TÔN SÁCH CHIẾM CỨ GIANG ĐÔNG
Trong khi Tào Tháo và Viên Thiệu tranh giành kịch liệt ở miền bắc thì ở miền nam, một thế lực cát cứ dần dần lớn mạnh. Đó là anh em Tôn Sách, Tôn Quyền ở Giang Đông (nay là vùng Giang Nam, ở hạ du Trường Giang). Cha của Tôn Sách là Tôn Kiên, nguyên là thái thú Trường Sa, vốn là bộ hạ của Viên Thuật. Sau khi Tôn Kiên mất, Tôn Sách đem quân theo Viên Thuật, Viên Thuật thấy Tôn Sách là 1 thiếu niên anh tuấn, rất yêu quí, nói với mọi người: "Nếu ta có được một con trai như Tôn lang thì chết cũng yên tâm".
Tuy nói như vậy nhưng Viên Thuật cũng không trọng dụng Tôn Sách. Tôn Sách muốn được làm thái thú quận nhưng Viên Thuật không cho. Cậu của Tôn Sách là Ngô Cảnh làm thái thú Đan Dương (nay là Tuyên Thành, An Huy) bị thứ sử Dương Châu là Lưu Do đuổi đi. Tôn Sách xin Viên Thuật cho đến Giang Đông giúp cậu đánh Lưu Do. Viên Thuật vốn có mâu thuẫn với Lưu Do, liền cấp cho Tôn Sách hơn 1000 binh mã. Tôn Sách dẫn quân về phía nam, dọc đường có nhiều người xin đi theo. Tôn Sách có người bạn thân từ nhỏ là Chu Du, cũng mang người ngựa đến hội họp. Vì vậy lực lượng dần lớn mạnh lên.
Tôn Sách chiến đấu dũng cảm, quân đội lại có kỷ luật nghiêm minh, nên được dân chúng ủng hộ. Do đó, sau khi vượt sông không những nhanh chóng đánh bại được Lưu Do, giành lại được Đan Dương, mà còn chiếm được quận Ngô và quận Cối Kê. Như vậy, một vùng rộng lớn gồm 8 quận Giang Đông đã bị Tôn Sách chiếm lĩnh. Tôn Sách chiếm được Giang Đông, còn có hoài bão muốn phát triển lên phía bắc. Nhân dịp Tào Tháo và Viên Thiệu đang kìm chân nhau ở Quan Độ, Sách chuẩn bị đánh úp Hứa đô để cướp lấy Hán Hiến Đế. Nhưng đang lúc điều binh khiển tướng, chuẩn bị lương thảo thì xuất hiện một sự kiện bất ngờ. Số là khi đánh chiếm quận Ngô, Tôn Sách giết thái thú ở đó là Hứa Cống, các môn khách của Hứa Cống quyết báo thù cho chủ. Có lần, nhân dịp Tôn Sách lên núi đi săn, họ phục sẵn trong rừng cây bắn lén ra, một phát tên trúng vào mắt Tôn Sách.
Tôn Sách bị trọng thương, mời thầy thuốc điều trị chẳng những không khỏi mà bệnh tình ngày càng nặng. Biết mình không sống nổi, Tôn Sách gọi các bộ hạ đến dặn dò: "Hiện nay chúng ta đã có đất và có quân, có thể đọ sức với người khác. Mong các ông hết lòng giúp đỡ em ta là Tôn Quyền".
Tôn Quyền năm đó 19 tuổi, tuy còn trẻ nhưng vốn thích kết giao bè bạn, quí trọng nhân tài nên đã có tiếng tăm trong giới danh sĩ Giang Đông. Tôn Sách gọi Tôn Quyền tới, trao lại ấn thụ và nói: "Hai anh em ta, nếu xét về tài năng xông pha trận mạc thì em không bằng anh; nhưng xét về mặt xem xét người hiền tài, trọng dụng người có công thì anh không bằng em. Mong em từ nay gắng sức giữ gìn lấy cơ nghiệp ở Giang Đông". Nói xong, Tôn Sách trút hơi thở cuối cùng.
Tôn Quyền gục trên giường khóc lóc thảm thiết. Trương Chiêu khuyên ông nên thay ngay sang quan phục, lên ngựa đi thị sát 3 quận và nhanh chóng phái người tới Ba Khâu (nay là Nhạc Dương, Hồ Nam) báo cho Chu Du biết. Chu Du vội đem quân đi suốt đêm về Ngô Trung cùng với Trương Chiêu giúp đỡ Tôn Quyền trong mọi việc. Lúc đó, nói chung 6 quận ở Giang Đông tuy đã bị Tôn Sách chiếm, nhưng những nơi xa trung tâm vẫn còn những thế lực chưa chịu phục tùng mệnh lệnh. Có người còn chờ xem tình thế ra sao để quyết định thái độ. May nhờ Chu Du, Trương Chiêu đồng tâm hiệp lực phò tá Tôn Quyền nên cục diện mới dần dần ổn định.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...