HOÀNG ĐẾ ĐÁNH XUY VƯU
Cách đây khoảng hơn 4000 năm, ở lưu vực Hoàng Hà và Trường Giang có nhiều thị tộc và bộ tộc sinh sống, Hoàng Đế là một trong những thủ lĩnh bộ tộc nổi tiếng nhất trong truyền thuyết, bộ lạc do Hoàng Đế làm thủ lĩnh ban đầu sống ở vùng Cơ Thủy, thuộc Tây Bắc Trung Quốc, sau dời tới vùng Trác Lộc ( nay là Trác Lộc, Hoài Lai tỉnh Hà Bắc ) bắt đầu định cư, phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Viêm Đế là thủ lĩnh một bộ lạc khác đồng thời với Hoàng Đế, ban đầu cư trú tại vùng Khương Thủy ở Tây Bắc Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Viêm Đế có quan hệ thân tộc với Hoàng Đế. Trong khi bộ lạc của Viêm Đế ngày càng sa sút thì bộ lạc của Hoàng Đế lại rất thịnh vượng.
Lúc đó Xuy Vưu là thủ lĩnh của bộ tộc Cửu Lê, rất hung tợn. Truyền thuyết nói Xuy Vưu có 81 anh em đều có thân hình mãnh thú, đầu đồng trán sắt, ăn sỏi đá, hung hăng mạnh mẽ vô cùng. Họ còn chế tạo ra các loại vũ khí như đao, kích, cung nỏ, thường dẫn bộ tộc đi xâm chiếm cướp bóc bộ tộc khác. Có lần Xuy Vưu xâm chiếm vùng đất của Viêm Đế, Viêm Đế mang quân chống lại nhưng không địch nổi, bị Xuy Vưu đánh giết tan tác, Viêm Đế đành phải chạy đến Trác Lộc xin Hoàng Đế giúp đỡ. Hoàng Đế vốn đã muốn tiễu trừ hiểm họa đó, liền liên kết các bộ lạc, chuẩn bị người, ngựa, vũ khí, triển khai một cuộc đại quyết chiến với Xuy Vưu trên cánh đồng Trác Lộc. Về trận đại chiến này, có rất nhiều truyền thuyết hoang đường như nói rằng, ngày thường Hoàng Đế đã nuôi 6 loại dã thú là hùng, bi, tì, hưu, khu, hổ, khi đánh nhau thì thả chúng ra trợ chiến (có người cho rằng 6 loại dã thú trên, thực tế là 6 thị tộc mang tên các dã thú đó). Quân của Xuy Vưu tuy hung dữ nhưng gặp phải quân của Hoàng Đế có dã thú giúp sức thì không địch nổi, liền tan vỡ tháo chạy.
Hoàng Đế dẫn quân thừa thắng đuổi theo, bỗng trời đất tối tăm, sương mù dày đặt, lại thêm cuồng phong dữ dội, sấm sét liên hồi khiến quân của Hoàng Đế không sao đuổi được. Thì ra Xuy Vưu đã mời thần gió, thần mưa đến giúp. Hoàng Đế không chịu kém, liền mời Thiên Nữ giúp sức. Chỉ trong chớp mắt, trời quang mây tạnh nên Xuy Vưu đã bị đánh bại. Lại có truyền thuyết nói rằng Xuy Vưu dùng yêu thuật, tạo ra sương mù dày đặt, làm quân của Hoàng Đế mất phương hướng, Hoàng Đế liền dùng xe có kim chỉ nam dẫn đường nhằm đúng hướng rút chạy của Xuy Vưu đuổi giết. Kết quả đã bắt và giết được Xuy Vưu. Những truyền thuyết trên đã phản ánh mức độ khốc liệt của cuộc chiến tranh đó. Các bộ tộc thấy Hoàng Đế đánh bại được Xuy Vưu đều rất phấn khởi, Hoàng Đế được rất nhiều bộ lạc ủng hộ. Nhưng sau đó hai bộ lạc của Hoàng Đế và Viêm Đế lại xảy ra xung đột. Hai bên đánh nhau một trận ở Bản Tuyền (nay là Đông Nam huyện Trác Lộc, tỉnh Hà Bắc). Viêm Đế thất bại, từ đó, Hoàng Đế trở thành thủ lĩnh của liên minh bộ lạc vùng Trung Nguyên.
Thời Hoàng Đế trong truyền thuyết đã có rất nhiều phát minh sáng tạo như làm nhà ở, đóng xe thuyền, may được quần áo ngũ săc...Đương nhiên những cái đó không thể là phát minh của một người, nhưng người đời sau đều quy công tất cả cho Hoàng Đế. Theo truyền thuyết, Hoàng Đế có người vợ tên là Luy Tổ, tự mình làm mọi công việc lao động. Từ trước, giống tằm chỉ sống trong tự nhiên, người ta không biết tác dụng của nó, Luy Tổ dạy phụ nữ nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa. Từ đó, loài người mới có tơ lụa. Hoàng Đế còn có một sử quan tên là Thương Hiệt, đã sáng tạo ra chữ viết thời cổ, chúng ta không được thấy chữ viết thời đó nên không có cách gì chứng minh việc này. Trong các truyền thuyết thời cổ đại Trung Quốc, Hoàng Đế rất được tôn sùng, người đời sau đều cho rằng Hoàng Đế là thủy tổ của tộc Hoa Hạ và coi mình là con cháu Hoàng Đế. Vì Viêm Đế và Hoàng Đế vốn là thân thuộc, sau này hai bộ lạc lại hòa lẫn vào nhau nên người Trung Quốc thường tự xưng mình là con cháu Viêm-Hoàng. Để kỉ niệm vị tổ tiên chung đó, đời sau người ta xây dựng lăng Hoàng Đế ở Kiều Sơn, phía bắc huyện Hoàng Lăng tỉnh Thiểm Tây.
