HOÀN ÔN BẮC PHẠT
Sau khi Đào Khản dẹp xong cuộc nổi loạn của Tô Tuấn, vương triều Đông Tấn tạm ổn định. Chính lúc đó, miền bắc lại rơi vào cảnh hỗn loạn. Từ khi quốc vương Hậu Triệu là Thạch Hổ (con của Thạch Lặc) chết đi, nội bộ xảy ra đại loạn. Đại tướng Hậu Triệu Nhiễm Mẫn xưng đế, xây dựng nước Ngụy, lịch sử gọi chính quyền này là Nhiễm Ngụy. Nước Tiền Yên do quí tộc Tiên Ty là Mộ Dung Hoảng xây dựng, lại tiêu diệt Nhiễm Ngụy. Năm 342, quí tộc tộc Để là Phù Kiện thừa cơ chiếm miền Quan Trung, xây dựng nên nước Tiền Tần.
Khi Hậu Triệu diệt vong, tướng Đông Tấn là Hoàn Ôn dâng thư lên Tấn Mục Đế (hoàng đế thứ 5 của Đông Tấn) xin đem quân bắc phạt. Hoàn Ôn là người rất có tài quân sự. Khi ông làm thứ sử Kinh Châu, đã từng tiến quân vào đất Thục, diệt chính quyền Thành Hán, lập công lớn với triều Tấn. Nhưng nội bộ vương triều Đông Tấn chứa chất nhiều mâu thuẫn lớn. Tấn Mục Đế tuy thăng cấp cho Hoàn Ôn, nhưng lại vẫn nghi kỵ ông. Hoàn Ôn xin đi bắc phạt, Tấn Mục Đế không cho mà lại cử Ân Khiết. Ân Khiết là 1 văn nhân, chỉ có hư danh mà không có tài năng quân sự. Ân Khiết vừa dẫn quân tới Lạc Dương thì bị người tộc Khương đánh cho đại bại, chết 1 vạn người ngựa và mất sạch lương thảo, vũ khí. Hoàn Ôn lại dâng sớ tấu, xin triều đình triệt chức và định tội Ân Khiết, Tấn Mục Đế không thể làm khác đành triệt chức Ân Khiết và đồng ý cho Hoàn Ôn đem quân bắc phạt.
Năm 354, Hoàn Ôn dẫn 4 vạn quân Tấn xuất phát từ Giang Lăng, chia làm 3 đường tiến đánh Trường An. Quốc vương triều Tần là Phù Kiện dẫn 5 vạn quân ra chặn lại ở Nghiêm Quan, bị quân Tấn đánh cho tan tác. Phù Kiện đành dẫn 6 ngàn tàn binh già yếu chạy về Trường An, đào hào đắp lũy cố thủ. Hoàn Ôn thắng lợi, tiến quân đến Bá Thượng. Các quan vùng phụ cận Trường An lũ lượt đến đầu hàng quân Tấn. Hoàn Ôn ra cáo thị, khuyên dân chúng cứ an cư lạc nghiệp. Trăm họ mừng rỡ, tranh nhau bắt bò, dê, mang rượu đến doanh trại quân Tấn úy lạo. Từ khi Tây Tấn diệt vong, nhân dân ở miền bắc chịu mọi nỗi khổ cực do cảnh hỗn chiến đem lại. Nay nhìn thấy quân Tấn từ miền nam tiến lên, mọi người mừng vui trào nước mắt, cảm động nó: "Không ngờ tới hôm nay, lại được nhìn thấy quân của triều đình".
Hoàn Ôn đóng quân ở Bá Thượng, định đợi tới khi lúa mì chín thì tung quân ra gặt cướp để bổ sung cho số lương thực mang theo đã cạn. Nhưng Phù Kiện cũng rất tinh khôn, đoán được ý Hoàn Ôn, liền sai người gặt hết số lúa mì chưa thật chín, không cho quân của Hoàn Ôn được hưởng chút gì. Quân của Hoàn Ôn hết lương, không trụ lại được, đành rút về. Tuy vậy lần bắc phạt này cũng đã giành được thắng lợi lớn. Tấn Mục Đế thăng Hoàn Ôn lên làm Chinh Thảo đại đô đốc. Sau đó, Hoàn Ôn còn bắc phạt 2 lần nữa. Lần cuối, nhằm vào Tiền Yên, tiến quân đánh Phương Đầu (nay ở tây nam huyện Tuấn, Hà Nam). Sau bị quân Tiền Yên cắt đứt đường tiếp lương nên thất bại.
Hoàn Ôn nắm đại quyền về quân sự của Đông Tấn trong 1 thời gian dài. Vì vậy, dần dần nảy sinh dã tâm. Có lần ông ta tự nói với mình: "Làm tài trai, nếu không để tiếng thơm lại trăm đời; thì cũng nên lưu tiếng xấu tới vạn năm".
Một viên quan tâm phúc của Hoàn Ôn biết được dã tâm của ông ta, liền hiến kế: "Nếu muốn nâng cao uy tín của mình, thì nên theo Hoắc Quang đời Tây Hán, phế bỏ đương kim hoàng đế đi, lập một hoàng đế khác".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficción históricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...