
Bá Nhan nói: "Ý của hoàng thượng chúng tôi rất rõ ràng, không hề muốn tiêu diệt triều Tống!".
Văn Thiên Tường nói: "Nếu như vậy thì xin các ông rút quân đội về Bình Giang hoặc Gia Hưng. Nếu các ông nhất định muốn tiêu diệt chúng tôi, thì quân dân miền nam sẽ chiến đấu đến cùng, các ông vị tất sẽ được lợi gì đâu".
Bá Nhan sầm mặt, đe dọa: "Nếu các ngươi không ngoan ngoãn đầu hàng, chúng ta sẽ không tha!".
Văn Thiên Tường hiên ngang nói: "Ta đường đường là tể tướng triều Tống. Nay nước nhà nguy hiểm, ta đã chuẩn bị lấy cái chết để báo đáp quốc gia; dù có rừng đao biển lửa, ta đâu có sợ!".
Giọng nói vang rền, lời lẽ nghiêm trang của Văn Thiên Tường trước Bá Nhan khiến các quân Nguyên đứng xung quanh sửng sốt, kính phục. Sau cuộc gặp, Bá Nhan cho các sứ thần khác về tâu với Tạ thái hậu, nhưng giữ Văn Thiên Tường lại. Biết Bá Nhan có ý xấu, Văn Thiên Tường kháng nghị. Bá Nhan làm ra vẻ không có chuyện gì, nói: "Ngài đừng nóng, việc lớn giữa hai nước cần có ngài ở lại để tiếp tục thương lượng".
Ngô Kiên, Giả Dư Khánh về Lâm An, tâu lại với Tạ thái hậu về việc Văn Thiên Tường cự tuyệt đầu hàng. Tạ thái hậu quyết đầu hàng, nên thay Giả Dư Khánh làm hữu thừa tướng, phái tới trại Nguyên xin hàng. Văn Thiên Tường nổi giận chửi mắng Giả Dư Khánh thậm tệ, nhưng việc đầu hàng không thể thay đổi được nữa. Năm 1276, Bá Nhan đưa quân vào chiếm Lâm An, Tạ thái hậu và Triệu Hiển ra khỏi cung xin hàng. Quân Nguyên áp giải Triệu Hiển về Đại Đô (nay là Bắc Kinh). Văn Thiên Tường cũng bị giải về Đại Đô. Trên đường, ông luôn tìm cách trốn thoát khỏi tay địch. Khi qua Trấn Giang, ông bàn với mấy người tùy tòng, nhân lúc quân Nguyên không chú ý, trốn khỏi trại Nguyên, lên 1 chiếc thuyền nhỏ đi tới Chân Châu. Tướng giữ Chân Châu là Miêu Tái Thành thấy Văn thừa tướng tới thì rất phấn khởi, vội mở cửa thành đón vào. Miêu Tái Thành được Văn Thiên Tường cho biết Lâm An đã thất thủ, liền tỏ ý tình nguyện theo Văn Thiên Tường, cùng thu thập binh lực vùng đông tây Hoài Hà để chống lại quân Nguyên. Văn Thiên Tường vừa kịp mừng thì tướng chỉ huy giữ Dương Châu, kiêm chủ soái quân Tống là Lý Đình Chi vì tin theo lời gièm, cho là Văn Thiên Tường đã đầu hàng, được quân Nguyên phái tới Chân Châu làm nội ứng, nên hạ lệnh cho Miêu Tái Thành bắt ông giết đi. Miêu Tái Thành không tin rằng Văn Thiên Tường có thể là kẻ phản bội, nhưng không dám làm trái lệnh của Lý Đình Chi, đành cho ông xem lệnh của Lý Đình Chi rồi bảo ông mau trốn đi. Văn Thiên Tường toan đến Dương Châu trình bày, nhưng tới ngoài thành, thấy yết thị treo thưởng cho người bắt được mình thì không dám vào thành nữa.
Ông phải thay đổi tên họ, cùng 12 người tùy tòng cải trang đi theo đường nhỏ, ra phía biển, tìm thuyền đưa về miền nam. Dọc đường, ông bắt gặp 1 toán quân Nguyên, nhưng nhờ tránh được vào bờ thành đất, không bị phát hiện. Trải qua nhiều ngày đêm lặn lội khổ cực, được sự giúp đỡ của nông dân địa phương, Văn Thiên Tường tới được Ôn Châu. Tới đây, ông nghe tin Trương Thế Kiệt và Trần Nghi Trung đã lập hoàng đế mới ở Phúc Châu, liền quyết định tìm tới Phúc Châu.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Fiction HistoriqueMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...