THƯ SINH NGU DOÃN VĂN ĐÁNH LUI ĐỊCH

608 4 0
                                    

Sau hòa ước Thiệu Hưng, 2 bên Tống - Kim trong 20 năm không xảy ra xung đột. Tống Cao Tông và 1 số đại thần thuộc phái đầu hàng hoàn toàn thỏa mãn với cục diện nép mình ở phía nam, cho xây dựng nhiều cung điện dinh thự hào hoa tráng lệ ở Lâm An, sống cuộc sống vàng son, không nghĩ gì đến việc thu phục lại vùng lãnh thổ bị chiếm đoạt. Trong thời gian đó, trong nội bộ tập đoàn thống trị triều Kim có xung đột. Quí tộc Hoàn Nhan Lượng giết Kim Hy Tông rồi tự lập làm vua, lịch sử gọi là Hải Lăng Vương. Hoàn Nhan Lượng dời kinh đô Kim từ Thượng Kinh xuống Yên Kinh (Bắc Ninh ngày nay) để theo đuổi cuộc chiến tranh tiêu diệt Nam Tống. Một hôm, Nhan Lượng nằm mơ, thấy mình lên thiên cung, thiên đế hạ lệnh cho ông thảo phạt triều Tống. Ông ta nói lại giấc mơ đó cho các đại thần nghe. Một số kẻ xu phụ đều nói đó là điềm tốt và sụp lạy chúc mừng hoàng đế. Hoàn Nhan Lượng liền quyết định cử quân tiến đánh miền nam.

Tin tức về việc Hoàn Nhan Lượng chuẩn bị khởi binh truyền tới Lâm An. Một số đại thần đề nghị triều đình chuẩn bị chống lại nhưng đều bị Tống Cao Tông quở trách là bày đặt, sinh sự. Sau đó, triều Kim phái sứ thần Thi Nghi Sinh đến Lâm An, Tống Cao Tông cử đại thần là Trương Đào tiếp đón. Trương Đào biết Thi Nghi Sinh vốn là quan cũ của triều Tống nên muốn Thi Nghi Sinh cho biết tin tức. Thi Nghi Sinh cũng muốn báo tin, nhưng bên cạnh luôn có quan chức người Kim nên rất khó nói thẳng. Thi Nghi Sinh đành nói bóng gió: "Hôm nay gió bắc thổi ghê gớm quá!", rồi vỗ bàn nói: "Bút lai! Bút lai!". (Đưa bút đến đây! Âm Trung Quốc chữ "bút" và chữ "tất" đồng âm. "Bút lai" có thể hiểu là "tất lai", tức "đều đến cả").

Trương Đào được Thi Nghi Sinh tiết lộ cho biết tin tức, vội tâu với Tống Cao Tông là quân Kim sắp tiến công lớn. Nhưng Tống Cao Tông vẫn coi như gió thoảng ngoài tai. Tháng 9 năm 1161, Hoàn Nhan Lượng chuẩn bị xong, liền huy động 60 vạn quân, tổ chức thành 32 đạo, đưa toàn lực tiến công Nam Tống. Trước giờ xuất phát, Hoàn Nhan Lượng huênh hoang tuyên bố với các tướng lĩnh: "Trước kia Lương vương (tức Ngột Truật) tiến công triều Tống, tốn bao thời gian mà không dành được thắng lợi. Lần này ta xuất chinh, lâu là một trăm ngày, chóng là một tháng nhất định sẽ bình định phương nam!".

Đại quân của Hoàn Nhan Lượng tới sát bờ bắc Hoàng Hà. Chủ soái trấn thủ Giang Bắc là Lưu Kỳ đang ốm nặng, liền cử phó soái là Vương Quyền tới Thọ Xuân ở Hoài Tây tổ chức phòng thủ. Vương Quyền là kẻ tham sống sợ chết, nghe tin quân Kim đánh xuống, thì kinh hoàng bạt vía, không dám chống cự. Hoàn Nhan Lượng đưa quân vượt Hoài Hà, Vương Quyền nhìn thấy bóng quân Kim đã bỏ chạy 1 mạch qua Trường Giang, tới tận Thái Thạch mới dừng lại. Tống Cao Tông nghe tin Vương Quyền thua trận, bắt đầu lo sợ. Ông cách chức Vương Quyền và cử Lý Hiển Trung lên thay, đồng thời cử tể tướng Diệp Nghĩa Vấn lên thị sát tình hình trong quân phòng thủ Giang Hoài. Diệp Nghĩa Vấn cũng là kẻ nhát gan, không dám tự mình ra tiền tuyến, liền cử viên Trung thư xá nhân (1 chức quan văn) tới úy lạo các tướng sĩ Tống ở Thái Thạch. Ngu Doãn Văn tới Thái Thạch thì Vương Quyền đã đi rồi, còn người thay thế là Lý Hiển Trung thì chưa tới. Quân Kim bên kia bờ đang chuẩn bị vượt sông, quân Tống bên này không có chủ tướng; lòng người xốn xang, trật tự rối loạn. Ngu Doãn Văn tới bờ sông, thấy binh lính Tống ủ rũ, ngồi tụm 5 tụm 3 bên vệ đường, yên ngựa và khôi giáp vứt ngổn ngang bên cạnh. Ngu Doãn Văn hỏi: "Quân Kim sắp vượt sông, các ngươi còn ngồi đây đợi gì?".

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