Sau khi Đống Quán trấn áp cuộc khởi nghĩa của Phương Lạp không lâu, triều Kim ở đông bắc phái sứ giả đến Đông Kinh, thúc giục Bắc Tống đánh Yên Kinh, phối hợp với Kim cùng đánh Liêu. Nguyên do là triều Liêu qua mấy lần nội loạn và bị lực lượng khởi nghĩa của các dân tộc liên tục nổi dậy, đã trở nên thối nát và suy yếu. Trong thời kì đó, tộc Nữ Chân ở đông bắc Trung Quốc dần dần lớn mạnh lên. Nhân dân Nữ Chân bị quí tộc Liêu thống trị và áp bức từ lâu, sớm nảy nở tinh thần phản đối mãnh liệt. Mùa xuân năm 1112, Thiên Tộ Đế của triều Liêu là Da Luật Diên Hỉ tuần du tới Xuân Châu (nay thuộc tỉnh Cát Lâm) hào hứng tổ chức 1 cuộc đánh cá ở Hỗn Đồng Giang (nay là Tùng Hoa Giang), và hạ lệnh cho các tù trưởng thuộc bộ tộc Nữ Chân đến triều kiến. Theo phong tục địa phương, những con cá bắt được đầu tiên trong vụ đánh cá xuân, sẽ dành để cúng tổ tiên và mở tiệc ăn mừng. Năm đó, Liêu Thiên Tộ Đế mở tiệc cá đầu năm ở Xuân Châu, mời các tù trưởng uống rượu. Qua mấy tuần rượu, Thiên Tộ Đế có phần say, hạ lệnh cho các tù trưởng uống rượu, lần lượt ra biểu diễn các điệu múa của bộ lạc mình. Các tù trưởng dù không muốn, nhưng đều không dám chống lệnh, phải miễn cưỡng ra múa.
Đến lượt 1 thanh niên, anh ta vẫn lặng lẽ, giương mắt nhìn Thiên Tộ Đế, không động đậy gì. Người thanh niên đó là con của tù trưởng bộ lạc Hoàn Nhan là Ô Nhã Thúc tên là A Cốt Đả. Liêu Thiên Tộ Đế thấy A Cốt Đả dám ngang nhiên không tuân lệnh của mình trước mọi người thì bực tức, giục anh ta ra múa. Các tù trưởng khác sợ đắc tội với Thiên Tộ Đế, cũng khuyên A Cốt Đả ra múa. Nhưng, dù ai thúc, A Cốt Đả cũng không chịu, khiến Thiên Tộ Đế rất lúng túng. Bữa tiệc cá đầu năm vì vậy mà phải giải tán trong không khí kém vui. Liêu Thiên Tộ Đế không nổi nóng tại chỗ, nhưng sau khi tan tiệc, liền nói với đại thần là Tiêu Phụng Tiên: "Tên nhãi con A Cốt Đả ngạo nghễ như thế, thật không thể tha thứ được. Chi bằng sớm giết hắn đi, để tránh phát sinh hậu hoạn".
Tiêu Phụng Tiên cho rằng A Cốt Đả không có lỗi gì lớn, nếu giết đi sẽ gây nên sự bất mãn của các tù trưởng, liền nói: "Hắn là một kẻ lỗ mãng không hiểu lễ tiết, không đáng chấp. Ngay dù hắn có dã tâm, thì một bộ lạc con con cũng không làm được chuyện gì!".
Liêu Thiên Tộ Đế thấy Tiêu Phụng Tiên nói có lý, liền bỏ qua chuyện đó. A Cốt Đả đương nhiên không phải là không biết múa, nhưng vốn là người có tính cách cứng rắn, đã bất mãn từ lâu với chính sách áp bức của quí tộc Liêu đối với nhân dân Nữ Chân. Nay, thấy triều Liêu ngày càng thối nát, liền quyết tâm tách khỏi Liêu. Không lâu sau, cha của A Cốt Đả là Ô Nhã Thúc chết. A Cốt Đả chuẩn bị kế vị làm tù trưởng bộ lạc Hoàn Nhan. Ông cho xây dựng thành lũy, chuẩn bị vũ khí, huấn luyện người ngựa, từng bước thống nhất các bộ lạc thuộc tộc Nữ Chân, chuẩn bị chống lại Liêu. Liêu Thiên Tộ Đế được tin A Cốt Đả chuẩn bị chiến tranh, liền phái người đến quở trách, đồng thời điều động người ngựa thuộc mấy bộ lạc Hà Bắc tiến về đông bắc để uy hiếp. A Cốt Đả nói với bộ hạ: "Nay người Liêu sắp ra tay, chúng ta cần ra tay trước để tránh bị động".
