Sau khi dẹp xong loạn Tam phiên, nền thống trị của vương triều Thanh ở Trung Quốc bắt đầu ổn định. Nhưng còn 1 điều khiến Khang Hy Đế không thật yên tâm, đó là 1 số nhân sĩ cũ của triều Minh không phục. Do đó, ông dùng 1 biện pháp, là mở ra "Khoa Bác Học Hồng Từ", ra lệnh cho các đại thần trong triều và các quan địa phương tiến cử người có học vấn lên triều đình, phong ngay cho họ làm quan. Biện pháp này quả nhiên rất hiệu nghiệm, nhiều học giả, văn nhân nổi tiếng trong toàn quốc hưởng ứng lệnh triệu, tới kinh thành nhận chức. Nhưng vẫn có 1 số học giả cho rằng mình là thần dân triều Minh, ra làm quan cho triều Thanh là mất khí tiết. Họ thà chịu chém đầu chứ nhất định không theo lệnh triệu. Trong số đó có nhà tư tưởng nổi tiếng Cố Viêm Võ. Có người muốn tiến cử ông vào Khoa Bác Học Hồng Từ, ông viết thư trả lời: "Tôi là một ông lão đã bảy mươi tuổi, còn ham muốn gì nữa? Chỉ có cái chết đang chờ tôi. Nếu nhất định buộc tôi theo lệnh triệu, tôi đành chọn cái chết mà thôi!".
Cố Viêm Võ quê tại Côn Sơn, Giang Tô, xuất thân trong 1 dòng họ lớn ở Giang Nam. Tổ phụ của ông là 1 trí thức nổi tiếng, cho rằng đọc sách cần phải đồng thời nghiên cứu thực tế. Chịu ảnh hưởng tổ phụ, từ nhỏ Cố Viêm Võ đã thích đọc "Tư trị thông giám", "Sử ký" và "Tôn Ngô binh pháp", đồng thời rất quan tâm đến thời sự. Sau 1 lần thi không đỗ, ông liền quyết tâm từ bỏ khoa cử, vùi đầu đọc mọi thư tịch lịch sử các triều đại, nghiên cứu địa phương chí các vùng trong cả nước và mọi tấu chương của danh nhân các đời. Sau đó, bắt tay vào viết tác phẩm lịch sử-địa lý quan trọng là "Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư". Chính trong lúc ông tập trung tâm lực vào nghiên cứu học thuật thì triều Minh diệt vong, quân Thanh tiến xuống miền Nam, nhân dân các địa phương thuộc Giang Nam đều tổ chức chống cự. Cố Viêm Võ và 2 người bạn thân cũng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Côn Sơn. Sau khi kịch chiến với quân Thanh trong 21 ngày, vì lực lượng quá chênh lệch, quân nhân Côn Sơn đã thất bại. Khi thành Côn Sơn bị mất, bà mẹ của Cố Viêm Võ bị lính Thanh chém đứt cánh tay phải. Bà mẹ kế, người đã nuôi nấng ông trưởng thành, nghe tin quân Thanh đánh chiếm Thường Thục, liền nhịn ăn mà chết. Trước khi mất, bà nói với Cố Viêm Võ: "Ta tuy là một người đàn bà, nhưng chết theo nạn nước cũng là lẽ đương nhiên. Mong con sau này chớ làm thần tử triều Thanh, thì dù ta có chết đi cũng yên tâm nhắm mắt".
Cố Viêm Võ khóc rống lên đau đớn, sau khi an táng kế mẫu, liền rời khỏi làng quê. Ông toan đi đường biển tới theo Lỗ vương, nhưng chưa thực hiện được ý định thì chính quyền Lỗ vương đã bị tiêu diệt. Cố Viêm Võ thay tên đổi họ, đi khắp dải nam bắc Trường Giang, muốn tổ chức 1 đội nghĩa quân chống Thanh, nhưng do thế cô, sức mỏng nên không thực hiện được. Lúc đó, ở miền ven biển và Thái Hồ còn 1 số lực lượng lẻ tẻ chống Thanh. Nhưng quân Thanh đề phòng rất nghiêm, hễ phát hiện thấy ai có chút hiềm nghi là ghép cho tội "tư thông với phản quân" rồi bắt giam. Tại Côn Sơn, có 1 địa chủ kiêm quan lại tên là Diệp Phương Hằng, muốn chiếm ruộng đất của gia đình Cố Viêm Võ, liền mua chuộc lũ gia nhân nhà họ Cố, vu cáo Cố Viêm Võ "tư thông với phản quân". Diệp Phương Hằng bắt Cố Viêm Võ tới, tự lập công đường, buộc ông tự sát. Một số bạn bè của Cố Viêm Võ muốn cứu ông, liền đi tìm Tiền Khiêm Ích đang làm quan đang làm quan cho triều Thanh nhờ giúp đỡ. Tiền Khiêm Ích vốn là Lễ bộ thượng thư trong triều Nam Minh của Hoằng Quang Đế, lại là 1 văn học gia có tiếng. Khi quân Thanh xuống Giang Nam, ông ta liền đầu hàng, mất hết thanh danh. Tiền Khiêm Ích tỏ ý, nếu Cố Viêm Võ chịu nhận là học trò của ông ta, thì ông ta sẽ bảo lãnh cho ra khỏi nhà giam. Người bạn biết Cố Viêm Võ không chịu nghe theo điều kiện đó, liền tự quyết định, viết 1 danh thiếp của Cố Viêm Võ, đưa cho Tiền Khiêm Ích, nhờ giúp đỡ.
