Sau khi Tùy Văn Đế thống nhất đất nước, liền áp dụng các biện pháp củng cố nền chính trị, như cải cách quan chế, binh chế, lập chế độ khoa cử, tuyển dụng các quan chức có năng lực, trừng phạt nghiêm khắc tham quan ô lại. Tùy Văn Đế còn sai sửa đổi hình luật, phế bỏ những hình phạt tàn khốc. Đó vốn là 1 việc tốt, nhưng bản thân Tùy Văn Đế lại không làm theo hình luật đã sửa đó, mà thường khi nổi giận thì tùy tiện hạ lệnh giết người, không theo các qui định do luật đề ra. Tình hình đó gây khó xử cho các quan chức tòa Đại lý (cơ quan phụ trách về tư pháp). Đại lý thiếu khanh Triệu Xước thấy trách nhiệm của mình là bảo vệ pháp luật, nên thường có ý kiến trái với ý Tùy Văn Đế.
Tùy Văn Đế từng hạ lệnh cấm sử dụng những đồng tiền không phù hợp tiêu chuẩn do luật qui định. Một lần, trên đường phố phường ở Đại Hưng (thành phố triều Tùy, nay là Tây An, Thiểm Tây) có người đem tiền nhẹ đổi lấy tiền đủ tiêu chuẩn, bị tố giác bắt giải đến nha môn. Tùy Văn Đế nghe tin có kẻ dám phạm vào lệnh cấm của mình thì nổi nóng, hạ lệnh đem chém cả 2 người. Triệu Xước nhận được lệnh, vội vào cung xin tiếp kiến Tùy Văn Đế và nói: "Hai người đó phạm vào lệnh cấm, theo hình luật chỉ có thể đánh trượng, chứ không nên xử tử".
Tùy Văn Đế bực bội nói: "Đó là lệnh của trẫm, không phải việc của khanh".
Triệu Xước nói: "Bệ hạ đã không ngại thần ngu muội, cho thần làm quan Đại lý. Nay gặp phải việc giết người không theo đúng luật pháp, sao có thể nói là không phải việc của thần?".
Tùy Văn Đế nổi giận đùng đùng, nói: "Ngươi toan lay động đại thụ chăng? Đại thụ không lay động được đâu, ngươi hãy cút đi!"
Triệu Xước nói: "Thần chỉ muốn khuyên bệ hạ thay đổi quyết định, đâu dám lay động đại thụ".
Tùy Văn Đế quát lại: "Ngươi muốn xúc phạm đến sự uy nghiêm của thiên tử chăng?".
Mặc dù bị dọa như vậy, Triệu Xước vẫn kiên trì ý kiến của mình, mặc cho Tùy Văn Đế quát mắng và đuổi ra, ông vẫn không chịu đi. Tùy Văn Đế không biết làm thế nào, liền mặc ông đứng đó, bỏ đi vào nội cung. Sau, do có 1 số đại thần khác cũng dâng sớ khuyên can, nên Tùy Văn Đế cuối cùng đã hủy bỏ lệnh xử tử 2 người đổi tiền. Một lần khác, một viên quan tên là Tân Đản bị tố giác là có hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm vào pháp luật. Tùy Văn Đế lại hạ lệnh cho tòa Đại lý xử tử Tân Đản. Triệu Xước vào triều, tấu với Tùy Văn Đế: "Tội của Tân Đảng không đáng chết. Thần không thể chấp hành lệnh của bệ hạ".
Tùy Văn Đế giận run người, nói: "Ngươi muốn cứu Tân Đản thì cả ngươi cũng phải chết!". Nói rồi, quát tả hữu lôi Triệu Xước xuống dưới điện.
Triệu Xước không hề sợ hãi, nói: "Bệ hạ có thể giết hạ thần, nhưng không nên giết Tân Đản".
Thị vệ đã lôi Triệu Xước xuống dưới điện, đang lột mũ áo của Triệu Xước, chuẩn bị đem chém thì Tùy Văn Đế cảm thấy nếu giết Triệu Xước là quá vô lý, liền sai người xuống hỏi: "Ngươi có còn gì muốn nói nữa không?".
Triệu Xước quì dưới đất, vươn thẳng lưng lên nói: "Thần một lòng bảo vệ pháp luật, không ngại gì cái chết".
