Khi Đường Túc Tông lên ngôi ở Linh Vũ, các quan văn võ bên mình chỉ có chưa tới 30 người. Trong triều đình vừa được thành lập đó, mọi việc đều ngổn ngang rối loạn. Các võ tướng cãi lộn, không chịu nghe theo lệnh chỉ huy. Muốn dẹp được loạn, Túc Tông thấy gấp rút cần có 1 người giỏi giúp điều hành mọi việc. Lúc đó, ông nhớ tới người bạn cũ khi ông còn làm thái tử. Người đó là Lý Tiết, hiện ở Dĩnh Dương. Đường Túc Tông lập tức cho người đi mời Lý Tiết đến Linh Vũ. Lý Tiết nguyên là người Trường An, từ nhỏ đã rất thông minh và đọc rộng. Trương Cửu Linh khi đó là tể tướng, sau khi đọc 1 số thơ văn của ông đã đánh giá cao và khen ngợi ông là "thần đồng". Khi Túc Tông làm thái tử, Lý Tiết đã trưởng thành. Ông dâng lên Huyền Tông 1 sớ tấu, nêu ý kiến về các việc lớn quốc gia. Đường Huyền Tông xem xong rất tán thưởng, triệu kiến ông, muốn phong cho ông 1 chức quan. Ông từ chối, nói rằng mình còn trẻ, không muốn làm quan. Huyền Tông liền để ông làm bạn với thái tử. Từ đó, ông thường xuyên lui tới Đông cung. Thái tử cũng rất quý trọng ông, coi ông như bậc thầy.
Sau đó, Lý Tiết không ưa cảnh lộng quyền của Dương Quốc Trung, từng làm thơ châm biếm. Vì lý do đó, ông bị Dương Quốc Trung đuổi ra khỏi Trường An. Thấy chính cục hỗn loạn và không muốn bị làm nhục, ông dứt khoát về ẩn cư ở Dĩnh Dương (nay thuộc Hà Nam). Lần này, Đường Túc Tông cho người đến mời, ông thấy triều đình có nhiều khó khăn, liền tới Linh Vũ. Đường Túc Tông gặp lại ông, mừng rỡ như được của báu. Trong triều đình lâm thời lúc đó, chưa chú ý nhiều đến lễ tiết vua tôi, Đường Túc Tông và Lý Tiết vẫn như đôi bạn thời thanh niên, cùng nhau ăn ở, bàn bạc mọi công việc lớn nhỏ. Lý Tiết đề xuất ý kiến nào cũng được Đường Túc Tông chấp nhận. Túc Tông muốn phong Lý Tiết làm tể tướng, nhưng Lý Tiết không nhận. Ông nói: "Bệ hạ đối đãi tôi như với người bạn tri kỷ, điều đo còn quý hơn là làm tể tướng, cần gì phải có chức tước".
Túc Tông thấy không ép được ông, đành cho qua. Khi Lý Tiết ẩn cư trong vùng núi, thường mặc áo vải. Tới Linh Vũ, ông cũng vẫn cứ mặc áo vải như vậy. Một lần, Lý Tiết đi cùng Đường Túc Tông duyệt 1 đơn vị quân đội. Quân lính ở phía sau, chỉ trỏ bảo nhau: "Người mặc hoàng bào kia là hoàng thượng, còn người mặc áo cánh ngắn kia là vị ẩn sĩ trên núi xuống".
Đường Túc Tông thấy binh sĩ bàn luận như thế, cảm thấy bất tiện quá, liền đưa cho Lý Tiết 1 bộ quan phục màu tía, nhất định bắt ông mặc vào. Lý Tiết không thể từ chối, phải mặc quan phục. Túc Tông cười nói: "Ngươi đã mặc quan phục thì không thể không có quan hàm". Nói xong, rút luôn từ trong ống tay áo ra 1 chiếu thư, phong Lý Tiết làm nguyên soái phủ hành quân trưởng sứ (tương đương như quân sư). Lý Tiết vẫn không chịu nhận, Đường Túc Tông nói: "Nay nước nhà đang có khó khăn, hãy tạm ép ngươi như vậy. Tới khi đã dẹp loạn xong, sẽ để ngươi tự do theo ý mình".
Lúc đó, Quách Tử Nghi cũng đã đến Linh Vũ. Triều đình phải chỉ huy cuộc chiến trên toàn quốc, việc quân rất bề bộn. Công văn giấy tờ từ khắp nơi trong nước gửi về, từ sớm đến tối không lúc nào dứt. Đường Túc Tông ra lệnh đưa tất cả công văn cho Lý Tiết xem trước, có công văn nào đặc biệt quan trọng, mới chuyển cho Túc Tông xem. Chìa khóa của cung đình cũng do thái tử Lý Thúc và Lý Tiết giữ. Lý Tiết bận rộn đến mức không còn thời giờ ăn uống nữa, ngay thời gian ngủ cũng rất ít. Đường Túc Tông nôn nóng muốn trở về Trường An, liền hỏi Lý Tiết: "Kẻ địch mạnh như thế này, chúng ta làm thế nào?".
