NỖI OAN NÀNG ĐẬU NGA LÀM CẢM ĐỘNG CẢ TRỜI ĐẤT

957 8 0
                                    

Do Nguyên Thế Tổ thực hiện nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, nên tình hình kinh tế, xã hội đầu đời Nguyên hết sức phồn vinh. Nhưng sự phồn vinh đó chỉ có lợi cho vương công quí tộc Mông Cổ và tầng lớp địa chủ quan liêu. Để thỏa mãn cuộc sống cực kì xa xỉ của quí tộc Mông Cổ và nhu cầu về quân sự, Nguyên Thế Tổ sử dụng 1 số đại thần lo việc tài chính, giúp triều đình huy động tiền bạc và của cải trong dân chúng. Những đại thần đó lợi dụng chức vụ của mình, câu kết với quan lại địa phương, ra sức vơ vét không từ 1 thủ đoạn nào. Triều Nguyên còn thực hiện chính sách áp bức dân tộc, chia dân trong nước thành 4 đẳng cấp. Đẳng cấp thứ 1 là người Mông Cổ, đẳng cấp thứ 2 là người Sắc mục, tức là người thuộc các dân tộc Tây Vực và Tây Hạ; đẳng cấp thứ 3 là người Hán, gồm những người Hán, Khiết Đan, Nữ Chân trước kia sống dưới sự thống trị của Kim; đẳng cấp thứ 4 là người Nam, là nhân dân các dân tộc sống dưới sự thống trị của Nam Tống trước kia. Địa vị chính trị và quyền lợi kinh tế của người thuộc 4 đẳng cấp được phân biệt khác nhau, đặc biệt là người Hán và người Nam chịu sự kỳ thị rất nặng nề.

Dưới sự áp bức giai cấp và áp bức dân tộc nặng nề, nhân dân các dân tộc đã sống những ngày bi thảm. Nạn tham nhũng hoành hành, án oan nhiều không kể xiết. Nguyên Thế Tổ chết đi, cháu là Thiết Mục Nhĩ nối ngôi, đó là Nguyên Thành Tông. Thời Nguyên Thành Tông, tệ nạn tham nhũng và lộng quyền càng tệ hại hơn. Chỉ 1 lần tra xét, đã phát hiện số quan lại có hành vi tham ô là 1 vạn 8000 người, số án oan có hơn 5000 vụ. Lúc đó, ở Đại Đô lưu hành rộng rãi 1 hình thức sân khấu, gọi là tạp kịch. Một số tri thức chính trực bất mãn với nền thống trị đen tối, lợi dụng hình thức tạp kịch để vạch trần tội ác của quan trường và những hiện tượng bất công trong xã hội. Ở Đại Đô, có 1 tri thức tên là Quan Hán Khanh từ nhỏ đã yêu mến âm nhạc và ca kịch, biết đàn sáo và ca múa. Quan Hán Khanh từng làm quan trong Thái y viện ở kinh thành, nhưng ông không có hứng thú với nghề làm thuốc, mà hết sức say sưa sáng tác kịch bản. Thời đó, địa vị của những người làm nghề ca kỹ rất kém, nhưng Quan Hán Khanh lại rất chan hòa với họ, có lúc còn lên sân khấu sắm vai. Vì ông rất tinh thông âm nhạc và nghệ thuật sân khấu nên kịch bản do ông viết ra đều có trình độ cao. Ở Đại Đô, quí tộc và dân thường đều thích xem ca kịch. Những vở do Quan Hán Khanh viết ra không chỉ để cho quí tộc giải trí mà thường nói lên tình cảm của nhân dân. Ông đã đưa những điều tai nghe mắt thấy về cảnh ngộ bi thảm của nhân dân vào trong kịch bản của mình. Vở ca kịch "Nỗi oan nàng Đậu Nga" là 1 tác phẩm kiệt xuất tiêu biểu của ông. 

