VƯƠNG TIỂU BA KHỞI NGHĨA

819 6 0
                                    

Tống Thái Tông đánh Liêu, kết quả bị đại bại, lại mất dũng tướng Dương Nghiệp nên không dám đánh Liêu nữa. Ngoài ra, tình hình chính trị trong nước cũng không ổn định, đặc biệt là vùng Xuyên Thục liên tiếp nổ ra các cuộc khởi nghĩa nông dân, làm cho triều Tống lúng túng, khó đối phó. Trong thời Ngũ Đại, vùng Xuyên Thục lần lượt có 2 chính quyền cát cứ là Tiền Thục và Hậu Thục, suốt trong thời gian dài không có chiến tranh. Vì vậy, thời Hậu Thục, kho tàng quốc gia đầy ấp. Sau khi Tống Thái Tổ diệt Hậu Thục, để cho tướng sĩ cướp bóc Thành Đô, vận chuyển tài sản về Đông Kinh, khiến cho dân chúng vô cùng phẫn nộ. Đến đời Tống Thái Tông, lại thiết lập nha môn, độc quyền việc mua bán ở đây. Trà và tơ lụa do đất Thục sản xuất đều bị triều đình độc quyền thu mua. Một số địa chủ và thương nhân thừa cơ đầu cơ tích trữ, mua rẻ bán đắt, khiến dân chúng đất Thục vô cùng khổ sở. Ở huyện Thạch Thành (nay ở tây nam huyện Quan, Tứ Xuyên) có 1 nông dân tên là Vương Tiểu Ba, cùng với em vợ là Lý Thuận đều sống bằng nghề buôn trà. Vương Tiểu Ba hết đường sinh sống, liền quyết tâm khởi nghĩa.

Năm 993, Vương Tiểu Ba tụ hợp hơn 100 nông dân trồng chè và dân nghèo, nói với họ: "Thời buổi bây giờ, người nghèo thì càng nghèo; kẻ giàu thì ngày càng giàu thêm, thật hết sức bất công. Nay chúng ta cùng nhau nổi dậy tiêu diệt cảnh bất công đó, các vị thấy thế nào?".

Những người đã nếm trải mọi nỗi khổ do quan lại, địa chủ, phú thương bóc lột; nghe Vương Tiểu Ba nói, đều nhiệt liệt hưởng ứng ngay. Tin tức truyền đi, dân nghèo các nơi đều nô nức tham gia quân khởi nghĩa của Vương Tiểu Ba. Không quá 10 ngày, đã tập trung được mấy vạn người. Có được quân mã, trước hết Vương Tiểu Ba đánh chiếm Thạch Thành rồi thừa thắng tiến đánh Bành Sơn (nay thuộc Tứ Xuyên). Huyện lệnh Bành Sơn là Tề Nguyên Chấn, là 1 tham quan giỏi đục khoét. Tống Thái Tổ từng có lệnh cấm các quan địa phương nhận hối lộ và tham nhũng của công. Một lần, triều đình cử quan khâm sai tới Thục điều tra. Tề Nguyên Chấn nghe tin khâm sai sắp tới, vội phân tán mọi của cải vơ vét được gửi vào các nhà phú thương. Quan khâm sai tới huyện Bành Sơn, không điều tra được hành động tham nhũng nào của quan địa phương, liền về tâu lên triều đình. Triều đình liền hạ lệnh khen thưởng cho Tề Nguyên Chấn về sự tận tụy và thanh liêm.

