35-36

1.6K 6 0
                                    

ĐIỀN ĐAN ĐÁNH TRẬN BẰNG TRÂU LỬA

Nhạc Nghị ra quân trong nửa năm, liên tiếp đánh chiếm được hơn 70 thành trì của nước Tề, cuối cùng chỉ còn lại Cử Thành (nay ở huyện Cử, Sơn Đông) và Tức Mặc (nay ở đông nam huyện Bình Độ, Sơn Đông) là hai cứ điểm đơn độc. Quan đại phu nước Tề ở Cử Thành lập con của Tề Vương lên làm vua, tức là Tề Tương Vương. Nhạc Nghị sai quân đánh thành Tức Mặc, quan đại phu giữ thành đem quân ra chống cự, bị tử trận.

Thành Tức Mặc không có chủ tướng, suýt rơi vào cảnh hỗn loạn. Lúc đó, trong thành có một người họ hàng xa với Tề Vương, tên là Điền Đan, đã từng chỉ huy quân đội. Mọi người liền tôn ông làm tướng, chỉ huy việc giữ thành. Điền Đan đồng cam cộng khổ cùng binh lính, đưa người trong gia đình và dòng họ mình biên chế vào đội ngũ để chống lại quân Yên. Người Tức Mặc rất khâm phục ông, nên sĩ khí tăng lên rất nhiều.

Nhạc Nghị vây khốn Cử Thành và Tức Mặc suốt ba năm vẫn chưa hạ được. Ở Yên có kẻ ghen tức với Nhạc Nghị, gièm pha với Yên Chiêu Vương: Nhạc Nghị có thể hạ được hơn 70 thành chỉ có trong nửa năm, tại sao mất tới ba năm mà vẫn chưa hạ được hai thành còn lại? Không phải ông ta không làm được việc đó, mà là có ý thu phục lòng người nước Tề, để chờ dịp sẽ tự mình làm Tề Vương.

Yên Chiêu Vương rất tin Nhạc Nghị nên trả lời: "Công lao của Nhạc Nghị to lớn không thể nói hết, cho dù ông ta có làm Tề Vương thì cũng xứng đáng. Tại sao các ngươi lại nói những lời như thế?".

Yên Chiêu Vương còn cử người sang Lâm Tri gặp Nhạc Nghị, phong Nhạc Nghị làm Tề Vương, Nhạc Nghị hết lòng cảm kích, nhưng dứt khoát cũng không nhận tước vương. Do đó, uy tín của Nhạc Nghị ngày càng cao.

Hai năm sau Yên Chiêu Vương mất, thái tử lên nối ngôi, tức là Yên Huệ Vương. Điền Đan được tin đó, cho rằng thời cơ tốt đã đến, liền phái người sang Yên phao tin, nói Nhạc Nghị đã lên ngôi Tề Vương. Trước kia vì còn tiên vương (tức Yên Chiêu Vương) nên Nhạc Nghị chưa dám nhận. Nay vua mới lên rồi, Nhạc Nghị sẽ ở lại Tề làm vương. Nếu nước Yên cử một đại tướng khác sang thì nhất định sẽ hạ được Cử Thành và Tức Mặc.

Yên Huệ Vương vốn có hiềm khích với Nhạc Nghị, nghe tin đồn đó, liền cử Kỵ Kiếp sang làm đại tướng thay cho Nhạc Nghị. Nhạc Nghị vốn người nước Triệu, liền trở về Triệu. Kỵ Kiếp được phong làm đại tướng, đến thay Nhạc Nghị, các tướng sĩ Yên không phục nhưng chỉ hậm hực không dám nói ra.

Kỵ Kiếp hạ lệnh vây chặt Tức Mặc, hết vòng này đến vòng khác. Nhưng ở trong thành Điền Đan đã chuẩn bị đầy đủ kế hoạch phản công. Mấy hôm sau, binh tướng nước Yên thấy dân chúng đang bàn luận, có người nói: "Trước đây Nhạc tướng quân rất tốt, bắt được tù binh còn đối đãi tử tế, dân thường trong thành không phải sợ hãi gì cả. Nếu họ cứ đem tù binh ra cắt mũi đi, thì người nước Tề còn ai dám chống cự nữa". Có người nói: "Phần mộ của tổ tiên chúng ta ở cả ngoài thành, nếu quân đội Yên đào cả lên thì làm thế nào?".

Những lời bàn đó lọt vào tai Kỵ Kiếp, ông ta liền làm theo những lời đó, cắt hết mũi của tù binh, lại sai binh lính đào mồ mả của dân Tề ở ngoài thành lên. Nhân dân trong thành Tức Mặc thấy quân Yên ngược đãi tù binh như thế, hết thảy đều căm thù, lại thấy phần mộ của ông cha ở ngoài thành bị đào bới cả lên thì vô cùng phẫn uất, nhao nhao đòi Điền Đan cho xuất quân, quyết một trận tử chiến với quân Yên.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