Vương triều Nam Tống 1 mặt chịu nhục cầu hòa với Kim, 1 mặt tăng cường bóc lột nhân dân, thu thuế má nặng nề, khiến đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Năm 1130, quân Kim đánh chiếm Đàm Châu, thả sức cướp bóc rồi rút đi. Sau đó, lại có 1 tên Đoàn luyện sứ của triều Tống là Khổng Ngạn Chu, sau khi bị quân Kim đánh thua tan tác, liền dẫn tàn binh tới đây cướp bóc, đòi thu tô lúa. Nhân dân địa phương không chịu nổi liền vùng lên khởi nghĩa dưới sự cầm đầu của Chung Tương. Chung Tương là 1 người quê quán ở Vũ Lăng thuộc Đỉnh Châu (nay là Thường Đức, Hồ Nam). Trong khi quân Kim tiến xuống phía nam, ông đã từng tổ chức dân binh chống lại, nhưng không được triều đình ủng hộ. Ông liền về quê hương, tổ chức đội tự vệ nông dân, dùng hình thức tôn giáo để tuyên truyền trong quần chúng. Chung Tương tự xưng là "Thiên đại thánh", có thể giải cứu nhân dân khỏi tai họa. Ông nói: "Luật của triều đình hiện nay chia người ta ra làm giàu nghèo sang hèn, như thế không tốt. Luật do ta thực hiện là không phân biệt giàu nghèo sang hèn, mọi người đều bình đẳng". Dân chúng đã từng khổ sở vì quan lại, địa chủ; nghe nói như vậy, không ai không vui mừng.
Mọi người đều hết sức kính trọng ông, số người xin đi theo "phép" của ông ngày càng nhiều. Khi cuộc cướp bóc của Khổng Ngạn Chu khiến nhân dân căm phẫn, Chung Tương liền tuyên bố khởi nghĩa. Ông tự xưng là Sở vương, xây dựng chính quyền riêng. Nhân dân các huyện lân cận nô nức tham gia nghĩa quân. Chung Tương mang quân đi đánh chiếm các thành trì, đốt phá dinh quan, đánh phá các hào phú. Không đầy 1 tháng, nghĩa quân đã chiếm được 19 huyện xung quanh Động Đình Hồ. Triều đình Nam Tống hết sức hốt hoảng, liền phong Khổng Ngạn Chu làm Tróc sát sứ để trấn áp nghĩa quân. Khổng Ngạn Chu biết rằng nếu dùng sức mạnh thì không địch nổi Chung Tương, nên đã sử dụng bọn gian tế, giả làm dân nghèo, trà trộn vào hàng ngũ nghĩa quân. Tháng 3 năm 1130, Khổng Ngạn Chu mở cuộc tiến công, bọn gian tế làm nội ứng, nghĩa quân trở tay không kịp nên bị đánh bại. Chung Tương và con là Chung Tử Ngang bị bắt, rồi bị giết hại.
Sau khi Chung Tương bị hại, quân khởi nghĩa liền cử Dương Yêu làm thủ lĩnh để tiếp tục chiến đấu chống triều đình. Dương Yêu vốn tên là Dương Thái, vì tuổi còn trẻ nên được dân chúng địa phương gọi 1 cách thân mật là Dương Yêu. Dưới sự lãnh đạo của Dương Yêu, quân khởi nghĩa xây dựng doanh trại ven Động Đình Hồ và tập trung nhiều thuyền bè tại các bến trong hồ, lúc thường thì đánh cá, khi quân triều đình tới thì chiến đấu. Nghĩa quân ngày càng lớn mạnh. Triều Nam Tống lại cử Trình Xương Ngụ làm trấn phủ sứ để đàn áp nghĩa quân. Trình Xương Ngụ tới Đỉnh Châu, bỏ ra nhiều công sức chế tạo hàng loạt xa thuyền lớn, mỗi xa thuyền chứa được 1000 lính, dùng bàn đạp để chuyển động cánh quạt nước, đẩy thuyền đi. Trình Xương Ngụ dùng đội xa thuyền đó để tiến công thủy trại của nghĩa quân. Thủy trại được dựng ở vùng nước cạn ven bờ, nên xa thuyền lớn mắc cạn, không tiến lui được. Nghĩa quân thừa cơ phản công, quan quân triều đình phải bỏ thuyền lớn chạy trốn. Toàn bộ đội thuyền lớn lọt vào tay nghĩa quân. Cứ điểm Động Đình Hồ của nghĩa quân Dương Yêu thu hút tới 20 vạn người, phạm vi chiếm lĩnh ngày càng mở rộng. Tháng 4 năm 1133, Dương Yêu lập con Chung Tương là Chung Tử Nghi làm thái tử, tự mình xưng là Đại Thánh Thiên Vương, tuyên bố phế bỏ mọi lao dịch và thuế má trong vùng nghĩa quân chiếm lĩnh. Đời sống nhân dân nhờ thế ngày càng hưng vượng. Vương triều Nam Tống coi cuộc khởi nghĩa Dương Yêu là mối họa lớn từ bên trong không thể để yên. Vì vậy, Tống Cao Tông liền cử Vương Nhiếp đem 6 vạn quân đánh dẹp. Vương Nhiếp không dám dùng thuyền lớn nữa, mà đổi lại dùng thuyền nhỏ. Nghĩa quân lại dùng xa thuyền lớn nghinh chiến, nhưng xa thuyền này cao tới mấy trượng, đi lại như bay. Xung quanh thuyền lớn lại trang bị cần bắn đá, mỗi khi thuyền quân triều đình tới gần, liền bị đá bắn ra, đánh chìm. Trên xa thuyền lớn còn có những cây gỗ vát nhọn, gọi là "quạ gỗ", phóng ra cùng với tên nỏ, khiến quân triều đình không sao chống đỡ nổi.
