THẠCH SÙNG, VƯƠNG KHẢI THI GIÀU CÓ
Sau khi Tấn Vũ Đế thống nhất toàn quốc, cảm thấy thỏa mãn ý nguyện, liền chìm đắm trong cuộc sống xa hoa dâm dật. Chưa bằng lòng với số cung nữ đông đảo vốn có, ông ta cho thu nạp số cung nữ của Thục Hậu chủ Lưu Thiền và của Đông Ngô Qui Mệnh Hầu Tôn Hạo (riêng số cung nữ của Tôn Hạo đã là gần 5000), đưa tổng số cung nữ lên gần 1 vạn người. Theo gương ông ta, các đại thần trong triều đều coi việc khoa trương sự giàu có và thói ăn chơi làm phong thái thời thượng.Tại kinh đô Lạc Dương lúc đó có 3 đại phú hào nổi tiếng. Một là Trung bộ quân Dương Tú, giữ chức chưởng quản quân cấm vệ; người thứ 2 là Hậu tướng quân Vương Khải, cậu của Tấn Vũ Đế; người thứ 3 là Tản kỵ thường thị Thạch Sùng. Dương Tú và Vương Khải đều là ngoại thích nên có quyền thế hơn Thạch Sùng, nhưng Thạch Sùng lại đứng đầu về sự giàu có. Không ai biết rõ Thạch Sùng có bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng rất nhiều. Nguồn tiền bạc ấy do đâu mà có? Nguyên là Thạch Sùng từng làm thứ sử Kinh Châu trong mấy năm. Trong thời gian đó, ngoài việc bóc lột, hút máu mủ nhân dân, hắn còn nhúng tay vào các hành động cướp bóc bẩn thỉu, phi pháp. Các sứ thần và thương nhân ngoại quốc đi qua Kinh Châu đều bị bộ hạ của Thạch Sùng vòi vĩnh tiền đút lót và nhiều khi còn đóng vai giặc cướp, giết người, chiếm đoạt hết hàng hóa. Vì vậy, hắn tích lũy được rất nhiều tiền bạc và đồ châu ngọc quí giá, trở thành người giàu có nhất nước lúc bấy giờ.
Thạch Sùng về Lạc Dương, nghe nói Vương Khải giàu có nổi tiếng nên có ý so đọ hơn thua. Nghe nói nhà Vương Khải thường cọ nội bằng đường mạch nha, Thạch Sùng liền hạ lệnh cho gia nhân dùng nến để đun nấu thay củi. Chuyện đó được lan truyền, nhiều người cho rằng như vậy là Thạch Sùng xài sang hơn Vương Khải. Vương Khải liền cho dựng bình phong bằng lụa tía suốt 2 bên đường trước nhà mình, dài tới 40 dặm. Ai muốn tới nhà Vương Khải, đều phải đi giữa 2 hàng bình phong lụa tía dài dằng dặc ấy. Kiểu trang trí xa xỉ ấy làm rung động toàn kinh thành Lạc Dương. Thạch Sùng chơi trội hơn, cho dùng đoạn màu, là thứ đắt tiền hơn lụa tía nhiều lần, cũng làm 2 dãy bình phong dài dài suốt 50 dặm, hơn hẳn Vương Khải cả về chiều dài và sự lộng lẫy. Vương Khải bị thua lần thứ 2, rất cay cú nhưng chưa cam chịu. Khải liền nhờ Tấn Vũ Đế - là cháu gọi bằng cậu giúp đỡ 1 tay. Tấn Vũ Đế cho là cuộc thi đó rất thú vị, liền tặng cho Vương Khải 1 cây san hô cao hơn 2 thước vẫn được bày trong hoàng cung để ông cậu có thể gỡ thể diện trước mọi người.
Được hoàng đế giúp đỡ, Vương Khải tin chắc lần này mình sẽ thắng, liền mở tiệc, mời Thạch Sùng và nhiều quan chức tới dự. Trong bữa tiệc, Vương Khải đắc ý tuyên bố: "Nhà tôi có một cây san hô hiếm có. Chư vị có vui lòng thưởng ngoạn không?".
Tất nhiên mọi người đều muốn xem. Vương Khải liền sai một số thị nữ khiêng cây san hô ra. Đó là 1 cây san hô cao hơn 2 thước, hình dáng đầy đặn, cân xứng; có màu phấn hồng rất tươi đẹp. Mọi người khen nức nở, đều cho đó là một bảo vật hiếm có trên đời. Chỉ có Thạch Sùng là đứng bên cạnh cười nhạt. Hắn nhìn thấy trên bàn có 1 chiếc gậy như ý (1 đồ trang trí thời xưa) bằng sắt, liền thuận tay cầm lấy, không nói năng gì, đập thẳng vào cây san hô. Một tiếng "choang" khô đục, cây san hô gãy vụn, rơi lả tả. Mọi người kinh hoàng thất sắc. Chủ nhân Vương Khải giận run người, tím mặt, nói không thành tiếng: "Sao...sao...ngươi dám làm thế?".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...