Cố Viêm Võ biết việc đó, trách mắng người bạn, buộc phải đòi danh thiếp về. Người bạn không chịu làm theo, Cố Viêm Võ liền dán bố cáo ngoài phố, nói rõ tấm danh thiếp ấy là giả, khiến Tiền Khiêm Ích lâm vào cảnh khó xử. Nhờ nhiều bạn bè chạy vạy, Cố Viêm Võ mới được tha ra.Diệp Phương Hằng vẫn chưa chịu thôi, cử người theo dõi ông. Một hôm, Cố Viêm Võ đi qua Thái Bình Môn của thành Nam Kinh, bị bọn côn đồ xông ra đánh, bị thương nặng ở đầu, may nhờ có người cấp cứu mới thoát được nguy hiểm. Ông thấy không thể ở lại Giang Nam được, liền quyết tâm đi du lịch miền bắc. Tới miền bắc, Cố Viêm Võ nhằm 2 mục đích: 1 là khảo sát địa thế và phong tục tập quán địa phương, 2 là tìm kiếm, kết giao với những bạn bè cùng chí hướng để tổ chức hoạt động chống Thanh. Trong hoàn cảnh rong ruổi đường xa gian khổ, nhưng Cố Viêm Võ không bao giờ lơi lỏng việc nghiên cứu học thuật. Trên đường, ông đem theo 2 con ngựa, 4 con lừa để thồ sách vở. Qua những nơi quan ải hiểm yếu, đều hỏi han những lão binh đã giải ngũ, tìm hiểu phong tục tập quan địa phương, nếu thấy trong sách không ghi chép đúng như vậy, đều đối chiếu, sửa chữa lại. Do đó, tri thức của ông càng phong phú thêm. Cho đến năm 45 tuổi, Cố Viêm Võ bỏ ra 25 năm đi khảo sát khắp vùng Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc, Giang Nam. Hầu như 1 nửa số thời gian trong năm, ông trú trong các lữ quán. Ông còn cùng 1 số bạn bè khai khẩn đất hoang ở vùng Nhạn Bắc. Những năm cuối đời, ông mới định cư ở Hoa Âm thuộc Thiểm Tây.
Từ nhỏ, khi đọc sách, Cố Viêm Võ đã có thói quen là khi có gì tâm đắc liền ghi chép lại. Sau nếu thấy có sai lầm, lại lập tức sửa chữa. Nếu phát hiện thấy mình trùng lặp những điều của người xưa, cũng lập tức xóa bỏ. Cứ tích lũy năm tháng như vậy, cộng thêm những tư liệu thu thập được qua khảo sát, điều tra, ông soạn thành 1 bộ có nội dung cực kỳ phong phú, bao quát các mặt chính trị, kinh tế, lịch sử, địa lý, văn nghệ, đặt tên là "Nhật Tri Lục" (ghi chép những tri thức thu lượm được từng ngày). Bộ sách này được công nhận là 1 trước tác rất có giá trị học thuật. Trong "Nhật Tri Lục", ông viết 1 đoạn văn lời lẽ rất sâu sắc, thấu triệt. Ông cho rằng đạo đức, phong tục xã hội mà bại hoại, thì sẽ mất thiên hạ. Để giữ được thiên hạ, thì mỗi người bình thường dù ở địa vị thấp cũng đều cần gánh lấy trách nhiệm (nguyên văn: "Bảo thiên hạ giả, thất phu chi tiện dữ hữu trách yên nhĩ hĩ"). Câu danh ngôn "Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách" (sự hưng vong của thiên hạ, có trách nhiệm của người dân thường) là xuất phát từ đoạn văn trên của Cố Viêm Võ.
Những nhà tư tưởng cùng thời đại với Cố Viêm Võ, còn có Vương Phu Chi, Hoàng Tông Hy. Họ đều tham gia cuộc đấu tranh chống Thanh, trước sau không chịu theo lệnh triệu ra làm quan dưới triều Thanh. Họ đều có thành tự lớn về học thuật. Lịch sử gọi gộp cả 3 người là "Thanh sơ tam tiên sinh" (Ba bậc thầy đầu đời Thanh).
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
HistoryczneMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...