Một hôm, ven Động Đình Hồ bỗng xuất hiện mấy xa thuyền lớn, trên thuyền không thấy có cờ quạt, vũ khí và binh lính. Quân lính của Vương Nhiếp thấy thế, tưởng rằng nghĩa quân ở thượng lưu đã bị quan quân đánh thua và những xa thuyền lớn đó bồng bềnh trôi dạt đến đây, liền đua nhau tới gần, leo lên để chèo đi. Ngờ đâu, khi tới giữa hồ, bỗng thấy trong lòng thuyền vang dậy tiếng trống trận và tiếng thét, nghĩa quân bật nắp thuyền xông lên chém giết và đạp guồng, điều khiển thuyền lớn đâm chìm mấy trăm thuyền nhỏ của quân triều đình, làm 2 quân tướng triều đình và rất đông quân lính bị chìm dưới lòng hồ. Trong lúc đó, số quân triều đình đóng ven bờ cũng bị nghĩa quân tiến công mãnh liệt. Kết quả, ngày hôm đó, nghĩa quân tiêu diệt được 1 vạn quân triều đình, tước đoạt rất nhiều vũ khí, khôi giáp. Trong lúc Vương Nhiếp đang ngồi trong đại bản doanh đợi tin tức, bỗng thấy hơn 100 quân nông dân mặc quần áo mới, vừa đi vừa đánh trống, thổi sáo, gõ vào các khí cầu, phía sau còn có người gánh theo 1 gánh giấy tờ. Quan quân ngỡ đó là số nghĩa quân đến hưởng ứng lệnh chiêu an, mang thư hàng tới, liền đón họ vào. Tướng Tống mở giấy tờ ra xem, thì ra đó là những cáo thị và ấn chương của quân quan bị nghĩa quân thu được. Nghĩa quân thấy quân triều đình mắc lừa, đều cười rộ nói: "Một vạn thủy quân của bọn ngươi tối qua đã bị chúng ta giết sạch. Toàn bộ khôi giáp, đao thương, cờ hiệu, lương tiền đều bị chúng ta thu hết rồi!". Nói xong lại đánh trống, thổi sáo đi ra. Vương Nhiếp nghe tin, tức uất người, nhưng đã muộn.
Một viên quan chính quyền Tề của Lưu Dự tên là Lý Thành nghe tin nghĩa quân liên tục thắng lợi, liền cử người đem thư và lễ vật tới đại trại của Dương Yêu liên lạc, mời nghĩa quân liên hợp với Tề để chống lại Tống. Lý Thành dụ dỗ là nếu đánh chiếm được châu, huyện thì sẽ phong người của nghĩa quân làm tri châu, tri huyện. Nghĩa quân cự tuyệt lời dụ dỗ đó. Lý Thành lại cử 1 phái đoàn gồm 35 người mang theo sắc phong, cẩm hào và đại ngọc tới dụ hàng. Nghĩa quân nổi giận dùng rượu chuốc say các sứ giả Tề rồi đem giết hết. Việc đánh dẹp, dụ hàng của cả Nam Tống và chính quyền cát cứ Tề đều không khuất phục được Dương Yêu. Tới năm 1135, tức là năm thứ 6 sau khi phát động khởi nghĩa, Tống Cao Tông cử tể tướng Trương Tuấn thân tới đốc chiến, lại gọi quân đội Nhạc Phi từ tiền tuyến kháng Kim trở về tiến đánh. Vì có kẻ phản bội trong hàng ngũ nghĩa quân, nên đại trại của Dương Yêu bị đánh chiếm, Dương Yêu bị bắt và giết hại. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 6 năm bị thất bại.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Tiểu thuyết Lịch sửMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...