Tề Nguyên Chấn lừa bịp được triều đình rồi, lại càng vơ vét dữ dội hơn trước. Vương Tiểu Ba biết rõ nhân dân Bành Sơn hết sức thâm thù Tề Nguyên Chấn, liền dẫn quân khởi nghĩa tiến đánh Bành Sơn. Được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong huyện, nghĩa quân nhanh chóng chiếm được huyện thành, giết chết tên đại tham quan Tề Nguyên Chấn, đem hết mọi tiền bạc của hắn chia cho dân nghèo. Vương Tiểu Ba lại đem quân tiến lên phía bắc, tiến công Giang Nguyên (nay ở đông nam Sùng Khánh, Tứ Xuyên). Tướng Tống giữ Giang Nguyên là Vương Khởi đem quân chống lại, 2 bên giao phong 1 trận lớn ngoài thành Giang Nguyên. Quân của Vương Tiểu Ba chiến đấu hết sức anh dũng, Vương Khởi không chống nổi, liền giương cung bắn lén. Vương Tiểu Ba bị thương, máu chảy đầy mặt vẫn tiếp tục chỉ huy tiến công, cuối cùng đánh bại quân Tống, giết chết được Vương Khởi. Nghĩa quân tiến chiếm Giang Nguyên, nhưng Vương Tiểu Ba bị chết vì vết thương quá nặng. Tướng sĩ nghĩa quân tôn Lý Thuận lên thay Vương Tiểu Ba làm thủ lĩnh, tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống lại triều đình.

Dưới sự chỉ huy của Lý Thuận, nghĩa quân ngày càng đông đảo, liên tục đánh hạ rất nhiều thành trì, giết chết nhiều tham quan ô lại. Cuối cũng, nghĩa quân tiến công thành thị trung tâm của đất Thục là Thành Đô. Các quan văn võ ở Thành Đô không chống đỡ nổi, đều phải bỏ chạy. Năm 994, dưới sự ủng hộ của quân lính và nhân dân, Lý Thục thành lập chính quyền Đại Thục. Lý Thục làm Đại Thục vương vừa chấn chỉnh quân mã, vừa phái binh đi đánh các châu quận xung quanh. Thế lực nghĩa quân lan rộng khắp khu vực từ Kiếm Các ở mặt bắc đến Vu Hiệp ở mặt đông. Tin tức truyền tới Đông Kinh, Tống Thái Tông giật mình hoảng sợ, vội bàn bạc với tể tướng: "Không ngờ Lý Thuận lại ghê gớm như vậy!. Nhất định phải cử binh mã đi đánh mới được".

Tống Thái Tông cử hoạn quan Vương Kế Ân chia quân làm 2 đường, cử 1 bộ phận chặn nghĩa quân ở mặt Vu Hiệp, còn tự mình dẫn đại quân tiến về Kiếm Môn. Kiếm Môn là con đường huyết mạch từ Tây Xuyên thông qua Quan Trung. Sau khi Lý Thuận chiếm Thành Đô, cũng phái tướng đem quân đánh Kiếm Môn, không may bị quân triều đình đánh chặn, bị thất bại. Vương Kế Ân đi qua Kiếm Môn 1 cách thuận lợi, tập hợp quân Tống ở địa phương  tiến đánh Thành Đô. Lúc đó, nghĩa quân ở Thành Đô còn tới mười mấy vạn, nhưng qua nhiều lần giao chiến với quân địch, bị tử thương hơn 3 vạn. Cuối cùng, Thành Đô bị phá vỡ, Lý Thuận hy sinh trong chiến đấu. Sau này, truyền thuyết dân gian nói rằng khi Thành Đô bị đánh chiếm, Lý Thuận không chết mà hóa trang thành 1 hòa thượng, bí mật chạy khỏi Thành Đô, tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu. Khi quân Tống vào Thành Đô, bắt được 1 người có râu dài rất giống Lý Thuận, liền cho đó là Lý Thuận và giết đi. 40 năm sau, trên đường phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông xuất hiện 1 lão ông. Có người nhận ra ông già đó là Lý Thuận, quan triều đình liền sai người bắt lại và bí mật giết trong ngục. Truyền thuyết đó không hẳn là đáng tin, nhưng nó chứng tỏ Lý Thuận rất có ảnh hưởng trong quần chúng.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