Huyền Trang là hòa thượng ở chùa Đại Từ Ân, Trường An. Vốn ông có tên là Trần Huy, quê quán ở Câu Thị (nay là thị trấn Câu Thị, Yển Sư, Hà Nam) thuộc Lạc Châu. Năm 13 tuổi, ông xuất gia đi tu và miệt mài nghiên cứu Phật học. Ông đã đi nhiều nơi tìm thầy học tập, nên đã tinh thông kinh điển Phật giáo, được tôn xưng là Tam Tạng pháp sư. Ông phát hiện thấy kinh phật được phiên dịch có rất nhiều sai lầm, lại nghe nói ở Thiên Trúc có rất nhiều kinh phật, nên quyết định đến Thiên Trúc để đọc kinh phật từ bản gốc. Năm 629 (có thuyết nói là năm 627), ông xuất phát từ Trường An đến Lương Châu (nay là Vũ Uy, Cam Túc). Lúc đó, triều đình cấm không cho dân Đường xuất cảnh, nên bị binh lính biên phòng Lương Châu yêu cầu quay trở lại Trường An. Ông liền bỏ qua Lương Châu, đi sang phía tây, đến Qua Châu (nay là Tây An, Cam Túc) gần Ngọc Môn quan.
Huyền Trang ở Qua Châu, tìm hiểu biết rằng ở ngoài Ngọc Môn quan có 5 trại canh gác, mỗi trại cách nhau 100 dặm. Trong khu vực đó không có nguồn nước, chỉ có cạnh các trại mới có. Lúc đó các quan chức ở Lương Châu đã biết được ông đang tìm cách vượt biên, nên gửi công văn đến Qua Châu để bắt giữ ông lại. Vì vậy, nếu đi vào các trại, nhất định sẽ bị binh lính biên phòng bắt. Huyền Trang đang lúc khó khăn thì gặp 1 người Hồ tên là Thạch Bàn Đà, tỏ ý sẵn sàng dẫn đường cho ông. Huyền Trang rất mừng, liền bán quần áo, mua 2 con ngựa, rồi cùng Thạch Bàn Đà đi suốt đêm, hết sức vất vả mới thoát ra được Ngọc Môn quan. Sau đó, họ phải nằm ngủ trong 1 bụi cây để chuẩn bị tiếp tục hành trình về phía tây. Ngờ đâu, sau chặng đường đầu, Thạch Bàn Đà không muốn đi tiếp nữa, thậm chí còn muốn giết Huyền Trang. Huyền Trang phát hiện anh ta có ý xấu, liền đuổi anh ta đi.
Từ đó Huyền Trang chỉ có 1 mình 1 ngựa lần mò tìm lối đi trên sa mạc. Đi khoảng 80 dặm tới bên 1 trại quân biên phòng nữa. Sợ bị phát hiện, ban ngày ông ẩn dưới khe, đợi khi tối mới ra tìm nguồn nước cạnh trại quân. Trong lúc ông đang dùng túi da để múc nước, thì bất ngờ có 1 phát tên bắn sát cạnh người. Biết không thể thoát được, ông đành đứng dậy kêu to về phía chòi gác: "Đừng bắn! Tôi là một nhà sư từ Trường An tới".
Người trên trại gác ngừng bắn. Cổng trại được mở, binh lính trong trại ra dẫn Huyền Trang vào. Thật may mắn, người chỉ huy trại lính là hiệu úy Vương Tường, 1 tín đồ rất sùng tín Phật giáo. Sau khi hỏi han, Vương Tường không những không làm khó dễ, mà còn gọi người mang cơm nước cho Huyền Trang, rồi tự mình dẫn Huyền Trang đi hơn 10 dặm đường, sau đó chỉ dẫn cho Huyền Trang lối đi tới trại gác thứ 4. Người chỉ huy trại thứ 4 là anh em cùng họ với Vương Tường, thấy Huyền Trang từ chỗ Vương Tường tới thì nhiệt tình tiếp đãi rồi nói cho biết là binh lính ở trại thứ 5 rất hung bạo, nên bỏ qua, đi vòng qua đến lấy nước ở Dã Mã Tuyền rồi vượt qua đại sa mạc rộng tới 800 dặm để sang Tây Vực. Huyền Trang theo lời, từ trại thứ 4 đi vòng, được hơn 100 dặm thì lạc đường, không tìm thấy Dã Mã Tuyền để lấy nước. Họa vô đơn chí, trong lúc ông đang lấy túi da còn 1 ít nước trong đó để uống thì lỡ tay làm rớt túi, nước trào ra, ngấm xuống cát hết. Không có nước uống thì vượt sa mạc làm sao? Huyền Trang toan quay trở lại trại thứ 4 để lấy nước, nhưng chợt nhớ tới lời thề trước lúc lên đường là nếu chưa tới đích thì không lui 1 bước. Bây giờ, sao có thể vì gặp khó khăn mà quay lui được? Nghĩ tới điều đó, ông lại quay ngựa, tiếp tục đi về hướng tây.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...