Sau khi Đường Trung Tông trở lại ngôi vua, để vợ mình là Vĩ hậu nắm chính quyền, trọng dụng Võ Tam Tư, làm cho triều chính rối bét. Năm 710, sau khi Trung Tông chết, con của Duệ Tông là Lý Long Cơ khởi binh giết Vĩ hậu, đón Duệ Tông về trở lại ngôi vua. Hai năm sau, Duệ Tông nhường ngôi vua lại cho Lý Long Cơ. Đó là Đường Huyền Tông. Hoàng đế trẻ tuổi Đường Huyền Tông mới ngoài 20 tuổi, đầy lòng hăng hái, muốn khôi phục sự nghiệp của Đường Thái Tông. Ông dùng Diêu Sùng làm tể tướng, chỉnh đốn nội chính, khắc phục mọi rối loạn từ thời Trung Tông để lại. Vương triều Đường lại xuất hiện cảnh hưng thịnh. Chính lúc Huyền Tông dốc sức vào việc cai trị thì ở miền Hà Nam xuất hiện nạn châu chấu lan rộng chưa từng có. Trên khắp vùng Trung nguyên rộng lớn xuất hiện từng đàn châu chấu. Mỗi khi chúng bay tới đâu, là tạo nên 1 đám đen đặc, che lấp hết ánh mặt trời. Châu chấu hạ xuống đâu, chỉ 1 loáng, toàn bộ hoa màu bị cắn sạch quang.
Thời đó, người ta chưa có hiểu biết khoa học, nên cho rằng châu chấu là tai họa do trời giáng xuống. Có những kẻ còn lợi dụng dịp đó để tuyên truyền mê tín. Vì vậy khắp nơi, dân chúng đều thắp hương cầu thần phật phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Đứng trước cảnh hoa màu lúa má bị châu chấu tàn phá, không ai đề ra được biện pháp gì thiết thực. Tai nạn càng ngày càng nghiêm trọng, khu vực bị tàn phá càng ngày càng lan rộng. Quan lại các địa phương tới tấp gửi công văn cáo cấp về triều đình. Tể tướng Diêu Sùng dâng 1 sớ tấu lên Huyền Tông, cho rằng châu chấu chẳng qua chỉ là 1 loại côn trùng, nhất định có cách trị được. Miễn là quan dân các địa phương đồng lòng dốc sức vào việc diệt châu chấu, thì họa châu chấu sẽ chẳng có gì là nguy hiểm. Đường Huyền Tông rất tín nhiệm Diêu Sùng, lập tức phê chuẩn lời tâu của ông. Diêu Sùng ban bố mệnh lệnh, yêu cầu dân chúng cứ tới đêm là đốt lửa ở góc ruộng, hấp dẫn châu chấu tới rồi tập trung đánh giết, vun xác xuống 1 hố lớn rồi lấp đi.
Mệnh lệnh đưa xuống, thứ sử Biện Châu (nay là Khai Phong, Hà Nam) là Nghê Nhược Thủy cự tuyệt không chấp hành. Ông cũng dâng sớ tâu lên, nói châu chấu là thiên tai, sức người không thể chống lại được, muốn tiêu diệt châu chấu chỉ có 1 cách là tích đức sửa mình. Diêu Sùng xem tờ tấu của Nghê Nhược Thủy thì nổi trận lôi đình, lập tức viết thư khiển trách và cảnh cáo: nếu cứ nhìn châu chấu hoành hành mà không có biện pháp trừ diệt, thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nạn đói sắp xảy ra. Nghê Nhược Thủy thấy lời tể tướng gay gắt, không thể không làm theo phương pháp do Diêu Sùng nêu ra, quả nhiên thu được kết quả, chỉ riêng vùng Biện Châu đã diệt được 14 vạn tạ châu chấu. Nạn châu chấu giảm hẳn (tạ Trung Quốc thời cổ = 50kg, 14 vạn tạ = 7000 tấn).
