VĂN TỰ NGỤC

856 7 0
                                    

Đối với các văn nhân của nhà Minh còn lại, những người tự thấy triều đình Thanh vừa dùng biện pháp vỗ về, đồng thời mặt khác lại dùng những thủ đoạn trấn áp rất tàn ác đối với những ai không chịu phục sự thống trị của họ. Vào năm thứ 2 sau khi Khang Hy Đế lên ngôi, do có cáo giác của quan chức, được biết ở Hồ Châu, Triết Giang có 1 văn nhân tên là Trang Đình Long đã tự tiện chiêu tập 1 số văn nhân để biên tập bộ "Minh sử". Trong bộ sử này đã có những lời lẽ đả kích những người thống trị triều đình Thanh, hơn nữa lại còn dám sử dụng niên hiệu của nhà Nam Minh. Vào lúc đó, tuy Trang Đình Long đã chết, nhưng triều đình vẫn ra lệnh cho bật quan tài, băm chém thi hài; đồng thời xử tội người con trai ông cùng với tất cả những người viết lời nói đầu cho cuốn sách; người khắc chữ, người đi bán sách, người in ấn và cả các vị quan chức địa phương ở đó; kẻ thì bị tử hình, người thì bị đi đày. Toàn bộ vụ án liên can đến trên 70 người.

Đầu năm 1711, lại có người cáo giác rằng trong bộ văn tập của 1 vị quan hàn lâm là Đới Danh Thế đã có những chỗ tỏ thái độ đồng tình với chính quyền nhà Nam Minh, lại còn dùng niên hiệu Vĩnh Lịch Đế của nhà Nam Minh. Xét tội đó, triều đình đã ra lệnh tống giam Đới Danh Thế vào nhà lao và xử tử hình. Vụ án này liên lụy đến những người thân của Đới Danh Thế và những người làm công việc khắc chữ, in ấn văn tập đó. Tất cả có tới trên 300 người. Những vụ án đó đều từ chuyện văn chương gây nên, cho nên gọi nó là "vụ án văn chương" (Văn tự ngục).

Khang Hy làm hoàng đế được 61 năm thì chết già. Người con trai thứ 4 của ông tên là Dận Trinh lên ngôi, tức là Thanh Thế Tông, còn gọi là Ung Chính Đế. Ung Chính Đế tính vốn tàn bạo, lại là người đầy lòng nghi kỵ. Dưới sự thống trị của ông, các vụ án văn chương ngày càng nhiều, càng nghiêm trọng. Nổi tiếng nhất là vụ Lã Lưu Lương. Lã Lưu Lương cũng là 1 học giả nổi tiếng. Sau khi nhà Minh bị diệt vong, ông đã từng tham gia cuộc đấu tranh chống Thanh, nhưng không thành công. Ông liền ở nhà dạy học. Có người tiến cử ông vào "Khoa Bác Học Hồng Từ", nhưng ông đã cự tuyệt thẳng thừng. Giới quan chức khuyên thế nào ông cũng chẳng nghe, dọa dẫm cũng không ăn thua. Sau đó ông đã dứt khoát vào chùa, cắt tóc đi tu. Các quan chức chịu bó tay, không thu nạp nổi ông. Đi tu chẳng qua là Lã Lưu Lương trốn trong chùa viết sách, lập thuyết. Trong sách ông viết có nội dung chống lại sự thống trị của nhà Thanh. Vừa hay, ngay sau khi viết xong, sách còn chưa kịp lưu hành thì Lã Lưu Lương mất, như vậy càng chẳng có ai chú ý đến việc này.

Có 1 người Hồ Nam tên là Tăng Tĩnh bất ngờ biết đến văn bản của Lã Lưu Lương, vô cùng khâm phục học vấn của ông, bèn sai 1 học sinh của mình là Trương Hy đi từ Hồ Nam tới tận Triết Giang quê cũ của Lã Lưu Lương để tìm xem có bản thảo nào còn sót lại không. Vừa mới đặt chân đến đất Triết Giang, Trương Hy đã nắm ngay được tin tức về bản thảo, lại còn tìm được 2 môn sinh của Lã Lưu Lương. Trương Hy nói chuyện với họ rất tâm đầu ý hợp. Sau khi về kể lại với Tăng Tĩnh, được Tăng Tĩnh cho hẹn gặp mặt 2 môn sinh đó. Thế là cả 4 người cùng nhau bàn luận về sự thống trị của nhà Thanh và họ đều cùng tỏ ra căm tức, bí mật bàn bạc tìm cách lật đổ vương triều Thanh. Họ đều cho rằng, nếu chỉ dựa vào mấy kẻ thư sinh thì không thể làm nên việc lớn. Sau, Tăng Tĩnh dò biết được về 1 vị đại thần người Hán tên là Nhạc Chung Kỳ, hiện đang làm tổng đốc ở Thiểm Cam. Ông này nắm binh quyền rất lớn, do từng lập được chiến công trong dẹp loạn ở vùng biên giới nên được Ung Chính Đế trọng dụng. Tăng Tĩnh bèn nghĩ, nếu như thuyết phục được Nhạc Chung Kỳ đứng lên chống lại nhà Thanh, thì sẽ có nhiều hy vọng thành công.

