Sau khi 2 chính quyền Nam Minh của Long Vũ Đế và Lỗ vương lần lượt bị tiêu diệt, quân Thanh liền chia 3 cánh đánh xuống Tây Nam. Một đại thần triều Minh là Cù Thức Tự giữ vùng Lưỡng Quảng liền lập Quế vương Chu Do Lang lên ngôi ở Triệu Khánh, lấy niên hiệu là Vĩnh Lịch. Lịch sử gọi ông là Vĩnh Lịch Đế. Tháng 11 năm 1647, tướng Minh là Hà Đằng Giao dựa vào lực lượng còn lại của chính quyền Đại Thuận (tức của Lý Tự Thành) đánh bại quân Thanh ở Toàn Châu. Cù Thức Tự cũng đánh lui quân Thanh ở Quế Lâm. Thanh thế quân Nam Minh lại lừng lẫy. Nhưng do nội bộ chính quyền của Quế vương lủng củng nên Hồ Quảng và Quảng Tây lại bị quân Thanh chiếm lĩnh. Hai năm sau, Hà Đằng Giao bị bắt ở Tương Đàm rồi bị giết hại, Cù Thức Tự cũng hy sinh trong trận quân Thanh đánh chiếm thành Quế Lâm. Trong giờ phút chính quyền Quế vương đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt thì nghĩa quân Đại Tây dưới sự lãnh đạo của Lý Định Quốc đảm nhận trọng trách chống Thanh, tiếp tục chiến đấu hơn 10 năm nữa trong vùng Tây Nam.
Lý Định Quốc là 1 trong 4 dũng tướng dưới quyền Trương Hiếu Trung, đồng thời lại là 1 trong 2 con nuôi của Trương Hiếu Trung, sau Tôn Khả Vọng. Sau khi Trương Hiếu Trung hy sinh, năm, sáu vạn quân khởi nghĩa còn lại dưới quyền chỉ huy của Tôn Khả Vọng và Lý Định Quốc tiến xuống miền Quí Châu, Vân Nam. Họ cử người tới đề nghị với Vĩnh Lịch Đế là tình nguyện cùng liên hợp chống Thanh. Trải qua mấy lần thất bại, Vĩnh Lịch Đế thấy tình hình đã rất nguy cấp, đành phải dựa vào quân Đại Tây và phong Tôn Khả Vọng làm Tần vương. Tôn Khả Vọng là người nuôi dã tâm, ông ta khống chế chặt Vĩnh Lịch Đế và tác uy tác phúc ở Quí Dương, độc đoán chuyên quyền, không chú ý gì tới việc chống Thanh cả. Lý Định Quốc thì 1 lòng chống Thanh, bỏ ra 1 năm huấn luyện được 3 vạn tinh binh ở Vân Nam, và xúc tiến việc chế tạo vũ khí khôi giáp. Ông còn tìm 1 số người dạy voi, lập được 1 đội voi chiến. Sau khi chuẩn bị chu đáo, ông quyết định đem quân tiến công quân Thanh. Quân đội của Lý Định Quốc có tinh thần chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm. Từ Vân Nam, Quí Châu, họ đánh tới tận Hồ Nam, liên tục thắng trận, thu phục được mấy trọng trấn. Sau đó, lại từ 3 phía tiến công Quế Lâm. Tướng Thanh giữ Quế Lâm là Khổng Hữu Đức mấy lần đem quân nghinh chiến, nhưng chưa giao đánh thì binh lính đã bỏ chạy. Khổng Hữu Đức phải đích thân dẫn quân tới Nghiêm Quan, đối diện với quân Minh. Đại quân Lý Định Quốc tới, đi đầu là đội tượng binh lừng lững, tiếp sau là quân sĩ oai hùng. Khi lâm trận, voi trận hý vang làm ngựa chiến của quân Thanh sợ hãi chạy tán loạn. Lúc đó, trời mưa lớn, sấm sét vang rền, tượng binh thừa cơ xông lến, quân Thanh đại bại. Quân Minh anh dũng truy kích, đánh cho quân Thanh tan tác.