Nghê Nhược thủy bị sự thực thuyết phục. Nhưng trong triều đình, vẫn còn có nhiều người phản đối, cho rằng biện pháp diệt châu chấu của Diêu Sùng xưa nay chưa ai từng làm. Nay nếu cứ làm bừa, e rằng sẽ sinh ra chuyện rắc rối. Đường Huyền Tông thấy có khá nhiều người phản đối, có phần hoang mang, vội triệu Diêu Sùng đến hỏi. Diêu Sùng ung dung trả lời: "Làm việc miễn là đúng lý lẽ thì thôi, sao cứ phải phụ thuộc vào khuôn phép cũ. Vả lại thời xưa, khi có nạn châu chấu, do không có biện pháp diệt trừ nên bao giờ cũng dẫn tới nạn đói. Nay vùng Hà Nam, Hà Bắc không có nhiều lương thực dự trữ. Nếu năm nay để châu chấu phá hết hoa màu, không thu hoạch được gì thì trăm họ sẽ lâm vào nạn đói, lưu lạc thất tán, nước nhà sẽ rất nguy hiểm".
Đường Huyền Tông thấy nói nạn châu chấu có ảnh hưởng đến an toàn quốc gia thì sợ hãi và hỏi: "Theo ý khanh thì nên làm thế nào?".
Diêu Sùng trả lời: "Các đại thần nói biện pháp của thần không tốt khiến bệ hạ lo nghĩ. Xin bệ hạ đừng bận tâm quá nữa, cứ để thần xử lý. Nếu xảy ra chuyện gì xấu, thần nguyện xin chịu tội".
Đường Huyền Tông gật đầu đồng ý. Khi Diêu Sùng ra tới cửa cung, có 1 hoạn quan kéo tay áo ông, nói nhỏ: "Giết nhiều châu chấu quá e rằng tổn thương tới hòa khí của đất trời. Xin tướng công xét kĩ".
Diêu Sùng nói: "Chuyện này đã quyết định rồi. Xin ông bất tất nói nhiều. Nếu không diệt châu chấu, khắp nơi đều hoang tàn, trăm họ vùng Hà Nam chết đói hết, điều đó chăng tổn thương đến hòa khí của đất trời hay sao?".
Do Diêu Sùng nghĩ tới việc an nguy của quốc gia và đời sống nhân dân, không chùn bước trước nhiều ý kiến phản đối, kiên quyết đôn đốc việc diệt châu chấu, nên nạn châu chấu dần dần dập tắt được. iêu Sùng nổi tiếng là làm việc giỏi. Một lần, vì nhà có việc tang, ông xin nghỉ 10 ngày, công việc triều đình dồn đống lại rất nhiều. Một tể tướng khác là Lư Hoài Thận không biết xử lý thế nào nên hết sức bối rối. 10 ngày sau, Diêu Sùng về triều, chỉ trong 1 thời gian rất ngắn, đã giải quyết xong mọi việc tích tụ trong thời gian ông vắng mặt. Các đại thần khác thấy thế, không người nào không khâm phục. Diêu Sùng có chút đắc ý, nói với 1 viên quan: "Tể tướng như Diêu Sùng này, có thể sánh với ai thời xưa? Có thể sánh với Quản Trọng, Án Anh chăng?".
Viên quan kia nói: "Sánh với Quản Trọng, Án Anh e rằng chưa được. Nhưng có thể nói ngài là tể tướng có tài cứu vãn tình thế".
Trong hơn 20 năm đầu sau khi lên ngôi, ngoài Diêu Sùng, Đường Huyền Tông còn sử dụng nhiều tể tướng tài giỏi như Tống Cảnh, Trương Duyệt, Hàn Hưu, Trương Cửu Linh. Ông biết tiếp thu những ý kiến đúng đắn của tể tướng và các đại thần, áp dụng 1 số biện pháp có lợi cho phát triển kinh tế. Vì vậ thời đó, đất nước cường thịnh, tài chính dồi dào. Theo nói lại, khi đó kho tàng ở các châu huyện đều đầy ấp lương thực và vải vóc, giá lúa và giá vải ở Trường An và Lạc Dương đều hạ. Lịch sử gọi thời kì đó là "Khai nguyên chi trị" (nền thịnh trị dưới thời Khai Nguyên. Khai Nguyên là niên hiệu của Đường Huyền Tông từ 713 đến 742).
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficción históricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...