Sau khi tân chính do Phạm Trọng Yên đề xướng bị thất bại, triều đình Bắc Tống ngày càng thối nát. Đặc biệt là tại phủ Khai Phong thuộc kinh thành, nạn tham ô, hối lộ, lộng quyền của các đại thần quyền quý lại càng đặc biệt nghiêm trọng. Các hoàng thân quốc thích trắng trợn, không coi phép nước ra gì. Tới khi Bao Chửng đảm nhiệm chức tri phủ Khai Phong thì tình hình này mới thay đổi được chút ít. Bao Chửng là người vùng Hợp Phì thuộc Lư Châu (nay là Hợp Phì, An Huy), từng làm huyện lệnh huyện Thiên Trường. Một lần, trong huyện xảy ra 1 vụ án: 1 nông dân ban đêm buộc bò trong chuồng, đến sáng thấy bò nằm ngay dưới đất, miệng đầy máu. Vạch miệng bò ra xem, thì thấy lưỡi đã bị cắt đứt. Người nông dân đó vừa tức giận vừa đau xót, liền lên huyện tố cáo, xin Bao Chửng giúp tìm ra kẻ đã cắt lưỡi bò.
Vụ án khó khăn không đầu mối này làm thế nào để tìm tra ra đây? Bao Chửng suy nghĩ 1 lát rồi bảo người nông dân: "Anh khoan làm ầm ĩ về vụ này. Hãy trở về làm thịt con bò đó rồi ra sẽ nói sau".
Nông dân xưa nay vốn rất quý bò này, không đành lòng giết bò. Vả lại, theo pháp luật hiện hành, thì không ai được tự tiện giết bò cày. Nhưng suy đi tính lại, con bò đã bị cắt lưỡi cũng chẳng thể sống được bao lâu nữa, và quan đã bảo giết, thì không còn sợ phạm pháp. Người nông dân đó trở về, quả nhiên ngả bò ra giết. Ngay hôm sau, nha môn huyện Thiên Trường có 1 người cáo giác tội tự tiện giết bò của người nông dân nọ. Bao Chửng gọi người tố cáo vào, rồi đập bàn quát lớn: "Tên này to gan thật. Ngươi cắt lưỡi bò của người ta rồi lại còn dám tới đây để tố giác sao?".
Kẻ tố giác nghe thấy thế sợ hãi ngay ra không cãi được, vội dập đầu thành thật nhận tội lỗi. Thì ra kẻ cắt lưỡi bò vốn có hiềm khích với người nông dân kia, nên đã lẻn vào cắt lưỡi bò rồi lại đi tố giác người đó tự tiện giết bò cày, vi phạm lệnh cấm. Sau vụ đó, Bao Chửng trở nên nổi tiếng vì tài xử án. Sau khi làm quan địa phương ở mấy nơi, đến chỗ nào, Bao Chửng cũng phế bỏ việc lạm thu thuế má, giải quyết các vụ án oan. Sau đó, ông được điều về kinh thành làm gián quan, đề xuất nhiều kiến nghị hay lên triều đình. Tống Nhân Tông muốn chỉnh đốn trật tự ở phủ Khai Phong nên điều Bao Chửng ra làm tri phủ Khai Phong. Phủ Khai Phong là nơi tập trung hoàng thân quốc thích và thế lực hào môn quyền quý. Trước đây, ai làm quan ở đó, cũng đều thông đồng với giới quyền quý, nhận hối lộ va bao che mọi hành động ngang ngược của chúng. Bao Chửng nhận chức, quyết tâm chấn chỉnh lại thói hủ bại đó. Theo quy định của triều Tống, ai muốn đến cáo giác ở nha môn, trước tiên phải nhờ người viết đơn, rồi nhờ bọn thơ lại chuyển lên tri phủ. Bọn thầy cò và lưu manh liền lợi dụng việc đó để vòi tiền. Bao Chửng bỏ quy định đó, cho phép nhân dân hễ có điều gì muốn tố giác, có thể gióng trống ở cổng phủ. Cứ có tiếng trống, là cửa phủ mở rộng để mọi người tiến vào trực tiếp tố cáo. Như vậy, bọn thơ lại không thể vòi tiền người dân được nữa.