Lý Tiết nói: "An Lộc Sơn nổi loạn, chỉ có rất ít kẻ thực lòng giúp hắn, còn lại đều là bị buộc tham gia. Theo dự liệu của tôi, chỉ không quá hai năm, chúng ta có thể tiêu diệt được chúng".
Sau đó, ông vạch ra cho Túc Tông 1 kế hoạch quân sự, tạm hoãn thu phục Trường An, mà phái Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật chia quân 2 đường đánh lên Hà Bắc, đánh vào sào huyệt cũ của địch ở Phạm Dương, khiến địch tiến thoái lưỡng nan rồi sẽ điều quân các lộ bao vây, tiêu diệt. Mùa xuân năm sau (757), nội bộ quân phiến loạn có tranh chấp, con của An Lộc Sơn là An Khánh Tự giết An Lộc Sơn và tự mình xưng đế. Đây vốn là cơ hội tốt để tiêu diệt địch. Nhưng Túc Tông do nóng lòng trở về Trường An, không nghe theo kế hoạch của Lý Quang Bật, điều quân mã của Quách Tử Nghi từ Hà Đông trở về, gượng ép tiến đánh Trường An. Kết quả bị đại bại, sau đó. Quách Tử Nghi mượn tinh binh của Hồi Hột (1 trong những dân tộc thiểu số ở miền bắc Trung Quốc thời đó), tập trung 15 vạn quân mã, mới chiếm lại được Trường An. Tiếp đó, lại thu phục được Lạc Dương, tên đầu sỏ phiến loạn An Khánh Tự chạy lên Hà Bắc, Sử Tư Minh buộc phải đầu hàng Sau khi quân Đường thu hồi được Trường An và Lạc Dương, Đường Túc Tông cảm thấy hết sức thỏa mãn, liền phái tuấn mã đón Lý Tiết về Trường An.
Sủng phi của Đường Túc Tông là Trương Lương Đệ và hoạn quan Lý Phụ Quốc thấy Lý Tiết có quyền lớn, liền câu kết với nhau, muốn trừ bỏ Lý Tiết. Thái tử Lý Thúc phát hiện âm mưu đó, liền báo với Lý Tiết. Lý Tiết nói: "Không sao! Thần và hoàng thượng đã có giao ước với nhau. Khi nào kinh thành được thu hồi, thần sẽ trở về núi, sẽ không có chuyện gì nữa!".
Lúc này, Lý Tiết thấy triều đình đã thu hồi được 2 kinh (Tây kinh và Đông kinh, tức Trường An và Lạc Dương) coi như đã thỏa lòng, liền quyết tâm rời khỏi triều đình. Một buổi tối, Đường Túc Tông mời Lý Tiết uống rượu và lưu ông ở lại ngủ cùng. Nhân dịp đó, Lý Tiết nói với Túc Tông: "Thần đã báo đáp được bệ hạ rồi. Xin cho thần trở về làm một người dân an nhàn".
Đường Túc Tông nói: "Sao lại thế! Ta và tiên sinh đã cùng nhau chung hoạn nạn trong mấy năm nay. Bây giờ chính là lúc muốn cùng tiên sinh chung hưởng yên vui. Sao tiên sinh lại đòi đi?".
Lý Tiết khẩn khoản nói: "Thần và bệ hạ quen biết nhau từ nhỏ, nay lại được bệ hạ trọng dụng, tin yêu. Chính vì những lý do đó nên thần không thể không rời bỏ nơi đây".
Đường Túc Tông gạt đi: "Thôi! Hôm nay ta ngủ đã, để sau này hãy nói".
Lý Tiết nói: "Hôm nay thần và bệ hạ cùng ngồi trên giường nói chuyện, mà bệ hạ vẫn không chấp nhận đề nghị của thần. Ngày mai, trước triều đình, thần còn có thể nói gì được nữa. Nếu bệ hạ không cho thần đi, coi như bệ hạ buộc thần phải chết".
Đường Túc Tông không muốn rời xa Lý Tiết nhưng không thể bác bỏ yêu cầu khẩn thiết của ông, đành phải đồng ý để ông rời khỏi triều đình. Lý Tiết tới Hành Sơn (tại tỉnh Hồ Nam ngày nay), làm 1 căn nhà trên núi, lại sống cuộc đời ẩn cư. Sau khi Lý Tiết đi khỏi, bên cạnh Đường Túc Tông thiếu mất 1 đại thần chính trực. Quyền lực của Lý Phụ Quốc và 1 số hoạn quan khác dần dần tăng lên.Triều Đường đi vào giai đoạn suy thoái.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Tiểu thuyết Lịch sửMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...