NGHIÊU - THUẤN NHƯỜNG NGÔI
Theo truyền thuyết, sau Hoàng Đế, trước sau còn có 3 thủ lĩnh liên minh bộ lạc rất nổi tiếng là Nghiêu, Thuấn và Vũ. Họ vốn là thủ lĩnh của một bộ lạc, sau mới được bầu là thủ lĩnh của liên minh bộ lạc. Lúc đó khi gặp việc gì lớn, thì thủ lĩnh liên minh bộ lạc đều phải bàn bạc với các thủ lĩnh bộ lạc. Khi Nghiêu già cả, muốn tìm ra một người kế thừa chức vị của mình, liền mời thủ lĩnh bộ lạc các nơi đến họp. Sau khi Nghiêu nêu ý kiến, có một người tên là Phóng Tề nói rằng: "Con trai ngài là Đan Chu, là một người thông minh, có thể kế thừa chức vị của ngài". Nghiêu nghiêm khắc nói: "Không được, thằng bé đó tính không khoan hòa, chỉ thích cãi cọ với người khác". Một người khác tên là Hoan Đâu nói: "Người phụ trách thủy lợi Cộng Công, làm việc rất tốt, được chăng?". Nghiêu lắc đầu: " Cộng Công nói giỏi, làm việc rất giỏi, bên ngoài tỏ ra cung kính nhưng lòng dạ khó lường, trao cho người như thế ta không yên tâm". Lần họp bàn đó chưa có kết quả, Nghiêu tiếp tục tìm kiếm người kế vị. Sau đó ông lại triệu tập thủ lĩnh các bộ lạc lại bàn bạc, bảo họ tiến cử một người. Hội nghị nhất trí chọn Thuấn. Nghiêu gật đầu nói: "Đúng, ta cũng nghe nói người đó rất tốt, các ông thử nói kỹ hơn về Thuấn xem sao".
Mọi người liền kể về Thuấn: cha của Thuấn là một người rất hồ đồ, mọi người gọi ông ta là Cổ Tẩu (có nghĩa là một lão già mù). Mẹ đẻ Thuấn chết sớm, mẹ kế là một người độc ác, mẹ kế sinh được một người em tên là Tượng, rất kiêu ngạo nhưng lại được Cổ Tẩu rất cưng. Sống trong một gia đình như thế, nhưng Thuấn đối đãi với cha, mẹ kế và em rất mực hiếu thuận. Vì vậy, mọi người coi Thuấn là người có đức hạnh. Nghiêu nghe nói rất hài lòng, quyết định thử thách thêm, liền đem hai con gái của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh gả cho Thuấn, lại dựng cho Thuấn một kho lương thực, cho Thuấn nhiều bò, dê. Mẹ kế và em thấy thế vừa thèm muốn vừa ghen tị, liền cùng Cổ Tẩu lập mưu nhiều lần muốn ám hại Thuấn. Có lần, Cổ Tẩu bảo Thuấn lên chữa mái nhà kho. Khi Thuấn bắc thang leo lên lên mái, Cổ Tẩu liền phóng hỏa, toan đốt cháy Thuấn. Thuấn thấy lửa cháy, liền tìm thang thì thang đã bị lấy đi. May mà Thuấn có mang theo hai chiếc mũ lớn che nắng, liền dùng hai tay cầm mũ, nhảy xuống như con chim, không hề hấn gì.
Cổ Tẩu và Tượng vẫn chưa cam chịu, lại sai Thuấn đi đào giếng, khi Thuấn ở dưới lòng giếng, Cổ Tẩu và Tượng ở trên đổ đất đá xuống để chôn sống Thuấn trong giếng. Không ngờ, sau khi xuống giếng Thuấn đã đào được một ngách ngang tránh được, rồi từ đấy lại moi đất lên đi về nhà. Tượng không biết Thuấn đã thoát hiểm, nên khi về nhà đã đắC ý nói với Cổ Tẩu: "Lần này thì anh con chắc đã chết rồi, diệu kế đó là do con nghĩ ra, bây giờ ta có thể chiếm tài sản của Thuấn rồi", nói xong liền đi về phía nhà Thuấn. Không ngờ khi vừa bước vào, Tượng đã thấy Thuấn đang ngồi bên giường đánh đàn. Tượng giật mình, ngượng ngùng nói: "Ôi, em nhớ anh quá", Thuấn làm như không có chuyện gì xảy ra, bảo: "Em đến thật đúng lúc, anh có nhiều việc muốn nhờ em giúp đỡ đây". Sau đó, Thuấn vẫn đối đãi tốt với cha, mẹ kế và em như trước kia. Cổ Tẩu và Tượng không dám ám hại Thuấn nữa.
Sau khi nghe mọi người kể và tự mình cân nhắc, Nghiêu thấy Thuấn đúng là người vừa có đức hạnh lại vừa giỏi giang, liền nhường chức vị thủ lĩnh cho Thuấn. Việc nhượng chức vị đó, lịch sử gọi là "thiện nhượng". Kỳ thực, trong thời công xã thị tộc, khi thủ lĩnh bộ lạc già cả, việc dùng biện pháp tuyển cử để chọn thủ lĩnh mới là một việc thường thấy. Sau khi nhận chức, Thuấn vừa cần cù, vừa tiết kiệm, cùng lao động với mọi người, được mọi người rất tin cậy. Mấy năm sau, Nghiêu chết, Thuấn lại muốn nhường chức thủ lĩnh cho con trai Nghiêu là Đan Chu, nhưng không ai tán thành. Thuấn mới chính thức đảm nhận chức vị này.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...