TAM BẢO THÁI GIÁM XUỐNG TÂY DƯƠNG

926 5 0
                                    

Minh Thành Tổ dùng vũ lực đoạt ngôi hoàng đế từ tay cháu, nhưng vẫn băn khoăn nghi ngại 1 điều. Đó là sau khi hoàng cung bị cháy, cho người kiểm tra các xác chết, vẫn không thấy thi thể của Kiến Văn Đế. Thế thì quả thật là Kiến Văn Đế bị chết thật hay chưa? Trong kinh thành có nhiều lời đồn. Có người nói rằng Kiến Văn Đế không tự sát, mà nhân lúc cung điện bốc cháy hỗn loạn, đã dẫn mấy thái giám tùy tòng theo đường ngầm chạy thoát ra ngoài thành. Tin tức từ địa phương truyền về càng ly kì hơn, nói Kiến Văn Đế đã tới nơi này, nơi khác, về sau đã cắt tóc đi tu. Chuyện nào cũng thêu dệt nhiều chi tiết rất cụ thể, làm Minh Thành Tổ càng thêm lo lắng. Ông ta nghĩ, nếu Kiến Văn Đế chưa chết thật, mà ẩn náu chờ thời, rồi triệu tập binh mã ở 1 nơi nào đó, dùng danh nghĩa chính thống tiến đánh thì thật đáng ngại. Để tra xét cho rõ sự kiện này, Minh Thành Tổ cử 1 số đại thần đi các nơi bí mật dò xét tung tích của Kiến Văn Đế, nhưng không tiện nói rõ lý do mà lấy cớ là đi cầu thần tiên. Cuộc tìm kiếm đó kéo dài vài ba chục năm.

Minh Thành Tổ lại nghĩ, phải chăng Kiến Văn Đế đã chạy ra biển? Lúc đó, nghề hàng hải ở Trung Quốc bắt đầu phát triển. Minh Thành Tổ lại nghĩ nếu cử người ra biển để biểu dương quốc uy, đồng thời trao đổi buôn bán với người nước ngoài, tìm mua 1 số châu báu, tiện thể thám thính về tung tích của Kiến Văn Đế, thì thật là nhất cử lưỡng tiện. Nghĩ vậy, ông bèn tổ chức 1 đoàn đi sứ ra nước ngoài, nhưng người được cử đi nhất thiết phải là người tâm phúc. ông liền nghĩ tới 1 hoạn quan từng theo ông nhiều năm, đó là Trịnh Hòa, người thích hợp nhất với nhiệm vụ này. Trịnh Hòa họ Mã, tên từ nhỏ là Tam Bảo, xuất sinh trong 1 gia đình tộc Hồi ở Vân Nam. Đời ông và cha của ông đều theo đạo Hồi, đã từng hành hương tới thánh địa La Mec Cơ nay thuộc Ả rập Xê út). Từ nhỏ, Trịnh Hòa đã được cha kể cho nghe tình hình ở nước ngoài, sau này ông vào làm thái giám ở trong cung Yên vương, vì tỏ ra thông minh, tháo vát nên được Yên vương, sau là Minh Thành Tổ yêu mến. Cái tên Trịnh Hòa là do Minh Thành Tổ đặt cho ông. Nhưng dân gian quen gọi tên thật của ông là "Tam Bảo thái giám". Trong sử sách sau này, cũng có sách vẫn dùng tên "Tam Bảo thái giám".

Tháng 6 năm 1405, Minh Thành Tổ chính thức cử Trịnh Hòa làm sứ giả, dẫn theo 1 đoàn thuyền đi sứ "Tây Dương". Tên "Tây Dương" mà thời đó sử dụng, không phải để chỉ Châu Âu như sau này, mà là chỉ vùng biển phía nam và phía tây Trung Quốc, tức Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày nay. Đoàn thuyền của Trịnh Hòa chở hơn 2 vạn 7 ngàn 800 người. Ngoài binh lính có thủy thủ, còn có nhân viên kĩ thuật, phiên dịch viên, thầy thuốc. Họ đi trên 62 con thuyền lớn. Loại thuyền này dài 44 trượng (tương đương 44x3,33=147m), rộng 18 trượng (=60m), là loại thuyền lớn ít thấy thời đó. Đoàn thuyền xuất phát từ Lưu Gia Hà, Tô Châu; đi qua ven biển Phúc Kiến rồi giương buồm đi xuống ở phía nam. Trước hết, Trịnh Hòa ghé vào Chiêm Thành, sau đó tới Gia va-Xumatơra, Xơri Lan Ka. Ông đem theo nhiều vàng bạc, của cải tới mỗi nước, đều đệ trình thư của Minh Thành Tổ và đưa nhiều lễ vật ra biếu, mong được cùng qua lại hữu hảo. Nhiều nước thấy Trịnh Hòa đem theo nhiều thuyền lớn như vậy, lại có thái độ hòa nhã, không có ý uy hiếp, đều nhiệt tình tiếp đãi. Lần đi sứ này của Trịnh Hòa kéo dài tới 3 năm 9 tháng mới về nước. Quốc vương các nước nhân chuyến về nước của Trịnh Hòa, đều cử sứ giả mang theo nhiều lễ vật về cùng, tới thăm Trung Quốc. Trên đường, tuy gặp mấy lần có gió to sóng lớn, nhưng nhờ có những thủy thủ nhiều kinh nghiệm nên không có sự cố gì. Chỉ có 1 việc phiền toái xảy ra khi thuyền về qua 1 cảng của Xumatơra. Nơi đây có 1 tên cầm đầu bọn giặc biển, tên là Trần Tổ Nghĩa. Hắn chiếm 1 hòn đảo nhỏ, tụ tập 1 số tay chân, chuyên cướp bóc của cải của thương dân đường biển. Lần này nghe tin đoàn thuyền của Trịnh Hòa đem theo nhiều của cải thì nổi lòng tham, liền cùng đồng bọn vờ làm vẻ tiếp đón, rồi nhân lúc không phòng bị, xông lên cướp bóc. Kế hoạch đó được 1 người địa phương biết được, liền báo tin cho Trịnh Hòa.