Tăng Tĩnh viết 1 lá thư, sai Trương Hy đưa đến Nhạc Chung Kỳ. Nhạc Chung Kỳ tiếp kiến Trương Hy, xé thư ra xem thấy trong thư khuyên ông chống Thanh, ông rất đỗi kinh ngạc, liền hỏi Trương Hy: "Nhà ngươi ở đâu đến đây, dám đưa bức thư hết sức phản nghịch và vô đạo như thế này?".

Trương Hy không hề đổi sắc mặt đáp: "Tướng quân có mối thù truyền kiếp với nhà Thanh, lẽ nào không muốn báo thù ư?".

Nhạc Chung Kỳ nói: "Nhà ngươi kiếm chuyện này ở đâu ra?".

Trương Hy nói: "Tướng quân họ Nhạc, chính là hậu duệ của Nhạc Trung Vũ Vương (tức Nhạc Phi) của nhà Nam Tống, còn tổ tiên của hoàng đế nhà Thanh hiện nay vốn là người Kim. Năm ấy Nhạc Vương bị nhà Kim câu kết với Tần Cối giết hại, mối oan này lưu thiên cổ. Hiện tướng quân có nhiều người ngựa trong tay, chính là một dịp rất tốt có thể báo thù cho Nhạc Vương!".

Nhạc Chung Kỳ nghe vậy lập tức ngoảnh mặt đi, hét lên, cho tống giam Trương Hy. Ông còn lệnh cho quan địa phương phải xét hỏi Trương Hy xem ai là người sai Trương Hy đến đây. Hy chịu mọi cực hình, nhưng vẫn 1 mực nói rằng: "Các ngươi muốn giết, muốn băm vằm ta cũng được, nhưng hỏi ai sai phái ta thì không có đâu!".

Nhạc Chung Kỳ nghĩ bụng: Trương Hy là 1 anh chàng cứng cổ, nếu chỉ dùng cứng thì không thể trị nổi anh ta. Liền nghĩ ra 1 biện pháp mềm dẻo khác. Hôm sau ông cho thả Trương Hy ra và bí mật tiếp kiến. Nhạc Chung Kỳ giả mặt bình thường như không, nói rằng: cuộc xét hỏi đêm qua chẳng qua là để thăm dò thử xem sao, nghe lời Trương Hy ông thấy vô cùng xúc động và quyết tâm dấy binh chống Thanh, rất mong Trương Hy giúp đỡ cho chủ trương. Thoạt đầu Trương Hy không tin, nhưng sau thấy Nhạc Chung Kỳ làm bộ trịnh trọng như thật, lại thề thốt có thần linh chứng giám, nên tỏ lòng tin. Hai người bàn bạc với nhau suốt mấy ngày liền, rất mực hào hứng. Trương Hy nói ra bằng hết, kể lể hết cả chuyện về thầy Tăng Tĩnh đã dặn dò và giao nhiệm vụ cho mình như thế nào. Nhạc Chung Kỳ nắm được tình hình do Trương Hy cung cấp, 1 mặt cử người về Hồ Nam tróc nã Tăng Tĩnh, 1 mặt lập ngay bản sớ tâu vua. Báo cáo trình bày rất đầy đủ mọi chi tiết mưu đồ làm phản của Tăng Tĩnh, Trương Hy như thế nào cho Ung Chính Đế biết.

Nhận được báo cáo, Ung Chính Đế vừa giận vừa nổi nóng, cho bắt ngay Tăng Tĩnh, Trương Hy giải về Bắc Kinh, dùng hình phạt nghiêm khắc để xét hỏi. Đến lúc đó, Trương Hy mới vỡ lẽ ra là mình đã bị mắc lừa to của Nhạc Chung Kỳ, nếu không thừa nhận cũng không xong. Ung Chính Đế tiếp tục tra xét và biết thêm Tăng Tĩnh còn đi lại với 2 học sinh của Lã Lưu Lương nữa. Thế là vụ án liền dính đến nhà Lã Lưu Lương. Lúc này, Lã Lưu Lương đã chết, Ung Chính Đế cho đào mả lên và bật quan tài ra. Vẫn chưa hả dạ, Ung Chính Đế còn xử chém đám con cháu và 2 môn sinh của Lã Lưu Lương ngay trước cửa nhà. Cũng còn không ít học sinh tin theo Lã Lưu Lương đều bị liên lụy và bị đày đi nơi xa.

Trong các vụ án, có 1 số thực sự là những hoạt động chống lại triều đình Thanh. Ngoài ra, còn nhiều vụ án văn chương được xử tràn lan hết sức gán ghép. Người ta bới lông tìm vết những sai sót trong văn chương, chỉ vì 1 câu thơ, thậm chí 1 chữ cũng dẫn đến tai họa. Có 1 lần, trong văn bản tấu lên trên của Từ Tuấn, 1 vị quan hàn lâm, viết 2 chữ "bệ hạ" lại sai mất chữ "bệ" (tức chữ "bệ" là thềm cung vua, viết thành chữ "bệ" có nghĩa là ngục tù). Ung Chính Đế nhìn thấy, lập tức cách chức ngay. Sau đó lại cho người đến khám nhà và tìm thấy trong tập thơ của Từ Tuấn có 2 câu thơ "Thanh phong bất thức tự, Hà sự loạn phiên thư?" (Gió mát không biết chữ, lật trang sách làm gì?). Đem bới chữ "Thanh phong" cho rằng có nghĩa ám chỉ nhà Thanh, thế là Từ Tuấn bị kết tội phỉ báng triều đình Thanh, và bị xử tử.


LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