Khổng Hữu Đức vội vã rút quân vào trong thành Quế Lâm, đóng chặt cổng để cố thủ. Lý Định Quốc vây chặt thành Quế Lâm, ngày đêm đánh phá mãnh liệt. Khổng Hữu Đức đứng trên thành lầu quan sát, bị quân Minh bắn tên như mưa, trúng giữa trán. Lúc đó, ông ta lại được tin ngọn núi phía bắc thành đã bị quân Lý Định Quốc chiếm, liền đốt lửa rồi lao vào lửa tự sát. Lý Định Quốc dẫn quân vào thành Quế Lâm, vừa truy quét tàn binh vừa an định dân chúng, đón các quan nhà Minh phải bỏ trốn trước kia trở về. Một hôm, Lý Định Quốc ở tiệc ở cạnh Thất Tinh Nham, mời các quan tới dự. Ông nói: "Tình hình hiện nay giống như những năm cuối đời Nam Tống. Các vị chắc hẳn đều khâm phục các tiên liệt Văn Thiên Trường, Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt. Lòng trung trinh và hào khí của các vị đó cố nhiên là lưu truyền sử sách. Nhưng chúng ta tận trung báo quốc, nhất định không muốn có kết cục như vậy".
Mọi người nghe nói, đều rất khâm phục khí khái anh hùng đó của Lý Định Quốc. Vĩnh Lịch Đế nhận được tin thắng trận, liền phong Lý Định Quốc làm Tây Ninh vương. Tiếp đó, Lý Định Quốc còn đem quân đánh chiếm Vĩnh Châu, Hành Dương, Trường Sa, ép sát Nhạc Châu. Triều Thanh rung động, vội phái thân vương Ni Khám dẫn 10 vạn quân phản công vào Trường Sa. Lý Định Quốc biết lực lượng địch rất mạnh, liền chủ động rút khỏi Trường Sa, nhưng bố trí phục binh trên đường tới Hành Dương. Ni Khám đích thân dẫn quân truy kích, rơi vào vùng mai phục của quân Minh, bị chém chết tại trận. Thắng lợi của Lý Định Quốc khiến Tần vương Tôn Khả Vọng kèn cựa. Tôn Khả Vọng vờ mời Lý Định Quốc tới bàn quốc sự, toan ám hại ông. Lý Định Quốc phát hiện được quỷ kế đó, đành đem quân rời Hồ Nam, về Vân Nam. Tôn Khả Vọng muốn đề cao uy tín của mình, liền đích thân dẫn quân tới Hồ Nam tiến công quân Thanh, nhưng lại bị đại bại. Tôn Khả Vọng có ý muốn ép Vĩnh Lịch Đế nhường ngôi, ông ta biết rằng muốn đạt được mục đích đó thì phải trừ bỏ Lý Định Quốc, liền dẫn 14 vạn quân tiến đánh Vân Nam. Ngờ đâu, các tướng sĩ dưới quyền ông ta vô cùng căm giận hành động chia rẽ đó. Lúc lâm trận, họ đều quay giáo, đứng về phía Lý Định Quốc. Toàn bộ quân đội của Tôn Khả Vọng tan rã. Tôn Khả Vọng lủi thủi chạy về Quí Dương, lại bị các tướng sĩ Quí Dương chống lại. Cùng đường, Tôn Khả Vọng liền chạy về Trường Sa đầu hàng quân Thanh.
Triều đình Nam Minh qua cuộc nổi loạn của Tôn Khả Vọng, lực lượng bị yếu đi nhiều. Năm 1658, quân Thanh do các hàng tướng Ngô Tam Quế, Hồng Thừa Trù dẫn đầu chia làm 3 cánh đánh xuống Vân Nam, Quí Châu. Lý Định Quốc chia quân đánh chặn từng cánh, nhưng đều bị thất bại, buộc phải rút về Côn Minh. Vĩnh Lịch Đế cùng mấy tay chân thân tín hoảng hốt rụng rời, bỏ chạy sang Miến Điện (nay là Mianma). Sau khi Vĩnh Lịch Đế chạy sang Miến Điện, Lý Định Quốc tiếp tục thu thập lực lượng ở vùng biên giới Vân Nam, đánh lại quân Thanh, chuẩn bị khôi phục lại cơ đồ. Ông nhiều lần cử người sang Miến Điện mời Vĩnh Lịch Đế về nước, nhưng hoàng đế này không dám trở về.
Tháng 12 năm 1661, Ngô Tam Quế dẫn 10 vạn tinh binh tiến vào Miến Điện, buộc Miến Điện phải giao nộp Vĩnh Lịch Đế, dẫn về Côn Minh. Về tới Côn Minh, Vĩnh Lịch Đế bị Ngô Tam Quế bức tử. Chính quyền cuối cùng của Nam Minh tới đây hoàn toàn bị diệt vong. Lý Định Quốc kiên trì chống Thanh trong hơn 10 năm mà không thực hiện được nguyện vọng. Ông ôm mối hận, mắc bệnh rồi mất. Trước khi mất, ông nói với con và các bộ tướng: "Thà chết nơi hoang dã, chứ không thể đầu hàng!".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...