Trinh Hòa nghĩ, trong tay mình có 2 vạn quân lính, sợ gì bọn cướp nhỏ. Nhưng chúng đã tới, thì phải cho chúng 1 bài học. Ông liền ra lệnh cho các thuyền tản khai, bỏ neo ngoài cửa cảng, và chuẩn bị đầy đủ thuốc súng, đao thương, sẵn sàng nghênh chiến. Đêm khuya, sóng biển yên lặng, Trần Tổ Nghĩa dẫn bọn giặc biển dùng mấy chục chiếc thuyền nhỏ xông vào cảng, chuẩn bị tập kích. Bỗng thấy 1 tiếng pháo nổ trên thuyền chỉ huy của Trịnh Hòa, các thuyền xung quanh đều lướt tới, vây chặt đoàn thuyền của bọn giặc biển. Quân Minh đông hơn, lại có chuẩn bị, nên bọn giặc biển đại bại. Đạn lửa trên thuyền lớn phóng xuống làm thuyền của bọn giặc biển bốc cháy. Trần Tổ Nghĩa muốn chạy nhưng không thoát, đã bị bắt sống. Trịnh Hòa trói Tổ Nghĩa lại, giải về Trung Quốc, tới kinh thành dâng nộp tù binh cho Minh Thành Tổ, đồng thời dâng nhiều lễ vật của các nước. Minh Thành Tổ thấy Trịnh Hòa làm xuất sắc nhiệm vụ đi sứ thì vô cùng phấn khởi. Sau này, Minh Thành Tổ tin rằng Kiến Văn Đế chết thật rồi, không cần thiết đi tìm nữa. Nhưng việc đi sứ nước ngoài, vừa đề cao được uy tín quốc gia, vừa xúc tiến được quan hệ buôn bán với các nước Tây Dương, có rất nhiều cái lợi. Vì vậy, sau lần đó, Minh Thành Tổ vẫn tiếp tục cử Trịnh Hòa dẫn thuyền đội đi Tây Dương. Từ năm 1405 đến 1433, trong gần 30 năm, Trịnh Hòa trước sau đã 7 lần dẫn đội thuyền đi qua Ấn Độ Dương, tới thăm hơn 30 quốc gia, xa nhất là Xô Ma Li thuộc Châu Phi.

Sau chuyến đi lần thứ 6 về nước, Minh Thành Tổ bị bệnh chết, con là Chu Cao Chức nối ngôi. Đó là Minh Nhân Tông. Không đầy 1 năm, Minh Nhân Tông chết. Kế thừa hoàng vị là 1 chú bé mới đầy 9 tuổi là Chu Chiêm Cơ. Đó là Minh Tuyên Tông, niên hiệu Tuyên Đức, do bà nội là Từ thái hậu và 3 lão thần nắm quyền. Các đại thần thấy Trịnh Hòa đã 7 lần đi sứ, tốn nhiều tiền của quốc gia, nên đã đình chỉ việc hàng hải. 7 lần ra biển của Trịnh Hòa, đã tỏ ra tinh thần dũng cảm trong việc thám hiểm của người Trung Quốc và chứng tỏ kĩ thuật hàng hải của Trung Quốc lúc đó đã đạt tới trình độ cao. Qua việc đi sứ của Trịnh Hòa, đã xúc tiến được việc trao đổi kinh tế văn hóa giữa Trung Quốc với với nhiều nước Á Phi. Tới tận bây giờ, tại các nước đó còn lưu truyền nhiều sự tích về Tam Bảo thái giám.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