Một năm, phủ Khai Phong bị nước sông dâng cao, vì dòng sông Huệ Dân bị nghẽn, nước không tiêu nhanh được. Bao Chửng điều tra, thấy nguyên nhân làm cho dòng sông bị nghẽn là do 1 số hoạn quan và nhà quyền quý xâm chiếm đất đai, xây dựng vườn hoa và lầu các, ngăn cản dòng chảy. Bao Chửng lập tức hạ lệnh, yêu cầu các phủ vườn phải dỡ bỏ mọi kiến trúc xâm phạm đến dòng sông. Một số nhà quyền quý không chịu dỡ, phủ Khai Phong liền cử người đến đốc thúc. Bọn này bướng bỉnh, đưa ra 1 số giấy tờ bịa đặt, nói đất đó là gia sản do tổ tiên để lại. Bao Chửng điều tra kĩ càng, phát hiện những tờ giấy đó là giả mạo. Ông nổi giận, buộc những kẻ đó phải lập tức phá vườn hoa, đồng thời viết sớ tấu dâng lên Tống Nhân Tông. Bọn đó thấy chuyện trở thành lớn, sợ Nhân Tông cho điều tra thì sẽ bất lợi, đành phải dỡ bỏ vườn hoa. Bọn quý tộc thấy Bao Chửng là việc nghiêm minh, đều sợ hãi không dám hoành hành ngang ngược nữa. Có kẻ muốn mua chuộc Bao Chửng, đưa lễ vật tới đút lót, nhưng mọi người đều khuyên: đừng mơ tưởng điều đó, Bao Chửng xưa nay vốn nổi tiếng thanh liêm. Khi ông ta làm quan ở Đoan Châu (nay là Triệu Khánh, Quảng Đông) là nơi chuyên sản xuất nghiên mực, 1 số đặc sản nổi tiếng. Hoàng cung quy định, hàng năm quan địa phương phải nộp 1 số nghiên mực cho triều đình sử dụng. Một số quan địa phương lấy cớ nộp cống vật cho triều đình, thường bắt dân nộp dư ra, dùng làm đồ biếu xén cho các đại thần. Số nghiên mực bị nộp thêm nhiều gấp hàng chục lần số phải tiến vào cung vua. Khi Bao Chửng đến Đoan Châu làm quan, chỉ thu đủ số tiến vua, không thu thêm 1 chiếc nào. Suốt thời kì ở đó, trước sau ông không hề lấy riêng 1 chiếc nghiên nào cho mình.
Nghe chuyện đó, kẻ đút lót biết không thể lợi dụng được Bao Chửng, đành bỏ ý định đó. Từ đó, dân khắp phủ Khai Phong không ai không biết Bao Chửng là 1 quan thanh liêm. Dân gian lưu truyền câu ca dao: "Đừng hòng đút lót hai nơi; một là Bao Chửng, hai thời Diêm Vương".
Bao Chửng cũng rất nghiêm khắc với thân thích bạn bè. Có người thân muốn dựa thế ông để mưu cầu việc riêng, nhưng ông không hề chiếu cố. Sau này, thân thích bạn bè biết tính ông, không ai dám tìm đến nhờ vả nữa. Tống Nhân Tông rất quý trọng Bao Chửng, thăng ông lên chức Khu mật phó sứ. Ông làm quan to, nhưng sinh hoạt gia đình rất giản dị, như người dân bình thường. 5 năm sau, ông bị bệnh mất, để lại di chúc: con cháu đời sau nếu làm quan mà tham ô thì không được phép về nhà, khi chết đi không được chôn trong khu phần mộ của nhà họ Bao.
Vì suốt cuộc đời Bao Chửng làm quan thanh liêm, nên không những lúc còn sống được nhân dân ca ngợi; mà khi mất đi, mọi người vẫn tôn sùng, coi như 1 mẫu mực về quan thanh liêm, tôn xưng ông là "Bao Công" hoặc gọi ông là "Bao Đãi chế", "Bao Long đồ" (quan tước của Bao Chửng lúc còn sống là Thiên Chương Các đãi chế và Long Đồ Các học sĩ). Trong dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện về Bao Công mặt sắt vô tư, dám chống lại bọn quyền quý. Người ta còn xây dựng tiểu thuyết và kịch bản về Bao Công xử án. Tuy đại đa số trong đó là những chuyện hư cấu, nhưng điều đó cũng phản ánh lòng kính mộ của dân gian với 1 vị quan thanh liêm, chính trực.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Fiction HistoriqueMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...