Tùy Văn Đế vốn không có ý định giết Triệu Xước, suy nghĩ 1 hồi lâu, cơn giận nguôi đi. Ông thấy Triệu Xước ra sức bảo vệ pháp luật, xét cho cùng là có lợi có việc cai trị của mình, liền hạ lệnh tha Triệu Xước. Hôm sau, còn cử người tới an ủi Triệu Xước. Trong tòa Đại lý, có 1 viên quan tên là Lai Khoáng, nghe nói Tùy Văn Đế nhiều lần không hài lòng với Triệu Xước, liền phụ họa với Tùy Văn Đế, dâng sớ tấu nói rằng tòa Đại lý chấp hành pháp luật không nghiêm. Tùy Văn Đế xem sớ tấu, cho rằng Lai Khoáng nói đúng, liền thăng quan cho y. Lai Khoáng cho rằng mình đã được hoàng đế tin dùng, lại dâng sớ vu cáo Triệu Xước vì tư tình mà làm điều sai trái, đã miễn tội cho kẻ phạm pháp. Tùy Văn Đế tuy có không ưa Triệu Xước hay trái ý mình, nhưng cũng không hoàn toàn tin vào lời tâu của Lai Khoáng. Ông cử người thân tín đi điều tra thì thấy không hề có chuyện đó. Tùy Văn Đế nổi giận, lập tức hạ lệnh xử tử Lai Khoáng và giao cho tòa Đại lý chấp hành. Trao việc này cho tòa Đại lý, ông nghĩ rằng Triệu Xước là người bị vu cáo, tất nhiên sẽ nhanh chóng thi hành. Ngờ đâu, Triệu Xước lại tâu lên: "Lai Khoáng tuy có tội, nhưng chưa đến mức phải xử tử".
Tùy Văn Đế bực mình, phất tay áo, bỏ đi vào nội cung. Triệu Xước ở đằng sau, kêu to lên: "Thần không nói về chuyện Lai Khoáng nữa. Nhưng thần có việc rất quan trọng, muốn được trực tiếp tâu lên bệ hạ".
Tùy Văn Đế tưởng là thực, liền cho gọi Triệu Xước vào nội cung. Tùy Văn Đế hỏi Triệu Xước xem có chuyện gì quan trọng. Triệu Xước tâu: "Thần có ba tội lớn, xin bệ hạ trừng phạt. Một là, bản thân thần là Đại lý thiếu khanh mà không quản lý được các quan chức dưới quyền, để cho Lai Khoáng vi phạm pháp luật. Hai là, tội Lai Khoáng không đáng xử tử, thần không đủ khả năng biện luận cho hết lý lẽ. Ba là, thần xin vào cung, vốn không có việc gì, chỉ vì nôn nóng vội vã nên đã đánh lừa bệ hạ là có việc quan trọng".
Tùy Văn Đế nghe đến mấy câu cuối cùng thì không nhịn được cười. Độc Cô hoàng hậu ngồi bên cạnh thấy vậy, cũng rất nể trọng sự chính trực của Triệu Xước, liền lệnh cho tả hữu ban cho Triệu Xước 2 cốc rượu. Tùy Văn Đế cũng đồng ý miễn án tử cho Lai Khoáng, đổi thành cách chức và đày đi xa.
Tùy Văn Đế rút ra bài học từ sự mất nước của Trần Hậu Chủ nên rất chú ý đến việc tiết kiệm. Khi phát hiện các quan lại có hành vi tham ô, xa xỉ, ông đều nghiêm trị. Ngay đến con đẻ của mình, ông cũng không tha. Tần vương Dương Tuấn là con của Tùy Văn Đế, vì ở xa nên đã tự ý cho xây dựng cung thất hoa lệ cho mình. Tùy Văn Đế phát hiện, lập tức tước bỏ vương vị của Dương Tuấn và đem giam lại. Các đại thần tâu lên: "Tần vương không phạm tội gì lớn, chẳng qua chỉ tiêu phí một ít tiền của để xây dựng nhà cửa, xin bệ hạ hãy khoan dung".
Tể tướng Dương Tố cũng thấy xử phạt Dương Tuấn như thế là quá nặng. Tùy Văn Đế nói: "Trẫm là người đứng đầu một nước, đâu phải chỉ là người cha của mấy đứa con. Vì vậy, phải xử lý theo luật pháp. Nếu nói như các khanh, thì phải chăng cần soạn riêng một bộ luật dành cho các hoàng tử?".
Các đại thần không biết nói gì nữa. Tùy Văn Đế lại phát hiện thái tử Dương Dũng sinh hoạt xa xỉ, thích phô trương, nên rất không hài lòng, gọi đến giáo huấn nghiêm khắc: "Từ xưa tới nay, phàm những đế vương thích xa hoa, số mệnh không bao giờ lâu dài được. Ngươi là thái tử, cần phải đặc biệt chú ý tiết kiệm mới phải!".
Hoàng tử Tấn vương Dương Quảng là người giảo hoạt hơn 2 người anh em của mình. Ông nắm vững tính nết của cha, nên ngoài mặt làm ra vẻ hết sức thật thà, giản dị, đánh lừa được cả Tùy Văn Đế và Độc Cô hoàng hậu, được cả 2 người yêu mến và tin cậy. Lại nhờ có Dương Tố giúp đỡ nói thêm vào. Kết quả, Tùy Văn Đế quyết định phế truất Dương Dũng, lập Dương Quảng làm thái tử. Cho mãi tới khi bệnh nặng, Tùy Văn Đế mới phát hiện Dương Quảng là người có phẩm hạnh rất xấu. Ông toan cho Dương Dũng trở lại ngôi thái tử, nhưng không kịp nữa rồi. Dương Quảng nhanh tay hơn, đã đầu độc giết cha, giành lấy ngôi vua. Đó là Tùy Dạng Đế, một bạo quân nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...