Sau khi Tùy Dạng Đế Dương Quảng lên ngôi, liền nghĩ cách tăng cường sự khống chế về chính trị trong cả nước, đồng thời làm cho vật tư dồi dào của miền Giang Nam có thể vận chuyển thuận lợi lên miền bắc, cộng thêm tính ham hưởng lạc, nên chủ trương làm ngay 2 việc "lớn": một là, xây dựng Lạc Dương thành một đô thành mới, gọi là Đông Đô. Hai là đào 1 con sông thông suốt nam bắc, gọi là Đại vận hà.
Năm 605, Tùy Dạng Đế trao cho Vũ Văn Khải, 1 đại thần chuyên quản lý việc xây dựng, nhiệm vụ xây dựng Đông Đô. Vũ Văn Khải là 1 công trình sư có tài. Ông ta đoán đúng tâm lý thích phô trương xa xỉ của Tùy Dạng Đế nên đã cho xây dựng Đông Đô hết sức to lớn, tráng lệ. Mọi thứ gỗ tốt, đá quí đều được vận chuyển từ vùng phía nam Trường Giang, phía bắc Ngũ Lĩnh lên. Chỉ riêng 1 cây gỗ lớn dùng làm cột, đã phải điều hàng ngàn người kéo. Để xây dựng Đông Đô, mỗi tháng phải huy động 2 triệu dân công thi công liên tục suốt ngày đêm. Ở phía tây Lạc Dương, còn làm 1 vườn hoa lớn, dành riêng cho Tùy Dạng Đế thưởng ngoạn, gọi là Tây Uyển. Vườn có chu vi 200 dặm, bên trong có biển và núi nhân tạo, các đình đài lầu các, kỳ hoa dị thảo, không thứ gì không có. Điều đặc biệt không tưởng tượng được, là vào mùa đông khi cây trụi hết lá, rất nhiều người đã được cắt cử đến để dán lên mọi cành cây các mảnh lụa màu theo đúng hình hoa lá của từng loại cây, khiến cho khắp vùng vườn rộng lớn được xanh tốt như mùa xuân, hạ.
Cũng trong năm khởi công xây dựng Đông Đô, Tùy Dạng Đế còn hạ lệnh điều động hơn 1 triệu dân phu thuộc Hà Nam và Hoài Bắc để đào 1 con sông từ vườn Tây Uyển ở Lạc Dương đến Sơn Dương (nay là Hoài An, Giang Tô) ở bờ nam Hoài Thủy và đặt tên là "Thông Tế cừ". Ngoài ra, còn điều hơn 10 vạn dân phu ở Hoài Nam để nạo vét Hàn Cừ nối Sơn Dương với Giang Đô (nay là Dương Châu, Giang Tô). Hàn Cừ vốn được Ngô vương Phù Sai cho đào từ thời Xuân thu, đến lúc đó nhiều chỗ đã bị lấp cạn. Hai đoạn đường thủy trên được mở ra và khai thông khiến cho việc giao thông đường thủy từ Lạc Dương đến Giang Nam tiện lợi hơn trước rất nhiều. Trong 5 năm sau đó, Tùy Dạng Đế lại 2 lần hạ lệnh điều dân phu để đào vận hà. Đoạn thứ nhất từ bờ bắc Hoàng Hà ở Lạc Dương đến Trác Quận (nay là Bắc Kinh), gọi là "Vĩnh Tế cừ". Đoạn thứ 2 từ Kinh Khẩu (nay là Trấn Giang, Giang Tô) đến Dư Hàng (nay là Hàng Châu, Triết Giang), gọi là "Giang Nam Hà". Cuối cùng, nối liền 4 vận hà trên lại với nhau, thành ra 1 Đại vận hà xuyên suốt bắc nam, dài tới 4000 dặm. Đại vận hà này là 1 trong những công trình vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nó có vai trò tích cực trong việc phát triển kinh tế, văn hóa và duy trì sự thống nhất của Trung Quốc. Tất nhiên, để có được công trình vĩ đại này, nhân dân lao động đã phải đổ mồ hôi và thậm chí cả sinh mạng mới hoàn thành được.
Tùy Dạng Đế đặc biệt thích đi tuần du bên ngoài kinh đô Lạc Dương, một là để chơi bời hưởng lạc, hai là để tỏ rõ uy phong với trăm họ. Khi vận hà nối liền Lạc Dương (tức Đông Đô) với Giang Đô vừa làm xong. Tùy Dạng Đế liền dẫn 1 đội ngũ đông đảo gồm 20 vạn người đi tuần du Giang Đô. Trước đó, Tùy Dạng Đế đã cho đóng hơn 1 vạn chiếc thuyền lớn dùng cho việc này. Ngày xuất phát, Tùy Dạng Đế và Tiêu hoàng hậu mỗi người dùng 1 chiếc thuyền cực lớn 4 tầng. Trên mỗi thuyền, có bố trí cung điện và hơn 100 gian cung thất, trang trí vàng son rực rỡ. Tiếp sau 2 thuyền lớn là mấy ngàn thuyền hoa dành cho các cung phi, vương công quí tộc, văn võ bá quan. Sau đó là mấy ngàn thuyền lớn chở binh lính tùy tùng cùng vũ khí, màn trướng. Trên 1 vạn chiếc thuyền dàn trên mặt sông, từ thuyền đầu tới thuyền cuối dài tới 200 dặm.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Fiction HistoriqueMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...