Ông cho tập trung 2500 kỵ binh của các bộ lạc Nữ Chân, tự mình dẫn đầu, tập kích vào quân Liêu. Quân Liêu bị bất ngờ, hoảng hốt tan chạy. Liêu Thiên Tộ Đế được tin, lập tức phái đại quân đến trấn áp, bị quân A Cốt Đả đánh thua 1 trận lớn bên sông Hỗn Đồng. Quân Nữ Chân thừa thắng truy kích, binh lực phát triển tới 1 vạn người. Năm 1115, A Cốt Đả chính thức lên ngôi hoàng đế ở Hội Ninh (nay ở phía nam A Thành, Hắc Long Giang), lấy quốc hiệu là Đại Kim. Đó là Kim Thái Tổ. Sau khi lên ngôi, Kim Thái Tổ đem quân tiến đánh thị trấn quan trọng của triều Liêu ở đông bắc là Hoàng Long Phủ (nay là huyện Nông An, Cát Lâm), Liêu Thiên Tộ Đế phái hơn 2 vạn kỵ binh và bộ binh đến phòng thủ đông bắc, bị quân Kim đánh cho đại bại, mất sạch vũ khí và đồ quân dụng. Liêu Thiên Tộ Đế muốn giảng hòa, nhưng Kim Thái Tổ không thuận, mà chỉ đích danh, yêu cầu Thiên Tộ Đế đầu hàng. Thẹn quá hóa giận, Liêu Thiên Tộ Đế tổ chức 1 đội quân gồm 70 vạn người, thân dẫn đầu tiến lên Hoàng Long Phủ. Kim Thái Tổ hạ lệnh cho tướng sĩ củng cố thành lũy, đào sâu hào thành, chuẩn bị chống lại. Chính vào lúc đó, triều Liêu xảy ra nội loạn, Liêu Thiên Tộ Đế vội hạ lệnh rút quân. Kim Thái Tổ thừa cơ truy kích, mấy chục vạn quân Liêu nhanh chóng tan vỡ. Liêu Thiên Tộ Đế cắm đầu chạy, suốt ngày đêm vượt mấy trăm dặm mới bảo toàn được tính mạng.
Vì đại bộ phận binh lực của triều Liêu đã mất, các dân tộc ở miền bắc từ lâu đã căm hận sự thống trị của quí tộc Liêu, rầm rộ vùng lên khởi nghĩa. Có người đề nghị với Tống Huy Tông: nhân lúc triều Liêu sắp diệt vong, nên cử binh thu phục lại vùng đất Yên Vân. Tống Huy Tông liền cử sứ giả từ Sơn Đông đi đường biển lên đông bắc, hội kiến với Kim Thái Tổ, thương lượng cùng đánh quân Liêu. Hai bên thỏa thuận, là sau khi diệt Liêu, Bắc Tống sẽ thu hồi lại 16 châu Yên Vân mà đời Hậu Tấn đã cắt nhượng cho Liêu, đồng thời chuyển số tiền bạc, vải lụa hàng năm cống nạp cho Liêu sang cống nạp cho Kim. Lịch sử gọi thỏa thuận đó là "Hải Thượng chi minh" (minh ước trên biển). Quân Kim đánh xuống phía nam, liên tục tấn công 4 kinh thành của Liêu, còn để lại Yên Kinh sẽ do Tống tiến đánh theo thỏa thuận trong minh ước. Đồng Quán vừa trấn áp xong cuộc khởi nghĩa Phương Lạp, liền dẫn 15 vạn quân lên phía bắc. Ông chủ quan cho rằng, chủ lực quân Liêu đã bị quân Kim tiêu diệt thì việc chiếm Yên Kinh sẽ không khó khăn gì. Ngờ đâu quân Liêu tuy suy yếu, những còn mạnh hơn quân Tống rất nhiều. Đồng Quán bị thua liền 2 trận, không những không chiếm được Yên Kinh, mà còn hao binh tổn tướng, mất hết số vũ khí thương thảo tích lũy được trong nhiều năm.
Để trốn tránh trách nhiệm thua trận, Đồng Quán cử người ngầm đề nghị Kim đánh Yên Kinh. Quân Kim liền chiếm Yên Kinh, nhưng không giao lại cho Bắc Tống. Đồng Quán đnàh thương lượng, giao toàn bộ số tô thuế hàng năm ở Yên Kinh là 1 vạn quan tiền cho triều Kim để chuộc lại Yên Kinh. Qua đó, triều Kim thấy rõ được sự suy yếu và thối nát của Bắc Tống. Năm 1125, em Kim Thái Tổ là Kim Thái Tông Hoàn Nhan Thạnh cử tướng truy kích Liêu Thiên Tộ Đế, tiêu diệt triều Liêu. Sau đó, quân Kim tiến xuống phía nam, tiến công vương triều Bắc Tống.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficção HistóricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...