Nhân vật chủ yếu trong vở ca kịch là 1 người con gái nhà nghèo vùng Sở Châu, tên là Đậu Nga. Mẹ nàng mất khi nàng còn nhỏ, cha nàng là Đậu Thiên Chương không có tiền trả nợ, lại vội lên kinh dự thi, không có tiền lộ phí, liền bán nàng cho 1 bà góa là Thái Bà làm con dâu nhỏ (tức là con dâu mua từ lúc nhỏ, khi lớn lên phải làm vợ con trai người mua). Đậu Nga tới nhà họ Thái chưa được 2 năm, thì cậu con trai họ Thái bị bệnh mất, chỉ còn nàng và bà góa họ Thái sống nương tựa vào nhau. Trương Lư Nhi là 1 tên lưu manh ở Sở Châu, cùng với bố là Trương Lão Nhi thấy nhà họ Thái chỉ có 2 người phụ nữ, liền đến ở lỳ đó, rồi ép lão bà lấy Trương Lão Nhi. Thái Bà thế cô, đành ưng chịu. Trương Lư Nhi lại ép Đậu Nga thành thân với hắn. Đậu Nga cương quyết cự tuyệt và chửi rủa hắn thậm tệ. Trương Lư Nhi căm tức, liền nghĩ kế trả thù. Mấy hôm sau, Thái Bà bị ốm, sai Đậu Nga nấu cháo. Trương Lưu Nhi lén bỏ thuốc độc vào trong bát cháo, rắp tâm giết chết Thái Bà rồi sẽ ép buộc Đậu Nga. Đậu Nga bưng cháo cho Thái Bà, bỗng Thái Bà thấy buồn nôn, không muốn ăn nữa và chuyển bát cháo cho Trương Lão Nhi ăn. Trương Lão Nhi trúng độc, lăn lộn dưới đất rồi tắt thở.

Trương Lư Nhi đã đổ tội đầu độc cho Đậu Nga, bắt nàng giải lên quan cai trị Sở Châu. Tri phủ Sở Châu là Đào Ngột, 1 viên quan nổi tiếng tham nhũng, nhận tiền đút lót của Trương Lư Nhi, bắt Đậu Nga ra thẩm vấn, ép nàng nhận tội đầu độc. Đậu Nga bị đánh đập chết đi sống lại, nhất định không chịu nhận tội. Đào Ngột biết Đậu Nga rất hiếu thuận với Thái Bà, liền đem Thái Bà ra đánh đập trước mắt Đậu Nga. Đậu Nga thương Thái Bà tuổi già, không chịu nổi cực hình, đành chịu nỗi oan mà nhận tội. Tên tham quan Đào Ngột đã đã dùng mọi thủ đoạn ép được cung, liền khép nàng vào tội chết, giải nàng ra pháp trường xử tử. Đậu Nga thấy không biết kêu oan vào đâu, lòng tràn đầy bi phẫn, nguyền rủa trời đất: "Đất kia sao ngươi không biết phân biệt tốt xấu, trời kia sao không biết phân biệt người lành kẻ dở; thì làm trời đất làm gì!".

Trước khi chịu hình phạt, nàng thề nguyền 3 điều: 1 là, khi đầu lìa khỏi cổ, máu phun ra sẽ được hứng trên lụa bạch; 2 là trời sẽ xuống tuyết phủ kín thi thể; 3 là vùng Sở Châu sẽ bị đại nạn 3 năm liền. Lời thề nguyền đó của Đậu Nga đã làm cảm động cả trời đất. Khi đó, đang là tháng 6 nóng nực, mà khi lưỡi dao của đao phủ vừa lướt qua, trong khoảnh khắc trời đất tối xầm, tuyết xuống như trút. Tiếp đó, vùng Sở Châu suốt 3 năm liền bị hạn nặng. Về sau, cha của Đậu Nga là Đậu Thiên Chương thi đỗ, làm quan của triều đình, án oan cả nàng được chiêu tuyết. Hung thủ giết người Trương Lư Nhi bị xử tử, tham quan Đào Ngột cũng bị trừng trị thích đáng. Sự việc và người nêu trong vở kịch không hẳn là chuyện có thật. Trời xuống tuyết tháng 6, càng là 1 tưởng tượng mang tính thần thoại. Nhưng nó đã phản ánh nguyện vọng mãnh liệt được minh oan và báo thù của vô số người dân bị oan ức khổ đau dưới ách thống trị phong kiến. Vì vậy, sáu bảy trăm năm nay, vở ca kịch đó vẫn được mọi người yêu thích và tán thưởng. Quan Hán Khanh trở thành 1 kịch tác gia được nhân dân ca ngợi.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