DÃ TÂM CỦA TƯ MÃ CHIÊU
Sau khi giết Tào Sảng được 2 năm, Tư Mã Ý cũng chết. Người thay thế chức vị của Tư Mã Ý là Tư Mã Sư, con cả ông. Đại quyền trong nước Ngụy rơi vào tay 2 anh em Ta Mã Sư và Tư Mã Chiêu. Trong số đại thần, ai dám có ý kiến chống lại, đều bị Tư Mã Sư giết. Ngụy Thiếu đế Tào Phương rất căm tức Tư Mã Sư. Có người khuyên Tào Phương nên tước bỏ binh quyền của 2 anh em họ Tư Mã, nhưng Tào Phương chưa kịp thực hiện ý định, đã bị Tư Mã Sư ra tay trước, bằng cách buộc thái hậu ra chiếu lệnh phế Tào Phương và lập Tào Mao, 1 cháu nội của Tào Phi lên kế vị. Một số tướng lĩnh Ngụy cai trị ở địa phương vốn không phục sự chuyên quyền của họ Tư Mã, nên sau khi Tào Phương bị phế, thứ sử Dương Châu là Văn Khâm và Trấn Đông tướng quân là Quán Khâu Kiệm liền đem quân chống lại Tư Mã Sư. Tư Mã Sư thân đem quân đi đánh, dẹp được 2 đạo quân trên, nhưng trên đường dẫn quân về Hứa đô, Tư Mã Sư bị bệnh mất.
Tư Mã Chiêu liền thay anh làm đại tướng quân. Ba cha con, anh họ Tư Mã, người sau càng ghê gớm hơn người trước, càng ngang ngược chuyên quyền hơn người trước. Ngụy đế Tào Mao không sao chịu nổi. Một hôm, ông ta cho gọi bọn thượng thư là Vương Kinh và 2 đại thần khác vào cung, thổ lộ lòng căm giận nói: "Dã tâm của Tư Mã Chiêu khắp mọi người đều biết. Trẫm không thể ngồi chờ tới lúc hắn giết mình. Hôm nay trẫm muốn cùng chư khanh đi trừ khử hắn".
Các đại thần đều thấy nếu đối đầu với Tư Mã Chiêu, không khác gì lấy trứng chọi đá, đều khuyên hoàng đế nên nín nhịn, kẻo chuốc lấy tai họa. Nhưng Tào Mao đã rút từ trong tay áo ra 1 đạo chiếu thư đã viết sẵn, quăng xuống đất nói: "Trẫm đã quyết tâm, dù có chết cũng không sợ, mà cũng không hẳn là có thể thất bại mà chết. Các khanh nếu còn lòng trung thành với cơ nghiệp do Võ đế xây dựng, thì hãy một lòng vì trẫm". Nói xong đi thẳng vào nội cung để bẩm với thái hậu. Nào ngờ, trong số 3 vị đại thần trên, đã có 2 vị vội lẻn ra ngoài, báo ngay cho Tư Mã Chiêu biết. Vị hoàng đế mới 20 tuổi là Tào Mao, mang lòng phẫn uất của tuổi trẻ, nhưng không biết chống lại Tư Mã Chiêu bằng cách nào. Ông ta tập hợp số quân cấm vệ ít ỏi trong nội cung, cùng với các thái giám hầu hạ quanh mình, rầm rộ kéo từ trong cung ra toan giết Tư Mã Chiêu. Bản thân Tào Mao rút bảo kiếm, đứng trên xe chỉ huy chiến đấu.
Tướng tâm phúc của Tư Mã Chiêu là Giả Sung dẫn 1 đội quân tới, chặn đứng quân cấm vệ lại. Hai bên xô xát. Tào Mao tiến lên, vung kiếm xông vào đánh. Thủ hạ của Giả Sung thấy hoàng đế tự ra tay, cũng có chút hoảng sợ, có kẻ đã toan tháo chạy. Thủ hạ có kẻ tên là Thành Tế, hỏi Giả Sung: "Tướng quân, chẳng lẽ chúng ta đánh nhau với hoàng thượng sao?".
Giả Sung lớn tiếng quát: "Tư Mã Công bình thường nuôi các ngươi làm gì, mà còn phải hỏi!".
Nghe Giả Sung quát như vậy, Thành Tế liền hăng tiết vung trường mâu tới đâm thẳng vào Tào Mao. Tào Mao không kịp đỡ, bị Thành Tế đâm xuyên qua ngực, gục xuống xe chết ngay. Tư Mã Chiêu nghe tin quân mình đã giết mất hoàng đế, cũng có phần lo ngại, vội đến triều đình, họp các đại thần lại bàn. Trước các triều thần, Tư Mã Chiêu giả bộ bất ngờ, thương khóc thảm thiết, rồi hỏi lão thần Trần Thái: "Lão quan, bây giờ ta nên giải quyết thế nào?".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...